Giải pháp nào cho quản lý mại dâm?

Nhiều cơ sở dịch vụ nhạy cảm còn đặt bao cao su ở nhà vệ sinh hoặc một số điểm cố định để khách có thể bỏ túi ngay khi cần.

Việc làm này nằm trong Chương trình 100% bao cao su được triển khai từ năm 2009 tại An Giang nhằm đảm bảo bao cao su có mọi lúc mọi nơi, hạn chế tác hại của mại dâm. Hằng tháng công an đi kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở dịch vụ nhạy cảm phải trang bị bao cao su. Theo một khảo sát sau đó của Trung tâm Phòng, chống HIV An Giang thì tỉ lệ HIV giảm hẳn. Cách làm này sau đó được triển khai nhân rộng ở nhiều nơi như Cần Thơ, Lào Cai... Cần nói thêm là Chương trình 100% bao cao su được triển khai ở Thái Lan từ năm 1990 và được Quỹ Dân số của Liên Hiệp Quốc (UNFPA) đánh giá rất thành công.

Đó là cách làm gần như không được thừa nhận nhưng cũng không bị cấm (hoạt động mại dâm) mà chỉ tập trung vào làm giảm tác hại từ mại dâm gây ra như lây nhiễm HIV và các bệnh khác qua đường tình dục. Thực tiễn mấy chục năm qua cho thấy không thể dẹp bỏ được hoạt động mại dâm bởi quan hệ tình dục ngoài gia đình của một bộ phận người dân là nhu cầu, trong đó có trường hợp rất chính đáng (như khi họ đang ly thân, ly hôn, góa vợ, vợ bệnh, độc thân...).

Ngày trước, người có hành vi bán dâm bị đưa vào “cơ sở chữa bệnh bắt buộc” - nơi thường được gọi tắt là trường phục hồi nhân phẩm. Từ những năm 2009, các cơ quan chức năng giật mình nhìn lại công tác phòng, chống mại dâm và có những nghiên cứu nhằm đánh giá xem hiệu quả của việc làm lâu nay. Trong năm đó, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (thuộc Bộ LĐ-TB&XH) đã có khảo sát trên 4.000 cán bộ về quan điểm, phương pháp tiếp cận phòng, chống mại dâm tại năm tỉnh, thành phố thuộc loại “điểm nóng”. Bất ngờ là tại Hải Phòng và TP.HCM đều có đến 50% đồng ý với việc cho khoanh vùng khu “đèn đỏ” để quản lý. Ở các tỉnh còn lại, con số này là từ 20% đến 30%.

Thế nhưng người ta vẫn lo ngại liệu khi đã có “khu đèn đỏ” thì có kiểm soát được hoạt động mại dâm? Hay khi đó vừa phải lo quản lý hoạt động mại dâm ở khu đèn đỏ, vừa lo dẹp mại dâm ở ngoài khu vực này? Bởi không phải người bán dâm nào cũng đủ điều kiện để vào khu đèn đỏ và đặc biệt là không phải người mua dâm nào cũng muốn bước vào khu đó bởi nó dễ bị phát hiện, dễ bị bêu riếu bởi… paparazzi. Đó là chưa nói đến thách thức chuẩn mực xã hội khi công khai thừa nhận nó. Do vậy những nghiên cứu và đề xuất tương tự đành xếp lại.

Từ 1-7-2013 (ngày Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực) đến nay, người bán dâm không còn bị đưa đi “chữa bệnh” nữa mà bị phạt hành chính 300.000 đồng. Vậy là người ta lại nhận ra sự bất công khi người bán thì bị xử lý còn người mua thì không bị sao cả, trong khi phải có cầu thì mới có cung. Kết quả là lại có một đề xuất nên công khai danh tính người mua dâm được trình ra.

Lâu nay, mỗi lần đi “ăn bánh trả tiền” người ta vẫn nơm nớp lo sợ bị công an mở cửa phòng bất thình lình, lập biên bản trong tình trạng vơ vội miếng vải nào đó để che thân, cúi mặt như thể muốn độn thổ. Nay nếu có thêm chuyện công khai danh tính họ, hệ lụy của việc này chắc sẽ kinh khủng hơn nhiều.

Nguyên nhân sâu xa của những đề xuất nói trên có lẽ xuất phát từ việc chúng ta đang xem mại dâm là một tệ nạn xã hội. Đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi quan điểm, thay vì phòng, chống hoạt động mại dâm, chúng ta nên kiểm soát những tác hại từ nó như An Giang và một số tỉnh đã làm. Thực tế cho thấy những người hành nghề mại dâm dường như ngày càng tăng, cách thức hoạt động ngày càng tinh vi dưới nhiều vỏ bọc khác nhau: nhân viên massage, tiếp viên, hớt tóc thanh nữ… 

Với việc quản lý hoạt động mại dâm, giải pháp nào cũng sẽ có những mặt trái của nó, kể cả công nhận hay cấm đoán. Vì vậy áp dụng “giải pháp nửa vời” không cấm cũng không thừa nhận nó, đồng thời tập trung tăng cường các biện pháp giảm tác hại như An Giang đã làm có vẻ là điều tối ưu nhất trong lúc này.

THANH MẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm