Gạc Ma bất tử!

“Trận chiến lịch sử rạng sáng 14-3-1988 đã đi vào lịch sử dân tộc như một dấu ấn không bao giờ phai mờ trong tâm khảm mỗi người dân đất Việt. Các chiến sĩ hải quân đang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và xây dựng các công trình nhằm phục vụ cho đời sống của quân, dân Việt Nam thì bị tàu chiến được trang bị vũ khí (của Trung Quốc (TQ) - NV) bất ngờ tấn công. Cuộc chiến không cân sức diễn ra khi các chiến sĩ hải quân Việt Nam không hề có vũ khí trong tay đã đứng thành vòng tròn để lấy thân mình bảo vệ chủ quyền của đất nước, quyết tâm giữ và cắm lá cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại đảo Gạc Ma”. Ông Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mở đầu bài phát biểu của mình tại lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa) sáng 13-3.

Những thiên sử anh hùng, bất diệt

Trong không khí trang nghiêm, xúc động, ông Tùng tiếp: “64 chiến sĩ đã hy sinh, 11 chiến sĩ bị thương... Máu và thân xác các anh đã hòa cùng sóng biển nhưng tấm gương dũng cảm, mưu trí bảo vệ chủ quyền Tổ quốc của các anh sẽ mãi là những thiên sử anh hùng, bất diệt.

Để tỏ lòng thành kính và biết ơn các anh hùng liệt sĩ hải quân, góp phần giáo dục bồi đắp lòng yêu nước, ý chí bất khuất, quật cường của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thống nhất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa xây dựng một khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma trên bờ biển tỉnh Khánh Hòa để ghi công 64 liệt sĩ đã hy sinh ngày 14-3-1988 trong trận chiến bảo vệ quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc”. 

Bà Nguyễn Thị Hằng, mẹ liệt sĩ Hoàng Ánh Đông, không kềm được cảm xúc khi đặt tay lên hòn đá đầu tiên của khu tưởng niệm sự hy sinh của con trai mình. Ảnh: CTV

Viên đá thấm nước mắt của mẹ

Chia sẻ cảm xúc của mình trước sự kiện thiêng liêng này, cựu chiến binh Trường Sa Lê Hữu Thảo bùi ngùi: “Sáng 14-3, khi tàu chiến TQ đã đổ bộ xâm chiếm đảo Gạc Ma, các chiến sĩ trên đảo chúng tôi đã anh dũng chiến đấu, kết thành vòng tròn để bảo vệ lá cờ Tổ quốc. Vòng tròn mà chúng tôi kết nên để bảo vệ lá cờ Tổ quốc trên đảo ngày nào giờ đã bất tử... Nhưng còn hàng chục đồng đội tôi vĩnh viễn nằm lại đại dương đất mẹ, lòng chúng tôi đau lắm”.

Mẹ Nguyễn Thị Hằng, mẹ của liệt sĩ Hoàng Ánh Đông (quê Quảng Trị), nói trong xúc động: “Cảm ơn mọi người đã có lòng hảo tâm đóng góp tiền, công sức để xây khu tưởng niệm các liệt sĩ ở Gạc Ma! Con tôi đã hy sinh 27 năm rồi. Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền cho Tổ quốc là vinh quang, vì đất nước…”. Không giấu được nỗi xúc động ùa về, người mẹ ấy đã bật khóc khi đặt tay lên viên đá đầu tiên để xây khu tưởng niệm cho người con đang nằm sâu trong lòng biển Tổ quốc cùng với bao đồng đội của mình.

Nhấn mạnh thêm ý nghĩa của khu tưởng niệm, ông Tùng nói: “Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma sau khi hoàn thành sẽ trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, ý chí quật cường của quân và dân ta, biểu tượng của tình đoàn kết của dân tộc Việt Nam với khát vọng giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”.

Đồng đội tôi “đã có nhà”

Sáng 13-3, khi viên đá đầu tiên của Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được đặt xuống, những cựu binh Gạc Ma năm nào không cầm nổi nước mắt. Qua bao năm chờ đợi, những đồng đội hy sinh cuộc chiến giữ đảo “đã có nhà”.

Gần 27 năm đã trôi qua nhưng anh Dương Văn Dũng (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) vẫn không thể nào quên giây phút 64 đồng đội hy sinh trước họng súng TQ. “Đồng đội tôi ngã xuống khi trên người vẫn chỉ mang chiếc quần cọc, tay cầm xà beng. Nhiều người còn không tìm thấy xác, lạnh lẽo và cô quạnh giữa trùng khơi. Những người may mắn được trở về như tôi vẫn luôn mong mỏi có một nhà thờ chung cho anh em để còn hương khói, thăm nom”. Khi biết công trình Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma chính thức khởi công, anh Dũng nghẹn ngào: “Vậy là tụi nó cũng sắp có “nhà” rồi. Phải có nơi hương khói cho tụi nó chứ. Rồi anh em tôi sẽ sắp xếp vào thăm”.

Cùng chung tâm trạng với anh Dũng, cựu binh Phan Văn Đức (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) cũng không giấu nổi những giọt nước mắt hạnh phúc. Dù vết thương trên vai trái ngày đêm dày vò khiến cơ thể đau đớn nhưng trong ánh mắt của người lính này vẫn ánh lên niềm vui khi có người nhắc đến tên đồng đội. Hằng năm cứ đến ngày này, anh Đức lại ra biển nhìn về phía xa xăm. Mỗi con sóng tràn vào cũng khiến anh tê lạnh. “Cảm giác bị ngâm mình trong sóng lạnh, đạn quân thù vãi tứ phía đã ám ảnh tôi suốt mấy chục năm qua. Cứ nghĩ đến cảnh đồng đội trôi dạt giữa biển xa, ai mà không xót”. Anh Đức chia sẻ giờ đồng đội đã có nơi để về. “Tôi cũng vui và hạnh phúc lắm. Cảm ơn mọi người đã nhớ đến đồng đội của tôi, những người hy sinh thân mình để giữ đảo”.

Không có điều kiện ra Cam Ranh để tham gia đặt viên đá đầu tiên nhưng anh Vũ Xuân Khoa (con trai thuyền trưởng tàu HQ 604, Vũ Phi Trừ) vẫn luôn mong ngóng được ra thăm khu tưởng niệm. “Đây là một công trình mang rất nhiều ý nghĩa, tưởng nhớ những người đã hy sinh vì chủ quyền, biển đảo Tổ quốc, trong đó có cha tôi. Khi đến khu tưởng niệm này, con cháu đời sau sẽ biết và nhớ đến bao đời cha ông đã chiến đấu và hy sinh anh dũng như thế nào. Bản thân tôi và gia đình cũng rất tự hào về cha và các chú”. Anh Khoa cũng cảm ơn mọi người đã quan tâm, thăm hỏi và động viên gia đình anh trong suốt thời gian qua.

Hôm nay (14-3), tại cầu cảng Đà Nẵng, Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa tại Đà Nẵng sẽ tổ chức thả hoa đăng và làm lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988.

TẤN TÀI

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.