Dự báo bão số 1 chưa sát thực tế

“Chúng tôi đang thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên rút kinh nghiệm sâu sắc, đồng thời sẽ có thông báo cụ thể sau về việc dự báo bão sai hay không”. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều 2-8, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết.

Dự báo chưa sát thực tế

Cũng trong ngày 2-8, ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu (Bộ TN&MT), nhìn nhận: “Thông tin dự báo cũng có những cái chưa sát thực tế. Chẳng hạn, cấp gió trung bình thực tế có nơi cao hơn dự báo một cấp. Riêng việc rút kinh nghiệm nếu có sai thì sai ở chỗ nào, bắt đầu từ đâu, lý do gì thì cần phải được làm rõ…”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, ông Hoàng Văn Thắng, cho biết ngày 26-7, khi họp cơ quan dự báo đưa ra kịch bản, một là 70% vào khu vực Hải Phòng-Quảng Ninh, 30% vào đồng bằng Bắc Bộ. Tuy nhiên, sáng 27-7, chuyển sang kịch bản 2 là ngược lại, khoảng 70% đi xuống phía Nam, khu vực Thái Bình-Nam Định.

“Cơn bão này hình thành trên biển Đông, thời gian rất ngắn. Cơ quan dự báo đã thông tin bão đổi hướng là kịp thời. Nhưng cấp độ giật và di chuyển chậm trên bờ là chưa thông tin được” - ông Thắng cho biết thêm.

Cột điện, cây cối gãy đổ do bão số 1 tại Hà Nội. Ảnh: TP

Thông tin để cảnh báo còn hạn chế

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cũng đã rút kinh nghiệm một số nội dung. Cụ thể việc dự báo tương đối phù hợp với diễn biến của bão số 1, nhất là về mưa. Tuy nhiên, khi đi vào sát bờ biển bão di chuyển rất chậm và có cường độ mạnh hơn, gây bất ngờ, bị động trong triển khai công tác ứng phó cho người dân và cả chính quyền. Bão đổ bộ vào ban đêm và kéo dài đến sáng 28-7 nên việc cập nhật tăng cường thông tin để cảnh báo, nhất là khi bão diễn biến phức tạp và đổ bộ vào đất liền còn hạn chế. Một số địa phương đã xây dựng phương án ứng phó với bão song một số nội dung chưa sát với yêu cầu thực tế, nhất là đối với phương án gió mạnh trong khu vực đất liền.

Trước việc dự báo có vấn đề, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lên tiếng yêu cầu Bộ TN&MT, các địa phương và các cơ quan có liên quan được yêu cầu sớm tổng kết, rút kinh nghiệm.

Bão làm bốn người chết, ba người mất tích

Bão đổ bộ vào đất liền đã gây thiệt hại về kinh tế của địa phương là hơn 3.400 tỉ đồng, khiến bốn người chết, ba người mất tích và 21 người bị thương. Ngoài ra, bão làm 88 nhà bị đổ sập hoàn toàn, 32.000 nhà bị tốc mái, 17.000 cột điện bị hư hỏng, gãy đổ và hơn 61.000 ha rau màu bị hư hại, 39.000 ha cây trồng lâu năm và cây ăn quả bị đổ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm