Giải ngân vốn chậm: Xem xét vai trò người đứng đầu

Sáng 21-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.

TP.HCM tăng tốc, Hà Nội xử ngay vướng mắc

Tại hội nghị, các địa phương khẳng định quyết tâm hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay.

Đại diện TP Hà Nội cho biết TP sẽ thành lập các tổ công tác do các phó chủ tịch UBND TP làm tổ trưởng trực tiếp tháo gỡ tại công trường, dự án, xử lý ngay từng vướng mắc. Cuối tháng 8, TP sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến thúc đẩy giải ngân đầu tư công năm 2020.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết TP duy trì thường xuyên họp giao ban, công tác giải ngân, đầu tư công hai tuần/lần. TP lựa chọn một số dự án trọng điểm giải ngân thấp để thảo luận, giải quyết ngay cho tổ công tác liên ngành về đầu tư của TP. Định kỳ hoặc đột xuất, TP.HCM sẽ kiểm tra tình hình thực hiện công tác giải ngân, quyết toán dự án của các chủ đầu tư bằng cách công khai danh sách các cơ quan, đơn vị chậm giải ngân.

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết đã thành lập ba đoàn kiểm tra tiến độ triển khai và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Đến nay, đã thực hiện kiểm tra và chỉ đạo công tác giải ngân tại 19/30 địa phương, đơn vị. Việc rà soát, điều chuyển vốn sẽ được thực hiện thường xuyên từ nay đến cuối năm, nhằm phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch vốn được giao.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng cho rằng sau hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc tháng trước đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng, có nhiều chuyển biến so với năm 2019 và đặc biệt là so với những tháng đầu năm 2020.

Theo Thủ tướng, điều đáng mừng là phần lớn các bộ, ngành, địa phương sau khi cam kết đều có quyết tâm giải ngân với kết quả đạt được từ 95% đến 100% vốn đầu tư công, nhất là những địa phương có số vốn lớn như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng...

Đặc biệt, trong thời gian qua tại nhiều nơi đã xuất hiện nhiều cách làm mới, quyết liệt, đưa ra những chế tài rất mạnh như làm chậm thì không được tham gia đấu thầu công trình và không cho làm chủ đầu tư các công trình tiếp theo. Nhiều bộ không tiêu hết tiền đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ để điều chuyển vốn cho các công trình khác đang dở dang vì thiếu vốn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị sáng 21-8. Ảnh: TTXVN

44 bộ, cơ quan, tỉnh phải chấn chỉnh ngay

Theo Thủ tướng, từ nay đến cuối năm phải tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế thì mới có thể giải ngân được 100% số vốn kế hoạch. Thủ tướng nêu rõ các tồn tại. Đó là: Việc giao kế hoạch vốn còn bất cập; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nhiều nơi thực hiện còn chậm, đây là nút thắt lớn cần phải tháo gỡ; quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng, thanh quyết toán còn phức tạp, nhiều nơi cán bộ, công chức, chủ đầu tư, nhà thầu còn thiếu trách nhiệm.

Từ đó, Thủ tướng đưa ra yêu cầu cụ thể đối với lãnh đạo của 31 bộ, cơ quan trung ương và 13 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 35%. Đặc biệt là nơi có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 15% cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, rà soát, chấn chỉnh, có biện pháp cụ thể, thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân những tháng cuối năm.

 “Một câu hỏi đặt ra là tại sao tình trạng có nơi làm tốt, có nơi hầu như không giải ngân được, do công tác chuẩn bị đầu tư hay người đứng đầu chưa thực sự vào cuộc, hay nhà đầu tư, cán bộ quản lý, ban quản lý yếu kém” - Thủ tướng nói và đặt vấn đề đặc biệt đối với các dự án ODA thì vướng mắc nằm ở đâu. Phải tìm cho ra, nói cho rõ, nêu cách khắc phục thật hiệu quả. Vì lẽ, theo Thủ tướng, khi phải điều chỉnh dự án ODA, điều chỉnh hiệp định, nguồn vốn… sẽ ảnh hưởng rất lớn đến triển khai dự án. Thủ tướng đề nghị tổ chức một hội nghị chuyên đề về ODA và giao Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ chuẩn bị tốt cho hội nghị này.

“Một tồn tại nữa mà chúng ta hay nói đến, đó là sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong nhiều trường hợp chưa tốt, chưa kịp thời, kém hiệu quả, quy trình thủ tục ở một số dự án lòng vòng” - Thủ tướng nói và nhắc lại tinh thần giải ngân hết số vốn 630.000 tỉ đồng trong năm nay. Thủ tướng nhấn mạnh đây là nguồn vốn/lực quan trọng cho tăng trưởng, giải quyết nhiều việc làm. Khi chỉ còn 20 tuần nữa, tức là hơn bốn tháng là kết thúc năm 2020, nhiệm vụ rất nặng nề để giải ngân hết trên 55% số vốn đầu tư còn lại.

95% là mục tiêu, nỗ lực phấn đấu giải ngân của TP.HCM đến cuối năm 2020. Tính đến ngày 15-8, TP.HCM giải ngân gần 21.000 tỉ đồng, đạt 50% kế hoạch vốn.

Hiện TP đang triển khai 1.643 dự án đầu tư công với tổng kế hoạch vốn giao trong năm 2020 là 42.139 tỉ đồng. 

Phải xem xét vai trò cá nhân

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tập trung làm ngay những nhiệm vụ, công việc theo thẩm quyền để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, không để chậm những việc trong thẩm quyền được giao.

“Ai, tổ chức nào, cá nhân nào làm chậm thì phải kỷ luật nghiêm cá nhân, tổ chức đó. Điều này phải thành một chế tài quan trọng. Chúng ta phải sờ đến vai trò cá nhân của người đứng đầu thì mới có chuyển biến, còn nói chung chung thì khó lắm” - Thủ tướng nói.

Đồng thời, Thủ tướng lưu ý trong khi thực hiện giải ngân quyết liệt, kịp thời thì vẫn phải bảo đảm chất lượng, chống tham nhũng, tiêu cực; không thể để xảy ra tình trạng thanh toán khối lượng khống, làm xấu, làm ẩu, để có khối lượng mà bỏ qua quy trình kỹ thuật, gây hậu quả nghiêm trọng

Thủ tướng cũng yêu cầu bố trí đầy đủ, kịp thời vốn đối ứng cho các dự án ODA. Cùng đó là kiên quyết thực hiện tiếp tục điều chuyển vốn theo đúng tinh thần kết luận của Bộ Chính trị và nghị quyết của Quốc hội để bảo đảm giải ngân hết số vốn được giao.

TP.HCM với sáu nhóm giải pháp để tăng tốc giải ngân

Phát biểu tại đầu cầu TP.HCM, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết trong thời gian tới TP sẽ tập trung thực hiện sáu nhóm giải pháp nhằm tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công.

Thứ nhất: Dự kiến đầu 9-2020, TP sẽ ban hành chương trình hành động trong ba tháng cuối năm để đẩy nhanh tiến độ giải ngân; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và phục hồi kinh tế TP.HCM.

Thứ hai: Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, cơ quan chủ quản, chủ đầu tư trong việc giải ngân. Duy trì thường xuyên họp giao ban, công tác giải ngân, đầu tư công hai tuần/lần. Rà soát tiến độ thực hiện giải ngân từng dự án, điều chuyển vốn từ dự án có tỉ lệ giải ngân thấp sang dự án có tỉ lệ giải ngân cao.

Giải ngân vốn chậm: Xem xét vai trò người đứng đầu ảnh 2
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại đầu cầu TP.HCM. Ảnh: thanhuytphcm.vn 

Thứ ba: Giảm ít nhất 30% thời gian xử lý hồ sơ công việc so với quy trình cơ quan, đơn vị đang triển khai hiện nay để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Thứ tư: Phân nhóm các dự án gặp vướng mắc về thủ tục đầu tư, xây dựng, đấu thầu, các dự án vướng mắc về thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng, các dự án gặp vướng mắc về kế hoạch vốn và thủ tục giải ngân.

Thứ năm: Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tái định cư đối với các dự án có thu hồi đất; áp dụng thí điểm cơ chế quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư và bàn giao mặt bằng, dự án thu hồi đất trên địa bàn TP.

Thứ sáu: Định kỳ hoặc đột xuất sẽ kiểm tra tình hình thực hiện công tác giải ngân, quyết toán dự án của các chủ đầu tư bằng công khai danh sách các cơ quan, đơn vị chậm giải ngân để tạo điều kiện cho TP đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm