Đứng lên từ một câu mỉa mai

Nhưng cũng chính từ câu nói rất thật đó, nạn nhân đã quyết gầy dựng một tương lai tươi sáng hơn, đúng như mong muốn của bị cáo...

Vị thẩm phán kể cho tôi nghe về một vụ xảy ra gần ba năm trước mà ông là người giải quyết. Hưng và Quý, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM, vốn là hai người bạn cùng xóm, lớn lên cùng nhau, học cùng nhau, chung một cảnh nghèo. Hết lớp 12, Quý đậu đại học, Hưng thi rớt nên ở nhà đi làm. Dịp tết, họ đi chơi, nói chuyện về tương lai. Trong lúc trò chuyện, Quý khuyên Hưng tiếp tục đi thi, học tiếp để có một tương lai sáng sủa hơn nhưng Hưng không nghe, quyết định vẫn sẽ ở nhà đi làm để cha mẹ bớt khổ.

1. “Mày đừng nghĩ kiếm được tiền sớm rồi sẽ có một tương lai tốt. Mày cứ thỏa mãn với công việc phụ hồ của mày đi. Rồi mày sẽ không bao giờ thoát được cảnh nghèo, rồi mày cũng tự biến mình thành những người dưới đáy xã hội mà thôi”. Nghe Quý nói thẳng, Hưng nóng mặt, không nói không rằng vác ghế đập Quý. Trong lúc ẩu đả, Quý giật được chiếc ghế trên tay Hưng phang lại khiến Hưng bị thương tật 13% vĩnh viễn. Sau đó Hưng làm đơn tố cáo và Quý bị khởi tố, truy tố về tội cố ý gây thương tích.

“Ngay từ khi đọc hồ sơ, tôi đã thấy ấn tượng, nghĩ rằng đây là hai thanh niên tốt, có ý chí” - vị thẩm phán nói rồi kể tiếp về diễn tiến phiên xử hôm đó mà ông là chủ tọa.

Đứng lên từ một câu mỉa mai ảnh 1

Ngày phiên xử diễn ra, Hưng không có mặt. Đại diện VKS và luật sư của Quý đều cho rằng lời khai của Hưng trong hồ sơ đã đầy đủ nên đề nghị tòa tiếp tục xét xử bình thường. Tuy nhiên, vị thẩm phán đã quyết định hoãn xử để triệu tập Hưng. Bởi ông biết rằng không có mặt nạn nhân thì những uẩn khúc phía sau vụ án, những điều vốn không có trong các bút lục lạnh lùng sẽ không có cơ hội được làm sáng tỏ.

Sau đó, vị thẩm phán yêu cầu thư ký phải tìm cho được Hưng để đưa giấy triệu tập. Gần hai tháng sau, phiên xử tiếp tục diễn ra. Trước tòa, Hưng khai vì Quý khinh thường mình bằng những câu nói khinh bỉ, chế giễu nên Hưng mới tức, mới định dùng ghế phang bạn. Còn Quý bảo: “Tôi chỉ khuyên chứ không chê bai, chế giễu gì cả”. Lập tức, Hưng đáp trả: “Nếu khuyên thì không coi tôi là người dưới đáy xã hội. Cha mẹ tôi cũng nghèo, cha mẹ nó cũng nghèo, sao lại chế giễu nhau?”. Quý thẳng thắn: “Đúng. Cả hai gia đình cùng nghèo nên tôi mới muốn cậu vững vàng vượt qua khó khăn này, để có ngày mà ngóc đầu lên nhìn đời”.

Nghe tới đó vị thẩm phán ôn hòa cắt ngang: “Cả hai là bạn thân, từng chơi với nhau, học với nhau 12 năm ròng nên sẽ hiểu tính cách của nhau. Sao chỉ vì vài câu nói mà lại có thể biến nhau thành kẻ thù như thế?”.

Rồi ông hỏi Hưng: “Sau khi vụ án xảy ra, nạn nhân làm gì?”. Hưng trình bày: “Tôi đi học tiếp”. “Hiện nạn nhân đang học gì?”. “Tôi theo học tại một trường cao đẳng”. Vị thẩm phán nhẹ nhàng: “Không phải chỉ có học mới thành công nhưng đường học luôn là con đường gần nhất để đi tới thành công. Bản thân bị cáo cũng chỉ muốn cho nạn nhân có một tương lai tốt hơn nên mới nói vậy”. Hưng vội cắt ngang: “Dạ thưa không, trước đây chúng tôi cùng thi vào một trường nhưng tôi rớt, nó đậu. Vì thế nó nghênh ngang, khinh thường tôi, coi tôi là đứa dưới đáy xã hội”.

Nghe bạn nói, Quý chau mày, lắc đầu. Thấy vậy, vị thẩm phán hỏi tiếp: “Nếu không vì câu nói ấy của bị cáo, liệu nạn nhân có tiếp tục thi tiếp, học tiếp?”. Không khí phòng xử trầm lặng hẳn sau câu hỏi này. Hưng không trả lời, chỉ cúi đầu trầm ngâm.

Vị thẩm phán quay sang Quý: “Bị cáo có thấy vui khi mỉa mai bạn?”. Không chần chừ, Quý đáp: “Thâm tâm tôi không bao giờ có ý mỉa mai cậu ấy. Bây giờ tôi không hề hối hận bởi vì những câu nói đó mà cậu ấy đã tiếp tục theo học và sẽ có cơ hội đổi đời”.

2. Quý vừa dứt câu trả lời, vị thẩm phán đã nhìn thấy nước mắt chảy trên gương mặt cứng đanh, lầm lì của Hưng. Ngay thời khắc đó, ông biết mình đã thành công.

Giữ niềm vui trong lòng, ông nói với Quý: “Có khuyên bạn thì cũng phải tế nhị, sao lại tự biến lời khuyên thành lời mỉa mai để gây nên cơ sự này”. Rồi ông quay sang nhắn nhủ với Hưng: “Một người bạn tốt không phải là người luôn ủng hộ mọi việc làm của mình mà phải là người biết khuyên răn, phản đối những quyết định sai lầm để mình có một tương lai tốt hơn”.

Xong, ông tuyên bố tạm dừng phiên xử để vào hội ý. “Lúc đó hai vị hội thẩm nhân dân đều bất ngờ vì không rõ lý do hội ý. Nhưng tôi biết qua những lời nói trên, cả bị cáo và nạn nhân đều đang dần nhìn ra nhiều điều. Vào phòng hội ý, tôi vẫn quan sát phía ngoài xem động tĩnh của cả hai, kèm theo đó, tôi cũng nhắc thư ký nói với lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa là không cần cấm bị cáo giao tiếp với người ngoài”.

Như dự đoán của ông, hai người bạn ngoái đầu nhìn nhau nhưng không nói. “Họ chưa nói gì nhưng cái nhìn đầy bẽn lẽn đó là điều mà tôi cần thấy nhất” - vị thẩm phán bật cười nhớ lại.

Phiên xử tiếp tục. Ngay sau phần tranh luận của đại diện VKS, Quý đã nói lời xin lỗi bạn, kèm theo lời chúc mừng: “Mình vui vì thấy bạn tiếp tục đi học”. Còn Hưng, mắt cũng đỏ hoe nhìn Quý: “Mình sai rồi. Mình đã hiểu sai ý bạn”. Sau đó Hưng xin tòa khoan hồng cho bạn. Quý cũng xin được giảm nhẹ để tiếp tục theo học.

Một kết thúc có hậu, được tất cả những người có mặt trong phòng xử hôm ấy đồng tình: Xét không cần cách ly bị cáo khỏi xã hội, tòa chỉ tuyên phạt bị cáo 12 tháng tù treo.

Vụ án khép lại, Quý và Hưng dắt nhau ra về. Một tuần sau cũng đúng là ngày 20-11. Vị thẩm phán nhận được từ họ một lẵng hoa kèm theo lời chúc mừng được ghi rất nắn nót: “Thầy chưa dạy cho chúng em chữ nào trên bục giảng nhưng đã dạy chúng em nhiều điều tốt đẹp trong cuộc đời thật, dạy cho chúng em hiểu thế nào là bạn tốt. Xin cảm ơn thầy”.

DƯƠNG HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm