Đường cong vì lòng người không thẳng

Đó là tuyến đường Trường Chinh mở rộng, đang được thi công, hiện bị chia làm 3 đoạn, hai đoạn hai đầu được mở về phía bắc; đoạn ở giữa có nhà của các tướng lĩnh và quan chức ngành giao thông được mở về phía nam, hình thành nên tuyến đường cong hình “ghi đông xe đạp”.

Một số hộ dân ở đây liên tục có đơn thư thắc mắc, kiến nghị về chỉ giới đường đỏ, phạm vi xây dựng tuyến đường. Các hộ dân cho rằng, dự án không tuân thủ quy hoạch và tuyến đường đã bị bẻ cong nhiều đoạn rất khó hiểu. Thậm chí, còn có thông tin cho rằng, tuyến đường đã bị nắn cong để tránh hàng loạt nhà của quan chức.

Đường cong vì lòng người không thẳng ảnh 1

Ai có dịp đi qua đoạn đường Trường Chinh đều thấy rõ sự vô lý, tuyến phố đang thẳng nhưng khi mở rộng thì đã bị uốn cong, nhìn rất tức mắt. Trước dư luận và đơn thư khiếu nại, Sở Quy hoạch Kiến trúc cho rằng, từ năm 2000, UBND thành phố đã giao nhiệm vụ cho Văn phòng Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội, nay là Sở Quy hoạch Kiến trúc và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội xác định chỉ giới mở rộng đường Trường Chinh. Sở đã phối hợp làm việc với Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân (PK-KQ) để giới thiệu phương án mở đường Trường Chinh qua khu vực cơ quan, quân đội, đoạn từ hồ Hố Mẻ đến cống Chéo qua sông Lừ. Tại khu vực cơ quan quân đội này, đường quy hoạch dự kiến mở về phía bắc so với đường hiện tại 20m, còn lại mở về phía nam. Bộ Tư lệnh PK-KQ đã có công văn đề nghị “mở đường Trường Chinh đoàn từ hồ Hố Mẻ đến cống Chéo về phía nam với nội dung là phía bắc lấy mép đường phía bắc sâu vào khoảng 7m, phía nam sẽ phát triển cho đủ mặt cắt của đường là 53,5m”. Sau đó Bộ Quốc phòng đã có văn bản “thống nhất với ý kiến của Bộ Tư lệnh PK-KQ về bản vẽ chỉ giới đường đỏ do đơn vị này lập ngày 18/10/2000, tỷ lệ 1/500”.

Có thể thấy rằng, quy hoạch mở rộng đường Trường Chinh đã hình thành từ năm 2000, cách đây 14 năm trời, nay mới được thi công lại gây bất bình trong dư luận bởi đất rộng mà đường bị bẻ cong. Đường cong này tại ai và vì sao phải uốn cong? Đó là câu hỏi đang được các cựu chiến binh và người dân yêu cầu các cơ quan chức năng của Hà Nội phải giải đáp kịp thời cho thấu tình đạt lý.

Vấn đề được đặt ra là vì sao khi quy hoạch đường Trường Chinh, các nhà quy hoạch lại không lấy tất cả về phía nam như Quân chủng PK-KQ đề nghị để có một tuyến đường thẳng? Vấn đề này, theo giải thích của Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội là do hai đầu đã xây dựng cầu vượt Ngã Tư Vọng và Ngã Tư Sở nên phải hướng đường Trường Chinh đi vào khoảng trống của hai cầu này.

Tuy nhiên, theo ý kiến của các tướng lĩnh, sĩ quan quân đội thì sai sót ở đây là do khi xây dựng hai cầu vượt, cơ quan thiết kế không tính hết hướng tuyến của đường Trường Chinh; không tham khảo ý kiến của Quân chủng PK-KQ. “Chủ trương của Quân chủng PK-KQ giữ lại phần đất của các gia đình sĩ quan trên được đưa ra từ năm 2000, lúc đó chưa có hai cây cầu vượt. Ở đây, các nhà thiết kế đã đặt mọi việc vào thế đã rồi”, Đại tá Nguyễn Tâm Trinh - nguyên Phó tư lệnh Quân chủng PK-KQ (ở tại số 10, ngõ 150 Trường Chinh) nói.

Nếu nói là sai do cơ quan thiết kế thì lại bộc lộ sự yếu kém của các nhà thiết kế giao thông ở nước ta. Trên tuyến đường có vài kilômét như vậy, khi xây dựng 2 cây cầu vượt và đã biết trước được tuyến đường này sẽ mở rộng như thế nào thì tại sao lại còn thiết kế sai hướng tuyến giữa cầu với đường?

Thông tin cho rằng, tuyến đường Trường Chinh bị bẻ cong để tránh nhà của các quan chức cũng không phải thiếu cơ sở. Tại đoạn cong ở giữa, phần phía bắc tuyến đường (được giữ nguyên) hiện có nhiều nhà của cán bộ nguyên là quan chức quân đội (chủ yếu là tướng lĩnh thuộc Quân chủng PK-KQ) và có cả quan chức về hưu của Bộ Giao thông Vận tải.

Khu này có nhà quan chức xây cao hơn 10 tầng để cho thuê làm văn phòng, bệnh viện. Điều này được chính những người nguyên là sĩ quan thuộc Quân chủng PK-KQ như Đại tá Nguyễn Tâm Trinh thừa nhận. Như vậy thì việc làm đường cong là vì quyền lợi của quan chức chứ không vì quyền lợi của toàn dân. Thế thì sự gương mẫu của những quan chức này ra sao? Các vị đều là cán bộ cấp cao, đảng viên lão thành, lẽ ra phải tự giác chấp hành chủ trương đường lối để người dân noi theo chứ!

Không phải chỉ ở đường Trường Chinh mà từ lâu, mỗi khi mở rộng tuyến đường nào có nhà của quan chức thì đều xảy ra tình cảnh tương tự. Cách đây gần 20 năm, đường Hoa Lư ở quận Hai Bà Trưng được mở mới, chạy qua Bộ Xây dựng và Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Vân Hồ cũng vậy. Chỉ với chiều dài hơn 200m mà mất mấy năm mới thông được đường nhưng nó cũng bị nắn cong ở đầu tiếp giáp với đường Đại Cồ Việt. Khi ấy người dân cũng nói rằng, vì phải tránh mấy nhà sếp lớn! Rồi không chỉ ở Hà Nội, các tỉnh, thành phố khác trong cả nước cũng có những hiện tượng như thế. Có những đoạn đường đang thẳng tắp bỗng bị biến dạng thành đường cong vì có nhà ông quan đứng đầu địa phương nằm đúng địa giới mở đường.

Thế mới càng thấy rõ là làm quan sướng thật. Không chỉ hưởng lương bổng từ chức sắc mà cả khi có đường chạy qua thì người thiết kế đường phải cố tránh nhà các quan.

Bây giờ Sở Quy hoạch Kiến trúc và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội hay các quan chức đã nghỉ hưu ở mặt đường Trường Chinh có giải thích thế nào thì dư luận cũng khó chấp nhận phương án con đường cong như thế. Một đường phố chính giữa thủ đô, có đủ điều kiện giải phóng mặt bằng để mở đường thẳng mà nay lại thành hình ghi đông xe đạp thì không thể coi được. Nó chẳng những ảnh hưởng đến mỹ quan mà còn làm ảnh hưởng đến người và xe lưu thông trên đường; đồng thời gây bức xúc trong lòng dân. Không có sự khuất tất thì chắc hẳn không có chuyện người dân đi khiếu kiện.

Một chuyên gia, nguyên lãnh đạo Viện Khoa học Công nghệ Giao thông Vận tải am hiểu tuyến đường này cho rằng, lý do thiết kế tuyến đường Trường Chinh cong để tiết kiệm tiền giải phóng mặt bằng (như cách giải thích của Ban Quản lý các dự án trọng điểm) chỉ là một cách giải thích một chiều; nguyên nhân chính cần xem xét là tuyến đường có bị bẻ cong vì né các nhà quan “to” tại đây hay không. Vì Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội cho biết, việc bẻ cong đường Trường Chinh sẽ tiết kiệm được khoảng 130 tỉ đồng giải phóng mặt bằng. Nhưng đầu năm 2014, UBND TP Hà Nội đã phải bổ sung kế hoạch đấu thầu cho dự án này 123 tỉ đồng để di chuyển hệ thống thông tin, đường điện, thoát nước.

Trước những bức xúc của người dân, Thanh tra Chính phủ đã có buổi làm việc với Hà Nội để làm rõ nhiều vấn đề trong đó có dự án đường bị “bẻ cong” để né nhà quan chức. Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã đề nghị Hà Nội sớm giải quyết dứt điểm và làm rõ mọi vướng mắc liên quan đến vấn đề đường Trường Chinh. Đồng thời yêu cầu TP Hà Nội phải công khai kết luận của thanh tra tại đơn vị, niêm yết tại trụ sở, trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Hy vọng rằng, lòng người ngay thẳng thì con đường cũng thẳng ngay!

Theo Dương Tâm (petrotimes)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm