Đường cao tốc ‘đụng’ di tích Chăm

Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với tỉnh Quảng Nam đang khẩn trương hoàn thành việc khai quật di tích Triền Tranh để báo cáo Hội đồng di sản (Bộ VH-TT&DL). Do vướng di tích này, tiến độ thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang chậm lại.

Di tích “có một không hai”

Theo ông Đặng Văn Minh, Phó Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), khu di tích Triền Tranh đã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là di tích văn hóa cấp tỉnh và khoanh vùng bảo vệ khoảng 4.000 m2.

“Năm 2010, khi khảo sát để làm đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cơ quan chức năng đã tránh mốc di tích hơn 70 m để bảo đảm việc thi công không ảnh hưởng đến di tích. Tuy nhiên, đến năm 2014, khi dọn dẹp mặt bằng để thi công, đơn vị thi công phát hiện còn nhiều phần của di tích nằm sâu dưới lòng đất. Nhà thầu phải tạm dừng công việc và báo cáo chính quyền địa phương giải quyết” - ông Minh cho biết.

Tại hiện trường, phần di tích vừa phát lộ trải dài hơn 100 m và Viện Khảo cổ học đã triển khai công tác khai quật, nghiên cứu khảo cổ. Ngoài diện tích đã được khoanh vùng, Viện còn khai quật bổ sung thêm 3.000 m2. PGS Nguyễn Giang Hải, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, cho hay: Kết quả khai quật sơ bộ cho thấy cụm di tích này có rất nhiều thành phần kiến trúc. Đặc biệt là sự xuất lộ của kiến trúc liên hoàn chia ô nhỏ ở phía sau đền thờ chính với bộ mái được lợp ngói lá mũi nhọn và mũi tròn, giúp hình dung về những ngôi nhà lợp ngói đã sụp đổ. Dạng kiến trúc chia ô liên hoàn, mái lợp ngói dạng này chưa từng xuất hiện ở một di tích Chăm nào khác. Ngoài ra, bên trong di tích còn có một số ít mảnh gốm sứ Chăm, gốm sứ Đại Việt thời Lý-Trần, gốm sứ nước ngoài (Trung Quốc, Islam)...

Phần di tích Triền Tranh phát lộ nằm ngay trong khu vực thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh: TT

Dời một phần di tích

“Chủ đầu tư và đơn vị thi công đều bị sức ép về tiến độ. Do đó công trường vẫn làm việc ở hai đầu, chỉ chừa lại 100 m phần có di tích để khai quật” - ông Minh thông tin.

Cuối tháng 4, việc khai quật phải tạm dừng vì giữa Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Viện Khảo cổ nảy sinh mâu thuẫn do phần diện tích khảo cổ được mở rộng làm ảnh hưởng tiến độ thi công đường cao tốc. Phía VEC yêu cầu Viện Khảo cổ phải nhanh chóng hoàn thành việc khai quật và bàn giao mặt bằng để tiếp tục thi công. Tuy nhiên, một cán bộ Viện Khảo cổ cho hay: “Vẫn còn nhiều phần của di tích chưa phát lộ nên không thể lấp đất để làm đường. Hiện chúng tôi đã hoàn thành trên phần diện tích 2.000 m2 và đang tiếp tục khai quật 1.000 m2 còn lại”.

Tại buổi làm việc ngày 27-4, Viện Khảo cổ, Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam, UBND huyện Duy Xuyên và VEC đã thống nhất một số phương án xử lý, khảo cổ di tích Triền Tranh để sớm trả lại mặt bằng thi công. Theo đó, VEC đồng ý để Viện Khảo cổ tiếp tục khai quật để bổ sung, củng cố hồ sơ, đồng thời dựng phim 3D về di tích này. Ngoài ra, sẽ cho làm nhà bao che phục vụ công tác trưng bày tại Bảo tàng Duy Xuyên. VEC đồng ý chi khoảng 9 tỉ đồng để phục vụ cho việc khai quật và di dời một phần di tích vào bảo tàng. Viện Khảo cổ phải tăng cường nhân lực để đẩy nhanh tiến độ khai quật và bàn giao mặt bằng sớm.

Di tích Triền Tranh có niên đại nằm trong khoảng từ thế kỷ IX đến thế kỷ XII và có liên quan mật thiết với nhóm di tích Chămpa ở Duy Xuyên - Quảng Nam trong lịch sử gồm: Thánh địa Mỹ Sơn, kinh đô Simhapura (Trà Kiệu). Đây là một trong bốn cụm di tích Chiêm Sơn gồm Gò Ghạch, Gò Lồi, Chùa Vua và Triền Tranh.

______________________________

Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi khởi công vào tháng 5-2013 và dự kiến hoàn thành năm 2017. Tuyến đường dài 139 km, điểm đầu là thị trấn Túy Loan (Hòa Vang, TP Đà Nẵng), điểm cuối tại xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi). Nền đường rộng 26 m, riêng phần mặt đường rộng 24,5 m, gồm bốn làn xe chạy.

Điểm nhấn của dự án là công trình hầm dài 540 m tại Hòa Vang, Đà Nẵng (được thiết kế thành hai đường hầm riêng biệt giữa chiều đi và chiều đến). Trên toàn tuyến có 102 cây cầu lớn nhỏ, chín nút giao. Tổng vốn đầu tư của dự án gần 28.000 tỉ đồng.

____________________________________

Hiện vẫn phải chờ hoàn thành khai quật di tích để có báo cáo thẩm định xem ý nghĩa của di tích, hiện vật. Trên cơ sở đó, Bộ VH-TT&DL mới có ý kiến chỉ đạo phương án bảo tồn.

Ông ĐINH HÀI, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.