Gặp người báo tin cầu Ghềnh sập, cứu một đoàn tàu khỏi lao xuống sông

"Là người dân khi thấy cầu Ghềnh sập thì tôi la lên để thông báo cho người dân và các nhân viên gác tàu biết thôi. Mà tôi nghĩ khi tôi biết cầu sập thì các nhân viên gác tàu cũng biết rồi và đã thông báo để dừng tàu kịp thời. Tôi nghĩ mình cũng không có công gì trong việc dừng tàu lại khi cầu sập cả”.

Ông Sơn kể lại sự việc cầu sập và báo tin để dừng tàu. Ảnh: TIẾN DŨNG

Ngày 22-2, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Huỳnh Ngọc Sơn (còn gọi là Hòa, 53 tuổi, ngụ ấp Tân Mỹ, khu phố 4, phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai) là người đã báo tin để cho các nhân viên gác tàu dừng đoàn tàu hàng kịp thời khỏi lao xuống sông khi cầu Ghềnh sập, chia sẻ mộc mạc như trên.

Ông Sơn diễn tả lại cảnh trèo lên đường ray và chạy đi báo tin cầu Sập. Ảnh: TIẾN DŨNG

Ông Sơn nhớ lại: “Lúc đó khoảng 11 giờ 30, gia đình tôi đang nghỉ trưa thì nghe một tiếng ầm rất lớn giống như là động đất vậy. Tôi lao ra khỏi nhà, leo lên đường ray tàu nhìn về hướng cầu Ghềnh thì thấy một đám khói bụi khổng lồ bốc lên từ lòng sông. Trong đám bụi tôi thấy một phần của cầu Ghềnh đã sập xuống sông.

Tôi vội vàng quay ngược về gác chắn tàu. Vừa chạy giữa đường ray, hai tay giơ lên cao la lớn: "Cầu sập rồi, cầu sập rồi".

Nghe tiếng gọi của tôi, một nhân viên gác tàu chạy về phía cầu Ghềnh để kiểm tra rồi gọi cho nhân viên khác chạy về hướng Dĩ An để ra hiệu để dừng tàu lại. Trong trường hợp này tôi chỉ làm được có vậy. Và tôi nghĩ mình cũng chẳng có công cán gì đâu mà phải kể chứ”.

Đối với ông Sơn, việc báo tin cầu sập cho nhân viên gác tàu biết là chuyện bình thường nhưng theo những nhân viên trạm gác chắn, việc kịp thời dừng tàu tránh được sự cố nguy hiểm trên là nhờ tin báo của ông Sơn.

“Lúc đó tôi cùng anh Phan Tiến Dũng và anh Ngô Việt Phái đang chuẩn bị hạ gác chắn xuống để cho tàu qua thì thấy một người đàn ông chạy từ hướng cầu Ghềnh lên và hét to cầu Ghềnh sập rồi. Ngay lúc đó, do gác chắn nằm ở vị trí khuất tầm nhìn nên anh Dũng đứng ngay vị trí gác chắn để làm trung gian báo tin. Anh Phái tức tốc đến cầu Ghềnh để xác minh sự việc, còn tôi thì chạy về hướng tàu đang tới. Khi thấy anh Dũng giơ cờ làm ám hiệu báo tin sập cầu là chính xác, tôi tức tốc ra hiệu dừng tàu. Vị trí tàu dừng cách cầu Ghềnh khoảng 200 m bằng 5 giây tàu chạy, nếu không ngăn chặn kịp thời, thì đoàn tàu đã lao xuống sông” - anh Phạm Tiến Dũng, một trong ba nhân viên gác chắn đã có công dừng tàu kịp thời, nhớ lại.

Anh Phạm Tiến Dũng, một trong ba nhân viên gác chăn đã nhanh chóng dừng tàu khỏi lao xuống sông. Ảnh: TIẾN DŨNG

Liên quan đến vụ sập cầu Ghềnh, trưa 21-3, Công đoàn Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, đã khen thưởng nóng đối với ba nhân viên Trạm gác chắn tàu Bửu Hòa (tại Km 1700+174, gần cầu Ghềnh), vì đã nhanh nhạy dừng tàu kịp thời, giúp một đoàn tàu chở hàng khỏi rơi xuống sông.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy