EVFTA tạo đà tăng trưởng kinh tế

Ngày 20-5, trong ngày khai mạc, Quốc hội đã thảo luận về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA). Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã thay mặt Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày tờ trình về EVFTA. Hiệp định sẽ là một trong những động lực cho Việt Nam cải cách, phát triển...

Nâng cao vị thế chính trị, tăng trưởng kinh tế...

Các văn bản của Chủ tịch nước, Chính phủ và Quốc hội đều nhận định: Việc ký kết và phê chuẩn EVFTA là phù hợp với chủ trương, chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam. Gia nhập EVFTA đồng nghĩa quan hệ của Việt Nam với EU đi vào chiều sâu, tăng cường đan xen lợi ích chiến lược, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam có thể tranh thủ sự ủng hộ của EU cho việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, chính trị, đối ngoại nhiều mặt của đất nước.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nói: “Việc phê chuẩn và thực thi EVFTA khẳng định cam kết của Việt Nam đối với hệ thống thương mại tự do quốc tế, thúc đẩy đàm phán FTA của nước ta với các đối tác quan trọng khác, đánh dấu giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam”.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng như Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cũng cho rằng EVFTA khẳng định vai trò và vị thế địa chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực, nâng cao vị thế của nước ta trong khu vực cũng như trên trường quốc tế... EVFTA vừa giúp ta có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh.

Còn Bộ KH&ĐT đánh giá khi gia nhập EVFTA sẽ giúp cho thương mại hai chiều và đầu tư từ EU vào Việt Nam tăng trưởng ở mức khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết công việc làm cho người lao động.

“Riêng thu ngân sách nhà nước có thể sẽ được cải thiện và tăng trong trung hạn và dài hạn” - báo cáo của Chính phủ khẳng định. Chính phủ cũng nhận định EVFTA sẽ tác động gián tiếp, tạo ra sức ép cải cách thể chế và mang lại những ảnh hưởng tích cực tới nền kinh tế.

Doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận các chuỗi cung ứng mới vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ tại các thị trường truyền thống do dịch gây ra. Đây là tiền đề quan trọng để DN khôi phục và thúc đẩy việc sản xuất, kinh doanh...

Dệt may được xem là một trong những ngành hưởng lợi từ EVFTA. Ảnh: HTD

Không phụ thuộc vào một thị trường, bảo đảm an ninh kinh tế

Bản thuyết minh chi tiết cho thấy sau khi gia nhập EVFTA, DN Việt Nam cũng sẽ được lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu với chất lượng tốt và ổn định với mức giá hợp lý hơn từ EU, đặc biệt là nguồn máy móc, thiết bị, công nghệ/kỹ thuật cao. Từ đó, DN có điều kiện nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm. Điều này cũng sẽ tạo ra một sức ép cạnh tranh để DN Việt Nam nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh.

42,7% là con số tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với giai đoạn không có hiệp định, góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18% đến 3,25% cho giai đoạn năm năm đầu. 

Bộ KH&ĐT dự báo nhóm hàng nhập khẩu nhiều nhất từ EU là phương tiện và thiết bị vận tải, nhóm hàng máy móc thiết bị, dệt may và điện thoại và linh kiện điện tử, nông, lâm, thủy sản. “EVFTA sẽ góp phần giúp đa dạng hóa thị trường của ta để không bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nào, từ đó giúp bảo đảm an ninh kinh tế của Việt Nam” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

EVFTA cũng kỳ vọng sẽ đổi mới thể chế, cải thiện môi trường đầu tư cho Việt Nam...

Chủ tịch nước, Chính phủ và Quốc hội đều làm rõ nhiều tác động khác của EVFTA đối với các ngành, hệ thống pháp luật và thể chế, lao động, việc làm, an sinh, xã hội, đồng thời cũng phân tích rõ các thách thức và giải pháp. Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, căn cứ các quy định, Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn toàn văn Hiệp định EVFTA trong kỳ họp này.

Đàm phán hiệp định thương mại tự do song phương với Anh

Theo Chính phủ, EVFTA nếu được Quốc hội phê chuẩn Việt Nam sẽ phải sửa đổi, bổ sung và ban hành mới một số văn bản quy phạm pháp luật gồm: Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Kinh doanh bảo hiểm năm; Nghị định 08/2015; Nghị định 59/2018; Quyết định 131/2007 của Thủ tướng và ban hành bốn nghị định mới.

Ủy ban Đối ngoại kiến nghị Quốc hội cho phép áp dụng EVFTA với Anh cho đến hết giai đoạn chuyển tiếp ngày 31-12-2020 và có thể gia hạn đến 24 tháng theo thỏa thuận giữa Anh và EU về việc Anh rời khỏi EU. Sau đó Chính phủ thúc đẩy đàm phán, ký kết hiệp định thương mại tự do song phương với Anh trên cơ sở EVFTA với những điều chỉnh phù hợp đảm bảo lợi ích cho cả hai bên để áp dụng thay thế cho EVFTA khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.