Facebook, Google phải đặt máy chủ tại Việt Nam?

Chiều 10-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự luật An ninh mạng. Một trong những vấn đề của dự luật còn nhiều ý kiến khác nhau là yêu cầu các đại gia công nghệ như Facebook, Google... phải đặt máy chủ tại Việt Nam (VN).

Cần có trụ sở hoặc cơ quan đại diện tại VN

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh Võ Trọng Việt cho hay có nhiều ý kiến nhất trí với quy định về quản lý an ninh mạng đối với các doanh nghiệp (DN) nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại VN.

ý kiến cho rằng quy định các DN nước ngoài phải “xử lý nghiêm các hành vi sai phạm theo quy định của pháp luật” là không đúng. Một số ý kiến không nhất trí với quy định yêu cầu các DN nước ngoài phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng VN trên lãnh thổ VN và đề nghị nghiên cứu phương pháp quản lý khác cho phù hợp.

“Để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh trật tự và phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi sử dụng mạng viễn thông, Internet xuyên quốc gia vào VN vi phạm pháp luật, nhất là tuyên truyền chống Nhà nước... thì bắt buộc một số DN nước ngoài kinh doanh dịch vụ viễn thông, Internet phải đặt trụ sở hoặc cơ quan đại diện tại VN là cần thiết” - ông Việt nói.

Theo đó, dự thảo luật lần này đã lược bỏ quy định “đặt máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng VN trên lãnh thổ VN”, chỉnh lý thành “các DN nước ngoài phải đặt cơ quan đại diện tại VN khi có 10.000 người sử dụng dịch vụ hoặc yêu cầu của Chính phủ VN”.

Theo ông Việt, các DN nước ngoài không muốn đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng VN trên lãnh thổ VN vì họ sợ thuế và thủ tục rườm rà. Trong khi đó, cơ quan an ninh cho rằng nếu không đặt máy chủ ở VN thì khó quản lý. Lo ngại của cơ quan an ninh là chính đáng vì liên quan đến an ninh của quốc gia. “Hiện đã có 14 nước đặt máy chủ tại VN, tổng sử dụng mạng tại VN có 40% đã đặt máy chủ nhưng họ không khai báo vì sợ nộp thuế” - ông Việt thông tin.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TP

Rà soát thêm các điều ước

Giải trình thêm về nội dung này, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, khẳng định: “Bản chất của quy định này không nằm ở chỗ “phải đặt máy chủ”, mà anh thu thập những thông tin về người VN, trên đất nước VN và đây là tài sản của VN, liên quan đến chủ quyền, an ninh quốc gia thì phải được VN quản lý”.

Ông Lâm nhấn mạnh: “Máy chủ hay không không quan trọng mà quan trọng là phải biết thông tin người sử dụng, khi có vấn đề còn quản lý”.

Đại diện Bộ TT&TT, Bộ KH&CN cũng cho hay đây là vấn đề có nhiều tranh cãi ở các nước. Vấn đề “gốc” là vẫn phải đưa ra quy định để truy được việc lưu vết thông tin trên mạng để có căn cứ xử lý khi có vấn đề xảy ra.

Trước những ý kiến này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đặt câu hỏi: “Quy định như dự thảo có kiểm soát được thông tin xấu, độc từ bên ngoài vào và bên trong ra không?”.

Trả lời Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết xu hướng chung của các nước là quản lý chặt thông tin trên mạng xã hội, hàng loạt nước châu Âu mới đây đã có nhiều quy định về vấn đề này. “Còn quy định đặt máy chủ có ngăn chặn được thông tin xấu không, tôi xin trả lời luôn là không thể nào làm được những chuyện đó cả. Không có mạng người ta vẫn làm được chuyện đó. Đây chỉ là biện pháp ngăn ngừa, răn đe... Nếu không có quy định thì chúng ta không có căn cứ để tìm được dấu về luồng thông tin xấu được đưa ra như thế nào” - ông Lâm nói.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng các DN nước ngoài cung cấp dịch vụ tại VN chỉnh lý như dự án luật là hợp lý, tuy nhiên hiện còn nhiều ý kiến đề nghị làm rõ. Cho nên cần nghiên cứu tiếp thu, lấy thêm ý kiến rộng rãi để mang tính khả thi cao, tránh bất lợi liên quan đến những điều ước quốc tế mà VN tham gia.

Các DN nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại VN phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích an ninh quốc gia VN; đặt cơ quan đại diện tại VN khi có 10.000 người sử dụng dịch vụ hoặc yêu cầu của Chính phủ VN; thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền VN trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin có nội dung xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân; cung cấp dữ liệu người sử dụng VN và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng…

(Theo dự luật An ninh mạng)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm