EVN muốn người dân mua ít điện càng tốt

Chiều 6-3, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã họp báo công bố tăng giá điện 7,5% từ ngày 16-3. Với mức tăng này, trong năm 2015, EVN sẽ thu hơn 13.000 tỉ đồng doanh thu; mỗi hộ gia đình dùng điện sinh hoạt sẽ phải trả thêm 4.800 đồng/tháng cho 50 KWh đầu tiên.

Sẽ có nhiều nhóm tăng

Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN, cho biết suốt năm 2014, EVN đã đề xuất tăng giá điện nhưng chưa được Bộ Công Thương chấp thuận. Theo tính toán của EVN, chi phí đầu vào sản xuất, kinh doanh điện đến nay đã tăng 12% so với thời điểm tăng giá gần nhất (1-8-2013). Tuy nhiên, khi trình phương án điều chỉnh lần này, EVN chỉ đề xuất tăng 9,5%. Sau đó Bộ Công Thương đã đề xuất thêm hai phương án tăng 7,5% và 8,5%. Thường trực Chính phủ chốt phương án tăng 7,5%. Đây là phương án đã được cân nhắc tác động ít đến nền kinh tế.

Theo đó, từ ngày 16-3, giá điện bình quân sẽ tăng từ 1.508,85 đồng/kWh lên 1.622,05 đồng/kWh (tăng thêm 113,2 đồng/kWh). Trong tuần sau, Bộ Công Thương sẽ ban hành biểu giá điện mới cụ thể áp dụng cho từng đối tượng. Tuy nhiên, theo ông Tri, mức tăng chung được đưa ra là 7,5% nhưng sẽ có một số nhóm đối tượng tăng trên mức trung bình và một số tăng dưới mức trung bình. Cụ thể, các nhóm tăng dưới mức trung bình (dưới 7,5%) như những hộ tiêu thụ dưới 100 kWh. Ngược lại, những hộ sản xuất đang hưởng giá thấp sẽ phải chịu mức cao hơn (trên 7,5%)… “Đối với điện sinh hoạt thì rất dễ tính toán. Nếu hộ dân tiêu thụ dưới 50 kWh thì số tiền phải trả thêm khoảng 4.800 đồng/tháng” - ông Tri nhẩm tính.

Thi công một đường dây điện tại TP.HCM. Ảnh: HTD

EVN không muốn lãi nhiều!

Ông Tri cũng cho biết từ năm 2013 đến nay, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất điện như than, dầu, khí đều tăng. Các yếu tố này làm tăng chi phí sản xuất điện 10.491 tỉ đồng. Theo ông Tri, với lần tăng giá này, doanh thu toàn tập đoàn trong năm 2015 sẽ khoảng 13.000 tỉ đồng, lợi nhuận của EVN sẽ tăng 1% so với vốn chủ sở hữu (tương ứng 1.500 tỉ đồng).

Về câu chuyện minh bạch giá điện, ông Tri cho rằng EVN rất muốn minh bạch nhưng sản xuất điện và tiêu thụ có đặc thù riêng. EVN có hơn 22 triệu khách hàng, mỗi khách hàng từ hộ gia đình đến nhà máy tiêu thụ điện cao thấp khác nhau. Hộ sản xuất có thể giảm tiêu thụ nhưng hộ sinh hoạt lại dùng vào giờ cao điểm. Do vậy nếu tuyên truyền về tiết kiệm điện thành công sẽ giảm áp lực về nhu cầu điện. EVN khác với các doanh nghiệp khác với mong muốn khuyến mãi để người dân mua ít đi. Bức tranh ngành điện phụ thuộc vào cả người dùng điện, nếu sử dụng chưa hiệu quả chắc chắn sức ép tăng giá điện sẽ tăng thêm.

Ông Tri nói: “EVN chỉ mơ ước lợi nhuận 0% đã tốt rồi, vì mục tiêu kinh doanh của EVN không phải lợi nhuận mà là vì trách nhiệm an sinh xã hội. Nếu có lợi nhuận, chúng tôi sẽ trích một phần cho quỹ đầu tư, quỹ khen thưởng phúc lợi, còn phần lớn chuyển sang đầu tư sản xuất. Nếu EVN lỗ thì không thể có tiền để đầu tư tiếp, ngành điện sẽ không thể tăng trưởng”.

Sẽ không tăng thêm giá điện nếu…

Theo ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN: Tính đến nay, giá than trong nước đang ổn định, trong khi giá than thế giới đang giảm; chênh lệch tỉ giá không phát sinh nhiều. Nếu giá than, dầu và tỉ giá không biến động thì trong năm 2015 sẽ không tăng thêm giá điện.

Dự kiến đối chiếu với giá bán lẻ bình quân mới từ ngày 16-3 (1.622,05 đồng/kWh), biểu giá điện (có sáu bậc) mới sẽ như bảng dưới:

EVN muốn người dân mua ít điện càng tốt ảnh 2

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm