Dừng trợ cấp chính sách hơn 1.800 trường hợp

Sau khi Bộ LĐ-TB&XH thực hiện thanh tra chính sách người có công với cách mạng tại tỉnh Thái Bình và phát hiện nhiều sai phạm trong việc xác lập hồ sơ hưởng chế độ chất độc hóa học (CĐHH), UBND tỉnh Thái Bình đã thực hiện rà soát các đối tượng trên.

Dừng trợ cấp, thu hồi kinh phí

Theo báo cáo ngày 28-5 của UBND tỉnh Thái Bình, kết quả rà soát cho thấy có hơn 1.800 trường hợp hưởng chính sách (đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH) chưa đúng quy định.

Cụ thể, UBND tỉnh Thái Bình phát hiện 354 trường hợp không bổ sung được giấy tờ chứng minh tham gia kháng chiến trong vùng bị nhiễm CĐHH, có đơn tố cáo hoặc chuyển đi khỏi địa phương… “Việc rà soát các đối tượng không chứng minh được tham gia kháng chiến trong vùng bị nhiễm CĐHH được thực hiện thận trọng, khách quan, kết luận rõ đúng, sai để tránh khiếu kiện, thắc mắc” - UBND tỉnh Thái Bình cho hay.

Cơ quan này còn phát hiện 519 trường hợp là con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH hưởng chính sách không đúng quy định. Ngoài ra, UBND tỉnh Thái Bình cũng phát hiện 965 trường hợp cha, mẹ có con đẻ mắc dị dạng, dị tật bẩm sinh không đủ điều kiện hưởng chính sách.

Tất cả trường hợp này Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Bình đã dừng trợ cấp và thực hiện thu hồi số kinh phí đã hưởng sai quy định.

“Có 641 trường hợp khác đã được Sở LĐ-TB&XH giới thiệu đến hội đồng giám định y khoa giám định tật gai sống chẻ đôi lần hai. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 nên các đối tượng chưa đi giám định được…” - UBND tỉnh Thái Bình thông tin thêm.

Người bị nhiễm chất độc da cam tại tỉnh Quảng Trị. Ảnh minh họa: VIẾT LONG

Bình thường nhưng vẫn đi bệnh viện điều trị

Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH tiến hành thanh tra đột xuất việc xác lập hồ sơ và giải quyết chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH ở huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình). Qua kiểm tra, xác minh quá trình điều trị bệnh và tiếp xúc thực tế các đối tượng đã phát hiện việc khám, giám định và kết luận bệnh rối loạn tâm thần của Hội đồng Giám định y khoa tỉnh Thái Bình có nghi vấn chưa đảm bảo về chuyên môn.

Cụ thể, có nhiều trường hợp ở cùng một xã đều viết đơn xin điều trị nội trú tại bệnh viện. Những người này đi điều trị theo từng nhóm (2-5 người). Điều trị được 10-15 ngày thì đồng loạt viết đơn xin ra viện và cam kết cùng một lý do: “Bệnh đã đỡ nhiều, gia đình có việc bận nên đề nghị bệnh viện cho về nhà uống thuốc theo đơn”. Đồng thời, họ xin được sao bệnh án điều trị bệnh để về địa phương làm chế độ chính sách.

Qua tiếp xúc trực tiếp các đối tượng, đoàn kiểm tra xác định những trường hợp này hoàn toàn bình thường. Họ nhớ rất rõ về thời gian công tác, thời gian chiến đấu, cũng hiểu rõ về các chế độ chính sách của Nhà nước đối với người có công với cách mạng. Phần lớn họ là đảng viên, cán bộ hưu trí, hiện nay đang tham gia sinh hoạt Đảng tại các chi bộ, đang làm bí thư, phó bí thư chi bộ, trưởng thôn.

Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Bộ Y tế xem xét, thẩm định, kết luận về chuyên môn đối với kết quả khám, giám định bệnh rối loạn tâm thần của Hội đồng Giám định y khoa tỉnh Thái Bình… Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng yêu cầu tỉnh Thái Bình thực hiện rà soát các đối tượng hưởng chính sách người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH.

Kiến nghị thu hồi hàng trăm tỉ đồng hưởng sai quy định

 Năm 2019, Bộ LĐ-TB&XH đã rà soát, thanh tra 117.718 hồ sơ tại 14 tỉnh, thành về việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công (giai đoạn 2015-2018). Qua rà soát, bộ phát hiện 2.963 trường hợp hưởng chế độ không đúng quy định phải đình chỉ, kiến nghị thu hồi hơn 260 tỉ đồng nộp ngân sách nhà nước.

 Cuối năm 2019, Bộ LĐ-TB&XH có văn bản kiến nghị biện pháp xử lý đối với các hồ sơ thương binh giả tại Bộ tư lệnh Quân khu 3 (Bộ Quốc phòng). Theo đó, sau khi trưng cầu giám định kỹ thuật hình sự đã phát hiện 520/2.650 hồ sơ thương binh tại đây (được xác lập trên giấy tờ gốc và bản sao danh sách quân nhân bị thương) có nghi vấn không đảm bảo pháp lý. Sau đó, Bộ LĐ-TB&XH đã thanh tra lần hai và có kết luận về việc này vào tháng 3-2020.

Theo kết luận, trong 520 hồ sơ có nghi vấn trên, cơ quan chức năng xác định có 164 hồ sơ khai man, giả mạo, tẩy xóa nội dung cũ, viết lại nội dung mới; 18 hồ sơ được đơn vị xác định không có tên trong danh sách quân nhân bị thương. Với những trường hợp này, UBND TP Hải Phòng đã chỉ đạo Bộ chỉ huy Quân sự và Sở LĐ-TB&XH TP Hải Phòng phối hợp với các đơn vị liên quan thu hồi quyết định công nhận thương binh và trợ cấp thương tật, đồng thời dừng trợ cấp thương binh và thu hồi tiền cấp sai đối tượng (hơn 21,2 tỉ đồng).

 Cũng trong năm 2019, qua kiểm tra, xác minh, Bộ LĐ-TB&XH phát hiện có nhiều trường hợp (ở các tỉnh Quảng Trị, Thái Bình, Sơn La, Bình Dương, Gia Lai, Quảng Nam…) đang hưởng chế độ con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH do bị dị dạng, dị tật, không còn khả năng lao động, vô sinh… nhưng thực tế họ hoàn toàn bình thường. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm