‘Đừng đẻ thêm phí đổ lên đầu bệnh nhân’

“Ta kinh tế thị trường, đâu chỉ có tổng công ty nhập khẩu trang thiết bị y tế của nhà nước, nên phải theo Luật Đầu tư, mọi người tự do kinh doanh ngành nghề pháp luật không cấm. Kinh doanh trang thiết bị y tế là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, điều kiện gì quy định vào đây để người ta làm, chứ không phải đụng cái phải xin phép, xin giấy, nộp phí”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp sáng nay của UBTVQH về nội dung cho ý kiến dự thảo Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng nếu quy định về phí và lệ phí như trong dự thảo thì người bệnh sẽ phải nộp thêm không biết bao nhiêu về phí và các máy móc, trang thiết bị y tế nhập về Việt Nam sẽ thuộc diện đắt nhất.
“Tôi đọc (dự thảo Nghị định) giật mình vì nhiều quy định về phí, cuối cùng đổ lên đầu bệnh nhân hết, giá đáng lý một ca chụp chiếu đáng giá 100 nghìn họ sẽ sẵn sàng lấy 300 nghìn bởi vì máy đắt lên, vì đủ các loại phí. Nhà nước cũng thiệt, người bệnh cũng thiệt”, Chủ tịch Quốc hội nói.

‘Đừng đẻ thêm phí đổ lên đầu bệnh nhân’ ảnh 1
 Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng. Ảnh: Trọng Phú

Dự thảo nghị định đã đề xuất quy định các loại phí, lệ phí như: Lệ phí công bố đủ điều kiện sản xuất trang thiết bị y tế; công bố tiêu chuẩn trang thiết bị y tế thuộc loại A; công bố đủ điều kiện mua bán trang thiết bị y tế; Phí cấp mới, cấp lại, gia hạn số lưu hành; Phí thẩm định cấp mới, cấp lại giấy chứng nhận kiểm định, hiệu chuẩn. Tuy nhiên, trên thực tế các loại phí, lệ phí này lại chưa được ghi nhận trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về phí, lệ phí.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: Theo quy định của Luật đầu tư thì kinh doanh trang thiết bị y tế thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Trên cơ sở quy định của Luật đầu tư, Nghị định đã quy định việc công bố hoặc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoặc cấp phép. Theo quy định của dự thảo Nghị định thì trình tự, thủ tục để công bố hoặc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoặc cấp phép gồm rất nhiều hoạt động như thẩm định hồ sơ, cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu về quản lý trang thiết bị, in ấn phát hành các giấy tờ có liên quan... và các hoạt động này đòi hỏi phải có nguồn kinh phí.
Cho ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: “Dự thảo chưa ổn. Dự thảo nghị định này hoành tráng như luật, có 11 chương 78 điều, trong đó có khoảng 44 điều liên quan hành chính và thủ tục giấy tờ. Liệu rằng với bộ máy của Bộ, Sở hiện tại có đảm đương nổi khi nghị định này ra đời?”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm