‘Đường từ dạ dày tới nghĩa địa ngày càng ngắn’

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) bức xúc như thế trước thực trạng thực phẩm mất an toàn lọt vào mâm cơm của mỗi gia đình đang hủy hoại sức khỏe của người dân. Điều này cũng được nhiều ĐB đặt ra một cách bức thiết tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 10 (QH khóa XIII) ngày 16-11.

An toàn thực phẩm đánh tụt chất lượng sống

Chất vấn trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát trong vấn đề an toàn thực phẩm, ĐB Trần Ngọc Vinh đặt vấn đề: “Thịt heo thì chứa chất cấm, chuối ngâm ủ trong thùng hóa chất chứa thuốc trừ sâu, rau quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức cho phép. Có thể nói con đường từ dạ dày tới nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ lại trở nên ngắn và dễ dàng đến thế”.

ĐB Vinh nhắc lại tại kỳ họp thứ 2 và kỳ họp thứ 6 (QH khóa XIII), vấn đề này đã từng được các ĐBQH đặt ra và Bộ trưởng Cao Đức Phát đã từng hứa sớm khắc phục cũng như sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm. “Vậy xin Bộ trưởng cho biết tại sao Bộ đã thực hiện nhiều giải pháp như báo cáo của Bộ đã nêu, xong tình trạng này không giảm mà vẫn còn chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân của vấn đề này là gì? Phải chăng do chính sách ta đưa ra chưa đủ răn đe hay sự thiếu quyết tâm của Bộ. Trách nhiệm của cá nhân Bộ trưởng và ngành NN&PTNT trước cử tri cả nước như thế nào khi hằng năm có hàng chục ngàn cái chết được dự báo trước, xuất phát từ thức ăn bị nhiễm độc” - ông Vinh đặt câu hỏi.

Trước đó, mở đầu phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đã chỉ thẳng vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm đang diễn ra rất nghiêm trọng và là một trong những nguyên nhân làm đánh tụt chất lượng sống của người dân. “Đời sống nhân dân hiện nay cũng vô cùng khó khăn và những tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý giá cả vẫn chưa thông nhất làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người lao động cũng như của nhân dân. Những chất độc hại, sản phẩm độc hại, nguy hại đã bằng nhiều cách đặt lên bàn ăn của người lao động, của nhân dân cũng chưa được giải quyết” - ĐB Sơn nói.

Chống hàng giả, hàng nhái: Quyết liệt, rồi sao?

Liên quan tới lĩnh vực hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng rằng: “Bộ trưởng lúc nào cũng nói là quyết liệt, quyết liệt nhưng mọi việc thì vẫn như cũ”. ĐB Thuyền cho hay đi tiếp cử tri lần nào cử tri cũng nói về phân bón, thuốc trừ sâu giả, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan. “Mình chưa khắc phục được vấn đề đó vậy trách nhiệm này thuộc về ai? Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục trong thời gian tới” - ông Thuyền hỏi.

Cùng nội dung này, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cũng nhận định: “Phân bón vật tư nông nghiệp làm giả tràn lan, sử dụng chất cấm thì vô tội vạ như thông tin báo chí mấy ngày nay đã đưa thì quá khiếp! Trong khi đó, phương tiện kiểm định thì thiếu thốn, thô sơ, các biện pháp đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, xử lý ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là đối với hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp thì chưa nghiêm, chưa đến nơi, đến chốn”.

Trước các câu hỏi của ĐB đặt ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nói: “Đây thực sự đúng là vấn đề bức xúc. Chúng tôi xin báo cáo với QH, chúng tôi làm chưa được nhiều, mặc dù đã cố gắng”. Ông Hoàng cũng thành thật nhận khuyết điểm trước QH. Theo ông Hoàng, mặc dù thống kê số vụ bắt giữ, xử lý được về quy mô, về giá trị đều tăng hơn các năm trước nhưng “tình hình thay đổi không đáng kể” và “vẫn chuyển biến chậm”.

Để xử lý quyết liệt tình trạng này, ông Hoàng cho biết giải pháp sắp tới của Bộ Công Thương là: “Nâng cao trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường (QLTT), vì đây là nguyên nhân chủ quan dẫn đến hạn chế trong hiệu quả của công tác QLTT”. Đồng thời Bộ Công Thương cũng đang xây dựng đề án nâng cấp Cục QLTT thành Tổng cục QLTT với mô hình là quản lý ngành dọc để tăng thêm sự thống nhất trong chỉ đạo giữa QLTT ở Bộ với QLTT các địa phương.

 “Tôi đề nghị báo chí và nhân dân nếu thấy ở chỗ nào, ở địa phương nào, thời điểm nào, lực lượng QLTT có những sai phạm, có những khuyết điểm mà chúng tôi chưa có điều kiện nắm bắt được hết, xin chân thành được tiếp thu phản ánh của các cơ quan thông tin truyền thông, của nhân dân. Chúng tôi xin cam kết sẽ xử lý nghiêm túc những sai phạm này” - ông Hoàng nói.

Dự kiến nội dung này cũng sẽ được Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời vào sáng nay, 17-11 (ngày làm việc thứ hai của phiên chất vấn).

Cử tri bức xúc với những vi phạm của Trung Quốc ở biển Đông

Sáng 16-11, Trưởng ban Dân nguyện QH Nguyễn Đức Hiền đã trình bày báo cáo tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, QH khóa XIII.

Theo đó, ở lĩnh vực quốc phòng, cử tri các tỉnh, TP: Đồng Tháp, Hà Nam, TP.HCM, Quảng Trị, Cà Mau, Hà Nội, Khánh Hòa phản ánh hiện nay, diễn biến tại biển Đông rất phức tạp, đe dọa chủ quyền quốc gia của Việt Nam. Cử tri đề nghị tăng cường tiềm lực quốc phòng, tăng cường trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng cảnh sát biển để bảo vệ chủ quyền và hỗ trợ ngư dân, đồng thời cần quan tâm đầu tư hơn nữa đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng tại quần đảo Trường Sa …

Cử tri tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị cho rằng để đối phó với diễn biến phức tạp trên biển Đông hiện nay, bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong đó có biển, đảo, Nhà nước phải quan tâm xây dựng, củng cố quốc phòng vững mạnh. Đồng thời huy động kêu gọi sức mạnh, lòng yêu nước của toàn dân tộc để bảo vệ đất nước. Cử tri nhiều tỉnh tiếp tục bày tỏ thái độ bức xúc đối với những vi phạm của Trung Quốc (TQ) ở biển Đông, đặc biệt là hành động xây dựng đảo nhân tạo tại một số điểm thuộc quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, ngang nhiên đánh bắt cá trên vùng biển Việt Nam, tấn công các tàu của ngư dân Việt Nam.

Cử tri nhiều tỉnh đề nghị có các giải pháp đấu tranh khả thi, quyết liệt hơn, rõ ràng hơn; tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè, dư luận quốc tế trong việc đối phó với TQ. Đặc biệt cần sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý khởi kiện TQ ra tòa án quốc tế. “Thận trọng hơn trong các chính sách đối ngoại, cân nhắc khi hợp tác, ứng xử đối với một số nước bạn, đặc biệt là TQ. Hạn chế các chính sách thỏa hiệp để đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, chủ quyền dân tộc, đồng thời thông tin kịp thời, đầy đủ tình hình biển Đông…” - ông Hiền nêu rõ ý kiến cử tri.

TRÀ PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm