‘Giải cứu trách nhiệm’

Trước khi sự cố sập hầm “nhốt” 12 công nhân cùng tử thần thì ngay trên đỉnh hầm thủy điện Đạ Dâng đã xuất hiện những hố sâu hun hút dự báo một sự cố sẽ xảy ra. Tuy nhiên, không một cơ quan chức trách nào phát hiện được “hố sâu trách nhiệm” này. Và hậu quả nhãn tiền đã đến như chúng ta đã biết. Vậy vấn đề thẩm định dự án, đánh giá tác động môi trường, vấn đề giám sát thi công, an toàn lao động... của các bộ, ngành và chính quyền địa phương ở đâu khi dự án thủy điện Đạ Dâng này được triển khai. Thậm chí ngay sau khi sự cố xảy ra, lãnh đạo ba bộ và các ngành chức năng dồn dập tới hiện trường cứu hộ thì Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng phải thốt lên rằng lãnh đạo các bộ và chính quyền địa phương thì có mặt, còn đại diện lãnh đạo chủ đầu tư là Tổng Công ty Vietracimex lại không có mặt tại hiện trường và đang đi du hí ở Âu châu. Chủ đầu tư chẳng thấy thể hiện trách nhiệm nào trong vụ này cả.

Thực chất cuộc giải cứu 12 công nhân sau 82 giờ cũng chính là sự “giải cứu trách nhiệm” trước dư luận nhân dân. Bởi người dân đã quá ngán với thủy điện, báo chí dư luận cứ đến mùa lũ lại lên án vấn đề “nhân tai” gây đau khổ cho không biết bao gia đình miền Trung. Sự cố nứt nẻ ở đập thủy điện Sông Tranh 2, động đất triền miên, túi nước khổng lồ của thủy điện cứ vô tư xả vào mùa lũ... đã nhiều lần khiến dư luận nhân dân dậy sóng nhưng vẫn chưa thấy xử lý vấn đề trách nhiệm. Câu hỏi về trách nhiệm xử lý vấn đề thủy điện gây họa cho nhân dân dành cho bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương... nhiều năm qua vẫn còn để lửng thì sự cố thủy điện Đạ Dâng lại xuất hiện.

Qua sự cố này bỗng nhiên thấy nhớ ông Đinh La Thăng (Bộ trưởng Bộ GTVT) về cách xử lý trách nhiệm kiên quyết những người có liên quan dù thời gian đầu người ta cho rằng ông Thăng tới hiện trường là đánh bóng cho mình.

Không phải chỉ đến để “giải cứu trách nhiệm” mà ông Thăng đến để quy trách nhiệm mà người ta vẫn hay gọi ông là “trảm” tướng, “trảm” nhà đầu tư. Có thể dẫn chứng, sau sự cố vào sáng 6-11 làm chết người tại dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Bộ trưởng Thăng đã yêu cầu Hội đồng thành viên Cienco 1 làm rõ trách nhiệm, thành lập hội đồng kỷ luật ông Phạm Dũng (Chủ tịch HĐTV) và các đơn vị liên quan vì thái độ vô cảm, không ra hiện trường vụ tai nạn. Hay cách ông Thăng yêu cầu công an điều tra kíp trực dẫn đến mất điện tại sân bay Tân Sơn Nhất. Dẫn đến ngày 11-12, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an thực hiện lệnh bắt giữ ông Lê Trí Tình, kíp trưởng ca trực vụ mất điện ở sân bay Tân Sơn Nhất, để điều tra, xử lý về hành vi vi phạm các quy định về an toàn giao thông. Thậm chí ông Thăng còn không ngần ngại tuyên bố và đuổi việc các “con ông cháu cha” yếu kém trong ngành hàng không.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm