Giá vé xe tết tăng hơn ba lần

Theo Sở GTVT TP.HCM, cao điểm của việc về quê ăn tết Nguyên đán và trở lại TP.HCM bằng xe khách sẽ diễn ra trong 10 ngày trước và sau tết. Trong thời gian này, các hãng xe hoạt động trong bến chỉ được tăng tối đa đến 60% (lâu nay hay gọi là phụ thu chiều chạy rỗng).

Hiện nay vẫn chưa vào giai đoạn cao điểm nhưng mức giá vé tăng tối đa trên đã bị phá vỡ. Giá vé xe trong lẫn ngoài bến bắt đầu có những cuộc “nhảy múa”.

Xe trong bến tăng sớm

Từ đầu tháng 1-2016, gần 30/217 hãng xe chạy từ Bến xe Miền Đông đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc… thông báo, kê khai và niêm yết giá vé xe chạy tết. Khác với mọi năm, khung thời gian 10 ngày trước và sau tết đã bị phá vỡ. Cụ thể, các hãng chuyên chạy tuyến miền Trung cùng “thống nhất” ba khoảng thời gian tăng giá (tương ứng với ba mức tăng 20%, 40% và 60%) là từ ngày 12 đến 16 tháng Chạp, từ 17 đến 20 tháng Chạp và từ 21 đến 29 tháng Chạp.

Theo bảng niêm yết của hãng xe Chín Nghĩa (chạy tuyến TP.HCM - Quảng Ngãi), giá vé giường nằm ngày thường không bao ăn là 310.000 đồng/vé. Nếu nhà xe bao ăn, giá sẽ vé là 370.000 đồng/vé. Nhưng từ ngày 21 đến 29 tháng Chạp này giá vé lần lượt là 496.000 đồng/vé và 592.000 đồng/vé. Tương tự, giá vé ghế ngồi và giường nằm của hãng Bình Tâm (cũng chạy tuyến TP.HCM - Quảng Ngãi) vào ngày thường là 300.000 đồng/vé và 350.000 đồng/vé (có bao ăn) nhưng từ ngày 21 đến 29 tháng Chạp sẽ là 480.000 đồng/vé và 560.000 đồng/vé.

“Các năm trước, từ sau 23 tháng Chạp, giá vé xe mới tăng 60% song năm nay từ 21 tháng Chạp nhà xe đã tăng đến mức này rồi. Nhiều hãng xe cũng đẩy thời gian tăng 20%, 40% từ ngày 12 tháng Chạp thay vì từ sau ngày 20 tháng Chạp như các năm trước. Như vậy, thời gian tăng giá vé sẽ kéo dài thêm chín ngày và mức tăng cao nhất (60%) cũng được kéo dài ra” - ông Hoàng Đức Long, tết nào cũng về quê ở Quảng Ngãi nhận xét.

Hãng xe Cẩm Vân (sát hãng Chín Nghĩa) trên đường Tân Thành (quận Tân Phú) “hét” giá vé gấp nhiều lần so với ngày thường. Ảnh: LƯU ĐỨC

Ngoài bến tăng “khủng”

Ngày 14-1, chúng tôi ghé quầy bán vé của hãng xe Chín Nghĩa ở Bến xe Miền Đông đặt mua vé giường nằm dịp tết thì nhân viên bán vé nói chỉ còn ghế ngồi. Sau đó, người này nói thêm: “Anh về chi nhánh của hãng ở đường Tân Thành (quận Tân Phú) thì may ra còn”.

Theo lời giới thiệu này, chúng tôi tìm đến chi nhánh của hãng Chín Nghĩa (tại 51A Tân Thành, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú) và hỏi vé giường nằm thì một nam nhân viên trả lời: “Giá 1,1 triệu đồng/vé sẽ không bao cơm, còn bao cơm hai bữa thì giá 1,2 triệu đồng/vé”. Phóng viên thắc mắc xe này có kiểu dáng và chất lượng không khác gì xe của hãng đăng ở Bến xe Miền Đông sao giá cao quá thì người này trả lời: “Xe này chạy du lịch lữ hành, không phải như xe liên tỉnh trong bến đâu”.

Chúng tôi đi qua hãng xe Cẩm Vân nằm bên cạnh thì nhân viên bán vé “hét”: “1,5 triệu đồng/vé giường nằm, xuống Quảng Ngãi”, dù theo ngày thường chỉ khoảng 300.000 đồng đến 400.000 đồng/vé.

Tương tự, hãng xe Anh Hào (ở ngã tư Hồng Lạc - Đồng Đen, quận Tân Bình) thì nhân viên bán vé cho biết giá vé giường nằm cho các chuyến xe từ TP.HCM đi TP Huế trong những ngày cận tết là 1,3 triệu đồng/vé (tầng một) và 1,2 triệu đồng/vé (tầng hai) và ghế ngồi là 800.000 đồng/vé. Trong khi đó, giá vé ngày thường chỉ ở mức 340.000 đồng/vé đến 450.000 đồng/vé.

Mặc dù giá vé xe tết tăng chóng mặt như thế nhưng theo quan sát, nhiều người vẫn móc hầu bao đặt chỗ vì lượng vé đi sau 24 tháng Chạp đang rất khan hiếm.

“Không kiểm soát được”

Theo ghi nhận, những ngày này các điểm bán vé xe trên các tuyến đường Phạm Văn Bạch, Đồng Đen, Bàu Cát, Thoại Ngọc Hầu, Tân Thành (quận Tân Bình và quận Tân Phú); quốc lộ 13, Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức)... các phòng vé luôn nhộn nhịp. Tại các phòng bán vé này không có bảng niêm yết giá mà do những người bán “hét” trực tiếp với khách.

Đáng lưu ý, một số hãng xe hoạt động ở Bến xe Miền Đông, Bến xe Miền Tây cũng “mở chi nhánh” ngoài bến. Bà Nguyễn Thị Thanh Dung, Phó Tổng Giám đốc Bến xe Miền Đông, nhận xét: “Các hãng chạy xe từ bến chịu sự giám sát của bến, Sở GTVT, Sở Tài chính. Nhưng xe ngoài bến thì không nên họ tha hồ đẩy giá”.

Theo Sở Tài chính, từ nay đến cao điểm tết, Thanh tra Sở Tài chính sẽ phối hợp với lực lượng chức năng để kiểm tra các điểm bán vé bên ngoài các bến xe, nếu hãng xe nào tăng giá sai quy định thì sẽ xử lý nghiêm. Tuy nhiên, việc kiểm tra, thanh tra chỉ thực hiện đối với khoảng 50 hãng xe khách tuyến cố định theo quyết định của UBND TP. Các hãng xe không thuộc danh sách này (trong đó có hãng xe Anh Hào, Cẩm Vân… - NV) thì thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan khác.

Trong khi đó, Sở GTVT cho biết nhiều hãng xe vừa chạy xe trong bến vừa chạy ngoài bến (theo dạng hợp đồng hoặc lữ hành). Các xe chạy ngoài bến tự đưa ra giá cước và “áp đặt” với người đi, nhất là vào dịp cao điểm tết, nhà xe “hét” giá cao gấp hai, ba lần so ngày thường. “Nhiều hãng chạy hợp đồng, du lịch nhưng thực chất chạy theo tuyến cố định. Khi cơ quan chức năng kiểm tra thì họ xuất trình hợp đồng ký với hành khách nên chúng tôi không thể xử lý được” - ông Phạm Đình Đức, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở GTVT, phân trần.

Tăng giá là bình thường (?!)

Việc tăng giá xe là bình thường vì vào dịp tết tiền trả nhân công khá cao, đó là chưa kể các chi phí phát sinh khác. Chúng tôi đã đăng ký tăng giá vé sau ngày 20 tháng Chạp với Sở GTVT, Sở Tài chính TP và được chấp thuận chứ không tự tăng giá.

TRẦN THỊ KIM PHƯỢNG, đại diện hãng xe Cẩm Vân

Giá cao nhưng không xử được

Đội Thanh tra số 3 Sở GTVT đã xử phạt hàng chục xe khách về lỗi dừng, đỗ sai quy định, xe không có hợp đồng, xe khách chạy “lạc” vào nội đô… Một số hành khách đi xe hợp đồng có phản ánh giá vé cao nhưng chúng tôi không có thẩm quyền xử lý.

Ông NGUYỄN VĂN THÀNH,
Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT số 3

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm