Giả tốt bụng lấy đồ người bị nạn

Vụ án dưới đây không phức tạp nhưng khi cơ quan tố tụng xử lý lại phát sinh những nhận định khác nhau về mặt tội danh của bị can.

Giả nhân giả nghĩa

Theo hồ sơ, một đêm đang chạy xe máy trên đường, anh L. ngụ ở Đồng Nai chẳng may bị trượt té. Trên người anh bị nhiều vết trầy xước, khó có thể tự chạy xe được. Bỗng dưng một thanh niên tên C. từ đâu chạy tới đỡ anh L. ngồi dậy, sốt sắng hỏi địa chỉ rồi tình nguyện đưa anh về tận nhà.

Giả tốt bụng lấy đồ người bị nạn ảnh 1

Tưởng được người tốt giúp đỡ, anh L. cảm kích, yên tâm để C. cầm lái chạy xe đưa mình về. Chạy được một đoạn, C. dừng lại, kêu anh L. xuống xe, đưa điện thoại di động để C. gọi điện thoại về thông báo cho người nhà của anh. Không mảy may nghi ngờ, anh L. xuống xe và đưa điện thoại của mình cho C. Chẳng dè anh vừa đưa điện thoại xong thì C. nổ máy chạy mất dạng.

Quá bất ngờ, anh L. ngớ người ra, không kịp phản ứng gì. Sau đó anh vội thất thểu đi báo công an địa phương. Về phần mình, C. lấy được xe máy và điện thoại di động thì chạy vội về nhà cất giấu. Một thời gian sau, C. mang bán số tài sản trên lấy tiền tiêu xài.

Theo kết quả định giá, xe máy và điện thoại di động của anh L. trị giá tổng cộng hơn 10 triệu đồng. Xác minh, công an huyện đã bắt khẩn cấp C. và khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau đó, VKS huyện cũng truy tố C. ra tòa với tội danh trên.

Lừa đảo hay công nhiên chiếm đoạt?

Xung quanh hành vi chiếm đoạt xe máy, điện thoại của C. đang phát sinh hai luồng quan điểm khác nhau về mặt tội danh.

Luồng quan điểm thứ nhất đồng ý với cơ quan điều tra và VKS khi khởi tố, truy tố C. về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 BLHS). Ở đây, C. đã dùng thủ đoạn gian dối là giả đò tốt bụng đỡ nạn nhân dậy, còn rất nhiệt tình khi đề nghị đưa nạn nhân về. Điều này tạo lòng tin cho nạn nhân khiến anh giao xe máy, điện thoại cho C. sử dụng. Từ đó, C. mới có điều kiện chiếm đoạt. Sự ngụy trang của C. làm nạn nhân nghĩ đây ắt hẳn là người tốt nên mất cảnh giác. Nếu C. không giả nhân giả nghĩa, chắc chắn không bao giờ nạn nhân lại tự nguyện giao tài sản để C. có cơ hội lấy đi.

Luồng quan điểm thứ hai lại cho rằng phải xử hành vi của C. về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 137 BLHS) mới đúng. Luật sư Nguyễn Đình Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích: Đúng là C. có giả đóng vai người tốt nhưng coi hành vi này là yếu tố dùng thủ đoạn gian dối để khép tội lừa đảo thì chưa hẳn. Bởi thực tế, nếu nạn nhân tin C. mà giao cho C. quản lý, sử dụng luôn tài sản đó rồi C. chiếm đoạt thì mới là lừa đảo. Còn ở đây, số tài sản trên vẫn nằm trong tầm kiểm soát, quản lý của nạn nhân. C. chỉ là người cầm lái chở giúp và thay nạn nhân gọi điện thoại về nhà. Thừa lúc nạn nhân không để ý, C. đã lấy xe máy, điện thoại một cách ngang nhiên, trắng trợn trước sự chứng kiến của nạn nhân mà nạn nhân không thể làm gì được.

Một luật gia cũng đồng tình rằng ngoài việc lợi dụng sơ hở của nạn nhân khi tin tưởng mình, C. còn lợi dụng hoàn cảnh khách quan, vướng mắc của nạn nhân. Bởi khi đó nạn nhân mới bị té xe, trên người nhiều thương tích, đi lại khó khăn. Đứng gần, chứng kiến tận mắt sự việc nhưng dù muốn anh cũng khó có thể phản ứng kịp thời để ngăn chặn C. lấy xe máy, điện thoại của mình.

Trong vụ án, liệu C. phạm tội gì? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi tòa xử sơ thẩm.

TRÙNG KHÁNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm