Dùng tàu chuyên dụng cưỡng chế người trên bè tránh bão số 6

Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Trọng Tùng, Phó Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, cho hay tỉnh này có hơn 10.000 người làm việc, sinh sống trên 91.000 lồng bè nuôi thủy sản trên biển; tập trung ở vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông thuộc thị xã Sông Cầu, vịnh Vũng Rô thuộc huyện Đông Hòa.

Đây cũng chính là mối lo lớn nhất của tỉnh Phú Yên trong ứng phó với bão số 6 đang chuẩn bị đổ bộ vào đất liền.

Vẫn còn nhiều người làm việc trên các bè nuôi thủy sản ở vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu. Ảnh: TẤN LỘC

Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, chỉ riêng vịnh Xuân Đài đã có hơn 2.900 bè nuôi thủy sản, bình quân mỗi bè có 2-3 người làm việc. Đây là vùng nuôi thủy sản lớn nhất tỉnh Phú Yên và cũng là khu vực thường bị thiệt hại nặng nhất mỗi khi có bão đổ vào.

Ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, cho biết trong hai ngày qua chính quyền địa phương liên tục tổ chức thông tin, vận động người nuôi thủy sản trên vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông vào bờ tránh bão số 6. Phần lớn người dân đã chịu rời bè vào bờ. Tuy nhiên, tâm lý chung của không ít người nuôi thủy sản là lồng bè bị đứt dây, mất thủy sản khi có gió lớn. Do đó, nhiều người vẫn cố ở lại trên các bè hoặc vào bờ rồi lại trở ra bè canh giữ.

Vịnh Xuân Đài là vùng nuôi thủy sản lớn nhất ở Phú Yên với gần 3.000 bè nuôi, số người làm việc ở đây rất lớn. Ảnh: TẤN LỘC

Theo ghi nhận của PV, đến chiều tối 9-11, vẫn còn rất nhiều người làm việc, ở lại trên các bè nuôi thủy sản ở vịnh Xuân Đài, bất chấp lệnh cấm biển của UBND tỉnh Phú Yên đã có hiệu lực từ 7 giờ sáng cùng ngày, bất chấp sự vận động của các lực lượng chức năng.

Người nuôi thủy sản rời bè vào bờ tránh bão. Ảnh: TẤN LỘC

Trực tiếp đi kiểm tra việc sơ tán người trên các bè nuôi thủy sản ở vịnh Xuân Đài, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, chỉ đạo nóng chính quyền địa phương cùng các lực lượng chức năng triển khai, thực hiện ngay việc đưa người vào bờ tránh bão.

"UBND tỉnh đã yêu cầu Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh điều động hai tàu chuyên dụng công suất lớn cùng các tàu của các đồn biên phòng, kiểm ngư đi kiểm tra, đưa người dân vào bờ tránh bão. Nếu có người cố tình ở lại trên bè thì phải thực hiện cưỡng chế sơ tán ngay. Chậm nhất việc sơ tán người trên bè nuôi thủy sản phải hoàn tất trước 12 giờ ngày 10-11” - ông Thế thông tin.

Không ít người vẫn còn chủ quan, chưa chịu vào bờ. Ảnh: TẤN LỘC

Tại Vũng Rô, UBND huyện Đông Hòa cũng tổ chức các lực lượng cùng phương tiện chạy quanh các khu vực bè nuôi thủy sản, yêu cầu tất cả người dân vào bờ tránh bão. Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, cho biết chính quyền địa phương đã phân công các lực lượng ứng trực, thường xuyên kiểm tra, không cho người dân trở ra các bè nuôi thủy sản để canh giữ.

Vận động người làm việc trên các bè nuôi thủy sản vào bờ tránh bão. Ảnh: TẤN LỘC

Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu UBND huyện Đông Hòa rút kinh nghiệm việc có hơn 50 hộ gia đình sinh sống trên lồng bè nuôi thủy sản ở vịnh Vũng Rô không chịu di chuyển lên bờ tránh bão số 5 vừa qua mặc dù đã được chính quyền địa phương nhiều lần vận động, thuyết phục.

Ông Trần Hữu Thế đã đề nghị Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Phú Yên điều một tàu chuyên dụng công suất lớn đến Vũng Rô tham gia cưỡng chế đưa người dân vào bờ tránh bão.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm