MỘT TRONG NHỮNG LÝ DO THANH THIẾU NIÊN KHÔNG CHẤP HÀNH LUẬT GIAO THÔNG:

Gia đình quá nuông chiều hoặc quá hà khắc

“Gần đây, TP rộ lên tình trạng thanh thiếu niên tụ tập xe dàn hàng ngang, lạng lách, chạy với tốc độ cao. Nhiều thanh thiếu niên thiếu kỹ năng ứng xử lịch sự khi giải quyết va chạm giao thông, thiếu ý thức tuân thủ pháp luật về giao thông…”. Đó là những hiện tượng được các đại biểu nêu lên tại hội thảo Giải pháp xây dựng văn hóa giao thông cho thanh, thiếu niên TP.HCM do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban An toàn giao thông TP.HCM tổ chức ngày 21-10.

Gia đình quá nuông chiều

Theo TS Nguyễn Văn Nghệ (ĐH Cảnh sát nhân dân), nguyên nhân sâu xa của vấn nạn trên là do sự nuông chiều quá mức của gia đình. “Tôi biết có một người chiều con đến mức đã dắt con ra cửa hàng xe máy mua một lúc 10 chiếc xe SH để con tặng bạn bè (?!)” - ông Nghệ kể. Chính cách chiều chuộng vô nguyên tắc của cha mẹ đã làm nhiều thanh thiếu niên hư hỏng. Ngược lại, có những gia đình quá hà khắc hoặc quá thờ ơ với con cái khiến các em nảy sinh tâm lý bất mãn, trở nên dối trá và coi thường cha mẹ.

Gia đình quá nuông chiều hoặc quá hà khắc ảnh 1

Hàng ngàn thanh thiếu niên tụ tập đua xe gây rối trật tự tại TP Vũng Tàu trong dịp 2-9 vừa qua. Ảnh: HÀN GIANG

Giải thích về tâm lý lứa tuổi, TS Đinh Phương Duy, Hiệu phó Trường Cán bộ TP, cho rằng: Lứa tuổi thanh, thiếu niên là độ tuổi bắt đầu hình thành triết lý sống cho bản thân, thích tiếp thu cái mới (bao gồm cả tốt và xấu) và loại bỏ hoàn toàn cái cũ. “Một trong các đặc điểm tâm lý-xã hội của thanh niên ngày nay có ảnh hưởng đến văn hóa giao thông là tính chủ quan và thiếu kiên nhẫn. Nhiều bạn trẻ cứ nghĩ rằng tác phong hiện đại là phải nhanh nhẹn đến vội vã, năng động đến thiếu kiên nhẫn, linh hoạt đến thiếu cân nhắc và đôi khi có các quyết định hết sức cảm tính nên trở thành nông nổi, manh động…” - ông Duy nêu trong tham luận.

Bà Thân Thị Ngọc Phúc, Học viện Hành chính quốc gia, cho rằng cần phải có một cuộc điều tra xã hội học về vấn đề này trong thanh thiếu niên để tìm hiểu rõ nguyên nhân và tìm ra giải pháp phù hợp.

Cần phối hợp nhiều biện pháp

PGS-TS Nguyễn Minh Hòa (ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP) cho rằng cách thức tuyên truyền như trước nay còn nặng tính hình thức và sáo mòn, hiệu quả thấp. Tuyên truyền trên banner quá tham về nội dung, hình ảnh không phù hợp, thậm chí tên công ty tài trợ còn lớn hơn nội dung tuyên truyền. “Việc tuyên truyền cần tận dụng thế mạnh tối đa của Internet, tivi, huy động sự tham gia của các ngôi sao điện ảnh, ca nhạc và thậm chí là các vị lãnh đạo quốc gia” - ông Hòa gợi ý.

Bà Trần Thị Thu Hà, Phó phòng Văn hóa-Thông tin quận 3, góp ý: Những buổi tuyên truyền ở tổ dân phố nên tăng hình ảnh trực quan thay vì chỉ nói lý thuyết. Những hình ảnh trực quan về các lỗi vi phạm giao thông thường gặp với sự hướng dẫn của một anh cảnh sát giao thông sẽ tác động nhanh và mạnh đến ý thức người dân hơn.

Có ý kiến cho rằng ngoài các vấn đề đã nêu, việc tạo sân chơi phù hợp cho thanh thiếu niên cũng rất cần thiết. Đại diện Thành đoàn TP.HCM nêu ý kiến: Nên xây dựng công viên giáo dục về an toàn giao thông cho các bạn trẻ tới đó tìm hiểu và học hỏi; tổ chức các đội tuyên truyền giao thông ở cơ sở, nhất là việc phân công cán bộ bám địa bàn, tiếp cận những thanh niên có biểu hiện tham gia tụ tập đua xe để tìm hiểu và có biện pháp ngăn chặn phù hợp.

NHẪN NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm