Giải pháp triển khai ‘tam công chiến pháp’ ở biển Đông

Ưu thế của VN là có chính nghĩa, vì chúng ta thực hiện các quyền được hưởng theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 - được coi là hiến pháp về biển và đại dương của Liên Hiệp Quốc, hiện có 168 quốc gia thành viên, trong đó có TQ. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng việc sử dụng công luận để làm vũ khí chống lại các hành vi sai trái của TQ, chúng ta có mặt làm tốt nhưng cũng có mặt chưa tốt. Vì thế, chúng ta cần phải tiếp tục thực hiện chiến lược sử dụng công luận này một cách bài bản và thống nhất.

Về mặt công khai, việc này có liên quan mật thiết đến vấn đề ở trên - vấn đề công luận. Để có thể tranh thủ được sự ủng hộ của dư luận trong nước và quốc tế thì thông tin phải được công khai. còn nhớ hồi năm 2014, thông tin đã được công khai triệt để với sự lên tiếng mạnh mẽ của hầu hết các lãnh đạo cao cấp nhất của VN, cộng với việc cung cấp thông tin cho các phóng viên quốc tế, các hãng thông tấn quốc tế. chính điều này đã có tác dụng rất lớn trong việc tạo niềm tin cho nhân dân đối với quyết tâm gìn giữ biển, đảo của Đảng và Nhà nước, đồng thời tạo được sức ép quan trọng đối với TQ để họ cân nhắc rút giàn khoan Hải dương 981 ra khỏi khu vực vùng biển của VN.

Với kinh nghiệm đó, chúng ta cần phải phát huy hơn nữa sức mạnh của công luận trong các sự kiện TQ xâm phạm các vùng biển của VN gần đây. Nhiều nhà nghiên cứu và chính khách trên thế giới cũng mong muốn chúng ta cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời. Làm được điều đó một mặt khiến cho dư luận quốc tế sẽ có điều kiện để lên tiếng mạnh mẽ hơn, mặt khác sẽ làm cho nhân dân VN hiểu và đồng hành cùng Đảng và Nhà nước trong việc giữ gìn và bảo vệ biển, đảo.

Về mặt công pháp, việc kiện sẽ được coi như là biện pháp cuối cùng trong các biện pháp hòa bình, vì thế vấn đề công pháp không nhất thiết là việc kiện. Công pháp có thể được hiểu là việc dựa vào luật quốc tế, cũng là dựa vào công lý, chính nghĩa để có thể công khai cho công luận thế giới. Ngoài ra, VN có thể tranh thủ nhiều diễn đàn liên quan về luật quốc tế để nêu vấn đề cho công luận thế giới quan tâm.

Ngoài ba biện pháp nêu trên, VN cần có một chiến lược thống nhất và cụ thể trong việc dự đoán, phân tích diễn biến tại khu vực biển Đông. Từ đó xây dựng một kịch bản chi tiết để có thể ứng phó đối với tình hình phức tạp như những sự kiện vừa rồi. Ngoài ra, vẫn cần xây dựng thực lực cho các lực lượng trên thực địa như cảnh sát biển, kiểm ngư… để có thể đủ sức kiềm chế đối phương trên thực địa. Thêm nữa, vẫn cần xây dựng lực lượng hải quân mạnh mẽ để phòng vệ.

Phải thừa nhận rằng không dễ gì ngăn cản TQ hung hăng. Ngay chính giới chức của Mỹ còn lúng túng và khó khăn trong việc đối phó với TQ với các hành động như vậy. Cách hiệu quả nhất là xây dựng thực lực thật mạnh để tạo sức mạnh răn đe, đồng thời chuyển hướng đối ngoại để có thể tạo được sức ép từ phía quốc tế để ngăn chặn các hành vi sai trái của TQ.

ThS HOÀNG VIỆT, ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm