Đừng để thủy điện trở thành nỗi ám ảnh mùa mưa lũ

Vào mùa mưa lũ, nỗi lo lắng và sợ hãi của những người dân sinh sống ở hạ lưu các đập lớn nhỏ là điều không phải bàn cãi. Đó cũng là nỗi lo lắng của cả xã hội vì  phần lớn người dân của chúng ta ai mà chả sống ở bên bờ một con sông nào đó, hoặc nằm ở hạ lưu của một hay nhiều con đập.

An toàn  đập - hồ  chứa là một mối quan tâm chắc là rất lớn của Nhà nước và dĩ nhiên là lo sợ  của rất nhiều người dân khi mùa lũ-bão về.

An toàn công trình là an toàn cho người dân

Khi thiết kế và xây dựng các công trình đập-hồ chứa,  dù là thủy lợi hay thủy điện, ngoài những chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, một trong những tiêu chí hàng đầu phải bảo đảm đó là an toàn công trình. An toàn ở đây bao gồm an toàn cho chính công trình ấy và quan trọng hơn là an toàn cho vùng hạ du, là sinh mạng và của cải của người dân.

Trên thế giới đã chứng kiến cảnh vỡ đập gây cái chết cho hàng trăm ngàn người.

Đừng để thủy điện trở thành nỗi ám ảnh mùa mưa lũ ảnh 1
Nhà máy thủy điện Hố Hô xả lũ. Ảnh: Đ.Lam

Khi thiết kế, xây dựng đập-hồ chứa, một quy trình vận hành an toàn phải được tính toán và phê duyệt. Mục đích của quy trình là để sử dụng công trình một cách hiệu quả về kinh tế nhưng mục tiêu tối thượng là bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ lưu khi nó vận hành. 

Dù là công trình hồ chứa lớn hay nhỏ, có hay không có dung tích phòng lũ hạ du đều phải đảm bảo quy định này. Có thể có những trường hợp bất khả kháng như thời tiết cực đoan, vượt ra khỏi tần suất kiểm tra đối với một cấp công trình nhất định. Trường hợp này sẽ cần đến quyết định tại chỗ chính xác và phù hợp. Song song với đó là các biện pháp cảnh báo phải được thực hiện ngay để người dân và tài sản của họ kịp di chuyển đến nơi an toàn. Không thể có một quy trình đúng mà gây hậu họa cho hạ du.

Hồ thủy điện có gây thêm lũ?

Nhiều người cho rằng hồ thủy điện làm gì tạo ra thêm nước mà gây thêm lũ cho hạ du? Điều này chỉ đúng khi người ta không xây dựng một công trình chắn ngang dòng sông, dâng cao mực nước sông bình thường lên hàng chục, hàng trăm mét.

Chỉ riêng việc dâng nước lên cao như vậy, khi lũ lớn tràn về cũng đã tạo nên một thế năng lớn cho dòng chảy, làm lưu tốc dòng chảy tăng lên đáng kể. Lưu lượng càng lớn,  đập càng cao lưu tốc càng lớn, lũ về hạ du càng nhanh và mạnh hơn.

Đừng để thủy điện trở thành nỗi ám ảnh mùa mưa lũ ảnh 2

Thủy điện Hố Hô bất ngờ xả lũ khiến người dân Hương Khê (Hà Tĩnh) không kịp trở tay. Ảnh: T.HOÀNG

Nếu hồ chứa có dung tích chỉ vài triệu m3, chưa nói đến hàng trăm triệu m3, đã được tích và tham gia vào quá trình xả lũ thì đó chính là yếu tố là tăng thêm mức độ lũ xuống hạ du. 

Không có công trình thủy điện lũ có về không? Lũ vẫn về nhưng giờ đây cùng với mối lo lũ vẫn về ấy là thêm mối lo lớn hơn là những quả bom nước treo trên đầu. Những người được hưởng lợi lớn nhất từ khai thác tài nguyên hãy thận trọng hơn vì đó không chỉ là vấn đề của cải mà là sinh mạng con người.

Thế giới đã làm gì?

Thế giới đã nói nhiều về bài toán đánh đổi của thủy điện, lợi ích từ nguồn điện và thấm thía lắm bài học về  tác động  thủy điện. 

Ủy ban Thế giới về Đập (World Commision on Dams-WCD) được thành lập 1998 đã nghiên cứu hàng ngàn con đập ở 50 quốc gia trên khắp thế giới (trong đó có Việt Nam), đã đi đến kết luận: Ở  mức độ khác nhau, đập tác động mạnh mẽ đến nguồn tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan của một dòng sông, của một hoặc nhiều vùng đầu nguồn.

Đến lượt mình các mối quan hệ này sẽ tác động đến môi trường-sinh thái của lưu vực sông và cuộc sống của con người.

Đối với hạ lưu các công trình thủy điện, tác động tích cực chủ yếu là điều hòa dòng chảy. Tuy nhiên, việc này tùy thuộc rất nhiều vào chế độ vận hành của hồ chứa.

Đừng để thủy điện trở thành nỗi ám ảnh mùa mưa lũ ảnh 3
Ảnh: Đắc Lam

Hiện nay vì lợi ích kinh tế, phần lớn các hồ chứa thủy điện đã vận hành theo chế độ phát điện. Lợi ích của các ngành dùng nước khác đã không được đáp ứng, như vậy tác động tích cực của các hồ thủy điện là rất hạn chế.

Trong khi đó, tác dụng tiêu cực lại thấy rõ rệt hơn như thay đổi chế độ dòng chảy hạ lưu. Thay đổi dòng chảy kéo theo sự thay đổi môi trường lưu vực sông, tác động tiêu cực đến các loài thủy sinh trong đó có cá là nguồn sinh kế của người dân sông trong lưu vực. Sự suy giảm các chất bồi lắng xuống hạ lưu có thể dẫn tới sự suy thoái hóa lòng dẫn, thay đổi sinh thái lòng sông, thoái hóa các vùng đồng bằng ven biển do lượng phù sa suy giảm, dẫn đến hậu quả biển lấn, sói lở bờ sông và bờ biển.

Cuối cùng, đừng để thủy điện trở thành nỗi khiếp sợ của người dân mỗi khi mùa lũ đến.

TS Đào Trọng Tứ, Chuyên gia mạng lưới sông ngòi 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm