KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG (28-8-1945 - 28-8-2021)

Giải pháp công nghệ phát huy hiệu quả trong phòng chống dịch

Công nghệ đã và đang giải quyết hiệu quả bài toán kết nối từ khi dịch COVID-19 khởi phát ở Việt Nam vào đầu năm 2020, góp phần quan trọng trong nhiều khâu, giữa người bệnh với hệ thống y tế, người khó khăn với nhà hảo tâm, người dân với các cấp chính quyền…” - Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng chia sẻ như trên tại tọa đàm trực tuyến “Kết nối trong đại dịch” ngày 24-8.

Đưa các nền tảng, dịch vụ đến tâm dịch

Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, việc kết nối đến từ nhu cầu thực tế của người dân, người bệnh, người gặp khó khăn đến với bệnh viện (BV) và đội ngũ tư vấn y tế. Trong tất cả kết nối này, công nghệ đã và đang đóng vai trò quan trọng.

Qua quá trình triển khai, ông nhận thấy rằng công nghệ đã và đang giúp, không chỉ là giúp BV kết nối với nhau mà còn giữa bác sĩ và người cần tư vấn, giữa người khó khăn và người có khả năng giúp đỡ trong xã hội...

“Đây là các công cụ số tiện ích, hữu dụng thể hiện tính nhân văn, phát huy các giá trị giúp đỡ, chia sẻ với người dân, cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn vì dịch bệnh. Do đó chúng ta cần tăng cường, đẩy mạnh việc sử dụng hiệu quả các nền tảng, giải pháp số trong thời gian tới” - Thứ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Nền tảng hỗ trợ, tư vấn khám chữa bệnh từ xa (Telehealth). Ảnh: VT

Trước đó, tại lễ công bố kết nối nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) tới 100% tuyến huyện, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định: “Kết nối truyền hình để thực hiện Telehealth tới huyện là mơ ước nhiều chục năm của ngành y tế và trong bối cảnh có hàng trăm ngàn ca COVID-19 thì việc tư vấn khám chữa bệnh từ xa có vai trò quan trọng”.
Còn Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn bày tỏ: Toàn ngành TT&TT đã tích cực, chủ động tham gia sâu vào công tác phòng chống dịch của Chính phủ, của các địa phương và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

“Bộ TT&TT xác định là đơn vị tuyến đầu trong phòng chống dịch COVID-19, do đó các đơn vị phải chủ động, tích cực hơn nữa để tham gia sâu vào công tác chống dịch, nỗ lực hoàn thành đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao, không vì đại dịch mà ảnh hưởng đến công việc” - Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Hôm nay (28-8), kỷ niệm 76 năm ngày truyền thống ngành thông tin và truyền thông, Bộ TT&TT không tổ chức mít-tinh kỷ niệm, không tổ chức đón tiếp các đoàn khách đến thăm, chúc mừng và không nhận hoa chúc mừng.

(Theo thông báo của Bộ TT&TT) 

Mới đây nhất, ngày 25-8, nền tảng kết nối theo yêu cầu Giúp tôi!, thành viên của Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch COVID-19 quốc gia, đã chính thức ra mắt tính năng tư vấn y tế và sức khỏe tâm lý từ xa thông qua ứng dụng di động tới người dân đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên toàn quốc.

Thông qua ứng dụng này, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 có nhu cầu tư vấn sẽ được kết nối với các y bác sĩ, nhân viên y tế, chuyên gia tâm lý là tình nguyện viên tư vấn để được hỗ trợ trực tiếp, thông qua hình thức nhắn tin (chat) hay cuộc gọi hình ảnh (video call).

Hôm nay (28-8), hội thảo khoa học theo hình thức trực tuyến (webinar) với chủ đề “Nền tảng Giúp tôi! - công nghệ kết nối nhu cầu trong thời dịch COVID-19” cũng sẽ được tổ chức.

Giao diện chính của ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử. Ảnh: VT

Thống nhất tập trung, liên thông dữ liệu

Hiện nay, để phục vụ việc phòng chống dịch COVID-19, người dùng được khuyến nghị cài các ứng dụng như NCOVI - phục vụ việc khai báo sức khỏe hằng ngày, Bluezone - giúp phát hiện tiếp xúc gần với người dương tính hay Vietnam Health Declaration (VHD) - giúp khai báo y tế với người nhập cảnh. Để đăng ký và quản lý tiêm chủng, người dùng cần cài thêm ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử.

Thực tế, việc duy trì nhiều ứng dụng cùng một lúc khiến không ít người dân cảm thấy bất tiện và nhiều địa phương lúng túng trong việc triển khai, áp dụng.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cũng thừa nhận mục tiêu cuối cùng của các cơ quan quản lý nhà nước khi triển khai chống dịch là nhằm phục vụ người dân tốt nhất, sử dụng công nghệ đơn giản và hiệu quả nhất. Do đó, các đơn vị này đã có những thống nhất trong việc tập trung dữ liệu và các ứng dụng liên thông dữ liệu với nhau theo một tiêu chuẩn. Ví dụ, thời gian vừa rồi, các phần mềm thống nhất sử dụng một chuẩn QR Code.

Vấn đề này cũng được đặt ra tại hội nghị trực tuyến phổ biến kinh nghiệm triển khai các nền tảng công nghệ phòng chống dịch COVID-19 trên toàn quốc. Tại đây, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho rằng với sức lây lan nhanh của chủng Delta, chắc chắn công nghệ là công cụ không thể thiếu nếu muốn chống dịch hiệu quả. Do đó, Bộ Y tế và Bộ TT&TT đã thống nhất cùng triển khai Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch COVID-19 quốc gia.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Dũng, công nghệ không phải là lời giải duy nhất và tự thân nó không thể giải quyết vấn đề. Công nghệ phải kết hợp với các biện pháp quản lý hành chính, biện pháp nghiệp vụ khác thì mới trở thành một giải pháp trọn vẹn. “Công nghệ phải có sự bắt buộc và triển khai thống nhất trên toàn quốc” - ông Dũng nhấn mạnh và cho rằng những nỗ lực triển khai công nghệ của chúng ta sẽ không bao giờ là uổng phí.

“Chúng ta hãy mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong việc dùng công nghệ để phòng chống dịch bệnh. Sau khi dịch bệnh qua đi, kỹ năng số và dữ liệu số sẽ vẫn còn đó, để chúng ta thực hiện chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số vì một tương lai tốt đẹp hơn” - Thứ trưởng Dũng nói.

TP.HCM tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin
trong phòng chống dịch

Tại TP.HCM, Sở TT&TT TP cũng xây dựng và đưa vào sử dụng một số ứng dụng nhằm hỗ trợ tốt hơn cho người dân trong việc tiếp cận các thông tin cần thiết liên quan đến dịch COVID-19.

Chẳng hạn, app Oxy 247 trên điện thoại di động giúp tìm các BV còn giường ôxy và máy thở để cấp cứu bệnh nhân COVID-19. Theo đó, thông qua app này, cơ quan y tế có thể nhanh chóng tìm ra các BV còn giường ôxy và máy thở để kịp thời liên hệ, phục vụ các tình huống khẩn cấp cần cấp cứu bệnh nhân. Đồng thời, app Oxy 247 còn hỗ trợ thông tin giúp các cơ quan phòng chống dịch điều phối các nguồn ôxy hiệu quả.

Trước đó, hôm 24-8, chương trình livestream “Dân hỏi - Thành phố trả lời” về dịch COVID-19 đã được tổ chức trên trang Facebook của Trung tâm Báo chí TP. Chương trình này còn được truyền dẫn qua một số kênh khác như fanpage Cờ Đỏ TP.HCM, Thành đoàn TP, hệ thống 1022… và diễn ra từ ngày 24-8 đến 6-9.

 Sở TT&TT TP phối hợp với Sở Y tế, VNPT, FPT, mạng lưới Thầy thuốc đồng hành triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ các đối tượng F0 cách ly tại nhà. Theo đó, cơ quan chức năng sẽ sử dụng “Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19” và “Hệ thống khai báo y tế điện tử” của TP để theo dõi, cập nhật dữ liệu các trường hợp F0 cách ly tại nhà; triển khai phần mềm để tiếp nhận, xử lý, tư vấn, hỗ trợ các yêu cầu chăm sóc y tế các trường hợp F0 cách ly tại nhà…

 Sở TT&TT TP cũng phối hợp với tổ thông tin đáp ứng nhanh của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và ĐH Quốc gia TP.HCM triển khai kết nối với mạng lưới tình nguyện viên tiếp nhận thông tin hỗ trợ về chăm sóc sức khỏe, y tế và an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn TP thông qua tổng đài 1022 - nhấn phím 4.

Cổng 1022 còn tiếp nhận phản ánh của người dân về các hành vi vi phạm các quy định phòng chống dịch COVID-19 (nhấn phím 0). Gửi ý kiến góp ý, hiến kế của người dân đến Thường trực HĐND TP.HCM để nâng cao hiệu quả phòng chống dịch COVID-19 (nhấn phím 1). Kênh tiếp nhận và xử lý thông tin hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 (nhấn phím 2). Kênh tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người dân phòng chống dịch bệnh COVID-19 (nhấn phím 3).

Trước đó, Sở TT&TT TP cũng cho ra mắt cổng thông tin COVID-19 TP.HCM qua địa chỉ https://covid19.hochiminhcity.gov.vn. Cổng này giúp người dân truy cập, tìm kiếm thông tin dễ dàng hơn về tình hình diễn biến dịch COVID-19 tại TP; bản đồ COVID-19 TP.HCM; các số liệu công tác ứng phó phòng chống dịch của TP như khoanh vùng, phong tỏa, truy vết; công tác xét nghiệm; công tác tiêm vaccine; các hướng dẫn y tế, thông tin phục vụ chăm sóc sức khỏe… PV 

Cách tìm giường oxy và máy thở cho người bị COVID-19
Cách tìm giường oxy và máy thở cho người bị COVID-19
(PLO)- Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ra mắt ứng dụng Oxy 247, hỗ trợ người dân tìm kiếm các bệnh viện còn trống giường oxy và máy thở nhằm giúp người bị COVID-19 được điều trị kịp thời.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm