Gạc Ma còn đó!

Tròn một năm sau ngày đặt viên đá đầu tiên xây dựng, đến nay Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đang dần hình thành ở phía bắc bán đảo Cam Ranh thuộc huyện Cam Lâm (Khánh Hòa). Từ một vùng đồi cát ven biển, giờ đã thành một quảng trường rộng mênh mông, bên trên đồi cát là khu tượng đài đang khẩn trương xây dựng.

Khu tưởng niệm của lòng dân

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được xây dựng trên diện tích 2,5 ha với tượng đài chính mang tên “Những người nằm lại phía chân trời” mang biểu tượng “vòng tròn bất tử”. Vòng tròn ấy biểu trưng cho hình ảnh 64 chiến sĩ nắm tay nhau quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền Việt Nam tại đảo Gạc Ma khi bị quân Trung Quốc tấn công ngày 14-3-1988. Đây cũng là trái tim của khu tưởng niệm. Ngoài ra trong giai đoạn 1, khu tưởng niệm còn xây dựng các hạng mục bảo tàng ngầm lịch sử Gạc Ma, quảng trường Hòa Bình…

Ngày 13-3, trực tiếp kiểm tra tiến độ xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, xúc động nói: “Đây là công trình của lòng dân, do nhân dân trong và ngoài nước đóng góp xây dựng, có ý nghĩa cực kỳ to lớn về lịch sử, giáo dục truyền thống. Khu tưởng niệm sẽ tạo không gian cộng đồng cho người thân các liệt sĩ Gạc Ma, cựu binh Trường Sa, người Việt Nam trong và ngoài nước đến tưởng niệm, tôn vinh những chiến sĩ đã quên mình bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, để thế hệ hôm nay và mai sau hiểu thêm về lịch sử đấu tranh giữ nước oai hùng, góp phần giáo dục bồi đắp lòng yêu nước, ý chí bất khuất, quật cường của dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa, thành viên thường trực Ban Quản lý dự án Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, chia sẻ: “Chúng tôi rất vinh dự được thay mặt nhân dân cả nước đứng ra quản lý xây dựng công trình có ý nghĩa to lớn này. Chúng tôi xác định đây là khu tưởng niệm của lòng dân nên nỗ lực hết sức, cố gắng làm hết trách nhiệm để công trình sớm hoàn thành, đáp ứng mong mỏi của nhân dân cả nước” - ông Hòa nói.

Các nghệ nhân chuyên nghiệp chăm chút chế tác tượng các chiến sĩ Gạc Ma. Ảnh: TẤN LỘC

Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (bìa trái), kiểm tra tiến độ xây dựng khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ngày 13-3. Ảnh: TẤN LỘC

Thiêng liêng trong từng đường chạm khắc

Giữa tháng 3, dưới trời nắng gắt, hàng chục kỹ sư, nghệ nhân, công nhân làm việc tất bật, khẩn trương như chạy đua với thời gian. Tượng đài chính “Những người nằm lại phía chân trời” với chín hình tượng chiến sĩ hải quân Việt Nam sẽ được đặt trên đồi cát cao 13 m, có địa hình phức tạp nên việc thi công phần móng, đường dẫn dài 60 m với hơn 100 bậc thang khá khó khăn. Ông Đinh Công Tâm, Giám đốc DNTN Việt Ngân (đơn vị thi công các hạng mục quảng trường, bậc thang lên tượng đài, bệ tượng, lối đi dành cho người khuyết tật, đường xe điện), cho biết: “Chúng tôi luôn xem các liệt sĩ Gạc Ma là những anh hùng bất diệt nên mong muốn được góp một phần công sức để xây ngôi nhà cho các anh, để nhân dân cả nước về tưởng niệm các anh. Do việc thi công khó khăn như mặt bằng là đồi cát, nguồn điện, nước đều xa nên chúng tôi huy động gần 100 công nhân lành nghề, giàu kinh nghiệm để hoàn thành tốt nhất công việc”.

Ở khu vực chế tác tượng các chiến sĩ Gạc Ma, hàng chục nghệ nhân đang miệt mài trong bụi đá, âm thanh của tiếng cưa, cắt, mài, đục đá để chăm chút từng chi tiết các tượng. Ông Trần Công Kiên, người quản lý khu vực chế tác tượng, cho biết để chế tác riêng phần tượng đã phải huy động gần 290 tấn đá, trong đó có nhóm nhân vật phải tạo hình liền khối từ những tảng đá nguyên nặng hơn 14 tấn. Đá granite Vạn Ninh được đánh giá là sáng, mịn, đẹp nhưng có độ cứng rất lớn, đòi hỏi kỹ thuật xử lý rất cao. Do đó tất cả người tham gia chế tác tượng đều là những nghệ nhân chuyên nghiệp, trong đó không ít người là bậc thầy trong nghề chế tác tượng, đến từ các làng nghề truyền thống ở Ninh Bình.

“Tôi đã chế tác hàng trăm bức tượng ở nhiều nơi trên cả nước nhưng chưa bao giờ tôi có cảm xúc thiêng liêng, thành kính khi được tham gia thực hiện tượng những chiến sĩ đã anh dũng, bất khuất bảo vệ chủ quyền Tổ quốc như thế này. Tôi không nghĩ đây là công việc bình thường mà tôi gửi hết tình cảm, niềm kính phục, lòng biết ơn sâu sắc vào những pho tượng của các chiến sĩ bất diệt” - ông Nguyễn Hùng, 52 tuổi, nghệ nhân đến từ Ninh Bình, xúc động nói.

Không thể lãng quên

Ông Nguyễn Hòa cho hay từ khi đặt đá xây dựng, dù công trình chưa hoàn thành song nhiều thân nhân các liệt sĩ Gạc Ma, các cựu binh Trường Sa hay đến thăm khu tưởng niệm như thăm ngôi nhà người thân của mình. Khu làm lễ đặt đá trước đây giờ lúc nào cũng nghi ngút khói hương. Cứ vài tuần, bà Mai Thị Hoa (vợ của liệt sĩ - anh hùng LLVTND Trần Văn Phương), bà Đỗ Thị Hà (vợ liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh) lại đến thắp hương cho chồng mình và đồng đội của chồng. “Chồng tôi may mắn được đồng đội tìm thấy xác chứ còn bao nhiêu chiến sĩ khác mãi mãi nằm ngoài biển khơi Tổ quốc. Có khu tưởng niệm này, tôi tin hương hồn các anh sẽ sum họp về đây để người thân viếng thăm, hương khói. Gia đình chúng tôi cũng cảm thấy ấm lòng hơn!” - bà Hoa nghẹn ngào.

Mới đây, từ quê nhà Hà Tĩnh vào Nam lo việc riêng, cựu binh Lê Hữu Thảo - người cùng Thiếu úy Trần Văn Phương và những đồng đội khác đã sớm rời tàu HQ-604 bơi vào đảo Gạc Ma để bảo vệ lá cờ Tổ quốc trong buổi sáng 13-4-1988 - cũng dừng lại thăm khu tưởng niệm. Mỗi lần vào khu tưởng niệm, nhìn những nghệ nhân đang chế tác hình tượng đồng đội của mình, cựu binh Lê Hữu Thảo lại lặng đi, mắt nhòa lệ. “Từ nhiều năm nay, chúng tôi luôn mong mỏi có một ngôi nhà chung cho 64 đồng đội của mình đã ngã xuống trước họng súng dã man của quân xâm lược Trung Quốc. Thân xác nhiều đồng đội của chúng tôi mãi mãi không tìm thấy. Khi có khu tưởng niệm này, sự hy sinh của những đồng đội chúng tôi sẽ không bị lãng quên” - ông Thảo xúc động nói.

Ngày 27-7-2016 đưa vào hoạt động

Ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa, thành viên thường trực Ban Quản lý dự án Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, cho biết hiện có năm đơn vị cùng khẩn trương thực hiện các hạng mục của khu tưởng niệm và đã thi công gần 40% khối lượng công việc, riêng khu vực quảng trường đã cơ bản hoàn thành. Dự kiến đến cuối tháng 4-2016 sẽ đưa tượng đài chính lên vị trí thiết kế, phấn đấu khánh thành, đưa khu tưởng niệm vào hoạt động từ ngày 27-7-2016.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm