Được thừa kế nhờ khai sinh trễ hạn

TAND TP.HCM vừa xử vụ tranh chấp thừa kế giữa bà T. (ngụ quận Gò Vấp) với ông H. (ngụ quận 1). Đây là vụ án phức tạp, kéo dài gần sáu năm và cấp phúc thẩm phải ba lần tạm dừng để xem xét tờ giấy khai sinh trễ hạn của bà T. Cuối cùng, tòa chấp nhận tính hợp pháp của tờ giấy trên.

Sinh năm 1968, làm giấy năm 2006

Theo hồ sơ, năm 2006, bà T. khởi kiện ra TAND quận 1, tranh chấp căn nhà mà người mẹ đã chết để lại với ông H. Khi được tòa triệu tập, ông H. và người liên quan đều khẳng định chỉ có ông là con duy nhất của gia đình này. Bà T. là trẻ mồ côi được xin về nuôi nhưng khi lớn bà bỏ đi biệt. Do vậy, bà T. không phải là chị của ông H. nên không thể tranh chấp thừa kế.

Để chứng minh điều ngược lại, bà T. trình giấy khai sinh trễ hạn do UBND phường 10 (quận Gò Vấp) cấp năm 2006, trong đó ghi bà sinh ngày 6-10-1968, tại Sài Gòn, mẹ là người đã chết nêu trên, tên cha để trống. Cạnh đó bà T. cũng đưa ra sổ hộ khẩu của người đã mất thể hiện bà có quan hệ mẹ con với người này.

Tờ khai sinh có giá trị

Xử sơ thẩm, TAND quận 1 nhận định căn cứ để xác minh huyết thống giữa nguyên đơn và người đã chết chính là tờ giấy khai sinh mà bà T. cung cấp. Theo xác minh của tòa, UBND phường 10 cho biết cơ sở để lập giấy khai sinh trễ hạn cho bà T. là tờ khai gia đình từ năm 1975, có ghi mối quan hệ giữa bà T. và người đã khuất là mẹ con. Trong hồ sơ lưu tại công an, quá trình lập hộ khẩu trước và sau 1975 tại căn nhà tranh chấp đều thể hiện mối quan hệ mẹ con giữa hai người này. Do đó, việc cấp giấy khai sinh cho bà T. là đúng pháp luật.

Mặt khác, bị đơn cho rằng nguyên đơn không phải chị ruột mình là không có cơ sở. Bởi lẽ, ngoài giấy khai sinh chứng minh ông H. là con của người đã khuất, ông không có chứng cứ nào khác. Nếu có giám định ADN giữa hai chị em (trong trường hợp này nguyên đơn không đồng ý) thì kết quả xét nghiệm cũng không thể chứng minh được ai là con ruột của người đã chết.

Từ đó, HĐXX quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, xác định bà T. và ông H. là người thừa kế theo pháp luật thuộc hàng thứ nhất của người đã khuất.

* * *

Sau đó, VKS kháng nghị cho rằng giấy khai sinh do bà T. tự khai tại UBND phường 10 là hoàn toàn chủ quan, không có người làm chứng nên không đủ cơ sở xác định bà T. là con ruột của người để lại di sản. Người đã khuất cũng không làm thủ tục nhận bà T. làm con nuôi. Vì vậy, bà T. không đủ điều kiện đòi chia di sản.

Sau nhiều lần hoãn xử để xác minh, xử phúc thẩm mới đây, TAND TP.HCM nhận định án sơ thẩm tuyên là có cơ sở chấp nhận vì giấy khai sinh đã thể hiện mối quan hệ mẹ con giữa bà T. và người chết. Do người mẹ không để lại di chúc nên theo pháp luật, bà T. vẫn được xác định là hàng thừa kế thứ nhất. Từ đó, tòa giữ nguyên quyết định của án sơ thẩm...

Thông báo rộng rãi để bịt lỗ hổng

Tôi không bàn đến nội dung vụ án mà muốn nêu ra thêm một khía cạnh là khi xem xét cấp giấy khai sinh trễ hạn cần thiết phải tìm hiểu rõ nguyên nhân, động cơ khi đi xin cấp giấy. Những trường hợp này, cần quy định thêm là phải thông báo trên phương tiện truyền thông đại chúng, niêm yết tại địa phương xem có ai có tranh chấp gì không trước khi cấp giấy. Chứ chỉ theo quy định hiện nay là không tranh chấp là cấp cho họ mà không thông báo rộng rãi để người liên quan biết, có ý kiến kịp thời là có lỗ hổng. Bởi cơ quan chức năng chỉ dựa trên chứng cứ ban đầu, cũng không có việc giám định gien để xác định mà đã cấp giấy thì sẽ không chính xác, không công bằng với những người con khác của người đã khuất...

Luật gia ĐẶNG ĐÌNH THỊNH, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia Việt Nam tại TP.HCM

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm