Dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A: Tăng nguy cơ diệt chủng thú quý hiếm

“Rừng tại hai khu vực xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A là rừng nghèo, đất xấu và không có các loài chim, thú quý hiếm nằm trong Sách đỏ” - Viện Môi trường - Tài nguyên thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, đơn vị tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho hai dự án thủy điện trên, khẳng định. Tập đoàn Đức Long Gia Lai (chủ đầu tư) cũng cho hay đơn vị tư vấn đã khảo sát thực địa và kết luận dự án không gây bất cứ tổn hại nào về đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Cát Tiên.

Đa dạng cây, chim, thú quý

Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học Miền Nam, người nhiều năm gắn bó với rừng quốc gia Cát Tiên, phản bác ngay: “Vị trí quy hoạch hai dự án là nơi sinh sống của nhiều loài thú quý hiếm. Các loài như chà vá chân đen, khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ, cu li nhỏ… vẫn có mặt tại đó”.

Nhóm khảo sát do ông Long chủ trì xác định ở khu vực quy hoạch hai dự án có 98 loài chim thuộc 25 họ, 13 bộ. Trong số đó có năm loài có tên trong Sách đỏ như gà so cổ hung, gà lôi hông tía, gà tiền mặt đỏ, hồng… Nhóm còn ghi nhận có một bầy chà vá chân đen khoảng 10 con sống tại khu vực đường vào thôn Bù Sa, xã Đồng Nai Thượng. Khu vực này cũng rất thích hợp cho vượn đen má vàng - một loài linh trưởng cực kỳ quý hiếm sinh sống.

Không riêng về các loài chim thú, đoàn khảo sát cũng xác định thảm thực vật tại khu vực trên rất đa dạng với sự hiện diện của một số loài thực vật đặc hữu hẹp đặc trưng của hệ thực vật Cát Lộc như Hùng Lan Việt, xoài Đồng Nai, lọ nồi sài gìn, trà hoa pike, hoa trà Cát Lộc…

Dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A: Tăng nguy cơ diệt chủng thú quý hiếm ảnh 1

Vị trí dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A trên bậc thang thủy điện sông Đồng Nai.

Mất sinh cảnh, chim thú tuyệt chủng

Từ thực tế trên, ông Long lo lắng: Quá trình mở đường, rồi sự ô nhiễm tiếng ồn trong lúc thi công sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh cảnh sống của các loài chim, thú, đặc biệt ba loài linh trưởng quý hiếm (chà vá chân đen, vượn đen má vàng và cu li nhỏ) do chúng rất nhạy cảm với sự thay đổi về môi trường.

“Với việc xây dựng hai dự án thủy điện 6, 6A, bầy chà vá chân đen ở trên có nguy cơ bị tiêu diệt rất cao, bởi vùng sống của chúng nằm trên đường chuyên chở máy móc, nguyên vật liệu phục vụ cho hai dự án. Đây là loài rất nhút nhát, khi thấy người chỉ ngồi im một chỗ, lấy lá che mặt, che thân. Vì vậy đã có trường hợp thợ săn thoải mái bắn chết một lúc 15 con” - ông Long dẫn chứng.

Một báo cáo khác cũng chỉ ra có ít nhất bốn bầy vượn đen má vàng sinh sống dọc sông Đồng Nai, sát khu vực dự kiến xây thủy điện Đồng Nai 6, 6A. “Đây là loài có nguy cơ tuyệt chủng ở mức nguy cấp. Chúng lại có tập tính bảo thủ về lãnh thổ rất cao, nghĩa là nếu vùng sống của bầy bị thu hẹp hay chia cắt, chúng vẫn tiếp tục ở đó bất chấp nguy hiểm, thay vì di chuyển đi nơi khác” - ông Long nói.

Ngày 11-10, ông Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, làm việc với tỉnh Đồng Nai. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thành Trí đã bày tỏ những lo ngại của tỉnh trước việc thực hiện hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục có văn bản kiến nghị Chính phủ và mong muốn Ủy ban MTTQ Việt Nam có tiếng nói phản biện đối với hai dự án này.

Ngày 10-10, làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, ông Bùi Pháp, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đức Long Gia Lai, khẳng định thời gian qua, báo chí đã đưa tin không đúng sự thật về hai dự án. Ông Pháp tuyên bố sẵn sàng cung cấp thông tin, nếu cơ quan báo chí cần thì cứ liên lạc trực tiếp với tập đoàn. Nhưng ngay ngày hôm sau (11-10), chúng tôi đã nhiều lần liên lạc với ông Bùi Pháp (bằng nhiều số điện thoại khác nhau) nhưng ông không nghe máy!

VÕ TÙNG

Dự án thủy điện Đồng Nai 6 làm ngập vĩnh viễn hơn 171 ha, trong đó diện tích rừng phòng hộ Nam Cát Tiên là 77,9 ha; bờ trái thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên là 77 ha. Dự án Đồng Nai 6A làm ngập vĩnh viễn trên 184 ha, trong đó diện tích thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên là 50,55 ha.

Sẽ ảnh hưởng đến Vườn Cát Tiên

Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường, Bộ TN&MT đã nhận được ĐTM lần 2 của hai dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A và đang trong quá trình thẩm định.

Theo tôi, nói hai dự án thủy điện này không ảnh hưởng đến Vườn quốc gia Cát Tiên là không đúng. Còn ảnh hưởng như thế nào thì phải xem phạm vi dự án, quy mô công trình tới đâu, rồi những biện pháp hạn chế do chủ đầu tư đề ra…

Cần lưu ý đây là dự án nằm trong hệ thang thủy điện. Đã có những công trình thủy điện ở bên trên và bên dưới. Thủy điện 6 và 6A chỉ tham gia điều tiết ở một đoạn sông, dòng chảy đến đập thủy điện Trị An không bị ảnh hưởng.

Ông MAI THANH DUNG, Cục trưởng Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường

HOÀNG VÂN ghi

Di dời thú quý hiếm là không tưởng

Ngày 11-10, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) cho biết đã có văn bản phản biện đối với hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.

VRN cho rằng các giải pháp bảo tồn rừng và đa dạng sinh học đề xuất trong ĐTM của hai dự án là không tưởng, thiếu cơ sở khoa học. Các tính toán thủy văn và lượng bùn cát bồi lắng lòng hồ còn gây nhiều nghi ngại. ĐTM chưa được thông tin đầy đủ về tác động văn hóa-xã hội của dự án đến từng nhóm người trong khu vực bị ảnh hưởng. Hai dự án này còn vi phạm những quy định hiện hành liên quan đến vườn quốc gia và đa dạng sinh học. Từ đó, VRN khẳng định hai dự án trên nếu được phê duyệt sẽ gây tổn thất lớn cho môi trường, để lại hậu quả lớn cho xã hội.

Trong ĐTM có nêu giải pháp bảo tồn thực vật rừng bằng cách trồng cây tại khu vực cấp đất tạm thời, còn diện tích rừng bị mất do tích nước sẽ được trồng lại ở vị trí khác. Tuy nhiên, VRN đánh giá việc trồng lại rừng như đề xuất là thiếu khả thi, chưa kể đến khả năng các loài cây trồng ngoại lai sẽ làm hỏng hệ sinh thái đặc hữu của Vườn Cát Tiên. Ngoài ra, chuyện di dời các cá thể (chim, thú, cá,…) bị nguy cấp gần như không tưởng, việc thu thập gen và cây giống cũng không hề đơn giản như báo cáo đã nêu.                    

TRÀ PHƯƠNG

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm