Dự án đầu tư công: Vì sao tiến độ chậm, lại nhanh hư?

Sáng 21-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) họp phiên thứ 31, cho ý kiến về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Trong số này, đáng chú ý là đề nghị của cơ quan soạn thảo luật (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nâng mức vốn của dự án quan trọng quốc gia từ 10.000 tỉ đồng (theo quy định hiện hành) lên 35.000 tỉ đồng, đồng thời điều chỉnh tương ứng đối với các dự án nhóm A, B, C trong dự thảo luật.

“Nâng lên 35.000 tỉ đồng là quá cao”

Trình bày ý kiến của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết tại kỳ họp QH thứ 6 vừa qua, nhiều đại biểu cho rằng việc điều chỉnh mức vốn từ 10.000 tỉ đồng lên 35.000 tỉ đồng là quá cao, dẫn tới khó kiểm soát nên đề nghị giữ nguyên như hiện hành.

Cơ quan thẩm tra cũng nhận định chỉ số giá không có biến động lớn và việc phân cấp đầu tư công cơ bản ổn định. Hơn nữa, với quy định hiện hành, mới chỉ có hai dự án quan trọng quốc gia trình QH và không có vướng mắc gì.

Nhưng để phù hợp với thực tiễn, nhiều ý kiến đề nghị điều chỉnh mức vốn dự án quan trọng quốc gia lên 15.000 tỉ đồng (tăng 50%), đồng thời điều chỉnh tương ứng tăng 50% mức vốn các dự án nhóm A, B, C.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình việc có thể nâng mức vốn với dự án quan trọng quốc gia vì các tiêu chí đã được đặt ra từ lâu. Tuy nhiên, theo bà Ngân, đề nghị nâng lên 35.000 tỉ đồng là quá cao.

“Thực tế, kể từ khi có Luật Đầu tư công tới nay chỉ mới có hai dự án xây dựng sân bay Long Thành và cao tốc Bắc-Nam có mức đầu tư trên 10.000 tỉ đồng được QH xem xét thông qua và không có vướng mắc gì” - bà Ngân nói.

Tuy nhiên, có thực tế QH ra nghị quyết giao vốn cả năm rồi mà chưa triển khai được. Dẫn chứng dự án sân bay Long Thành, QH ra nghị quyết tám tháng vẫn chưa giao được vốn, Chủ tịch QH đặt câu hỏi: “Như vậy có phải do Luật Đầu tư công, do QH hay do chúng ta tổ chức thực hiện, do trình tự, thủ tục?”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu. Ảnh: TTXVN

“Sân bay Long Thành không biết tới nay chi được chưa? Hiện giao vốn rồi, tiền có rồi, 23.000 tỉ đồng mà không chi được, trách nhiệm của ai?” - bà Ngân hỏi tiếp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga cho biết theo dõi nhiều khóa QH, bà thấy có dấu hiệu một số dự án không muốn trình ra QH vì trình tự thủ tục phức tạp, giám sát chặt chẽ… nên được chia nhỏ ra. Bà Nga sau đó đề nghị cần hết sức cân nhắc việc nâng mức vốn đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia. “Căn cứ nào để điều chỉnh từ 10.000 tỉ đồng lên 35.000 tỉ đồng?” - bà Nga băn khoăn.

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cũng nêu quan điểm việc rà lại tiêu chí dự án quan trọng quốc gia là cần thiết, tuy nhiên việc nâng mức vốn lên 35.000 tỉ đồng là quá cao.

Chất lượng đầu tư công và tư khác biệt

Một nội dung đáng chú ý khác, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu quan điểm: Các dự án đầu tư công, nhất là dự án giao thông có tình trạng xuống cấp nhanh, chậm tiến độ, nguy cơ thất thoát, tham nhũng lớn. Nhấn mạnh việc các dự án đầu tư công và đầu tư tư nhân có sự khác biệt rõ nhất là chất lượng, bà Nga đề nghị sửa luật lần này cần phải xem xét đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng này để khắc phục.

Bên cạnh đó, bà Nga cũng nêu thực tế Luật Đầu tư công mới có hiệu lực từ năm 2015, tờ trình sớm nhất của Chính phủ đề nghị sửa luật là tháng 4-2018, tức mới ba năm đã rục rịch sửa.

“Nhiều ý kiến cứ đổ lỗi hết cho Luật Đầu tư nên giờ cần rà soát xem chỗ nào bất hợp lý thì sửa. Đừng rơi vào tình trạng cái cần sửa không sửa và sửa xong lại tiếp tục có bất hợp lý nữa. Sửa cái nào ra cái nấy và đừng nói ách tắc do luật nữa” - Chủ tịch QH kết luận.

Phải truy địa chỉ trách nhiệm nếu kết luận sai

Sáng 21-2, Ủy ban Thường vụ QH đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Tại phiên họp, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cung cấp thông tin: Từ năm 2013 đến 2018 đã phát sinh 14 vụ kiện từ doanh nghiệp (DN) theo kết luận của kiểm toán. Trong đó, tòa đã xử 10 vụ, số vụ đang thụ lý là ba và một vụ đang tạm dừng do phát sinh tình tiết mới.

“Trong số này, 10 vụ DN kiện truy thu theo kết luận của kiểm toán thì cơ quan thuế thua cả 10” - ông Dũng nói và cho rằng cần phân định rõ ràng trách nhiệm và trách nhiệm thuộc về ai thì người đó phải chịu. Trường hợp Kiểm toán Nhà nước kiểm toán tại cơ quan quản lý thuế thì cơ quan quản lý thuế cũng là đối tượng có trách nhiệm, song trách nhiệm cuối cùng phải thuộc về Kiểm toán Nhà nước vì là người ra kết luận.

Ông Dũng dẫn lại vụ việc Sabeco và Unilever hiện được Chính phủ giao Bộ Tài chính và các bộ, ngành rà soát. Kiểm toán kết luận hai lần ra hai số khác nhau. Kết luận vụ Unilever, lần đầu ra hơn 882 tỉ đồng, lần hai là gần 580 tỉ đồng và DN hiện nay mới chấp nhận 300 tỉ đồng. Nếu theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, cơ quan thuế phải truy thu và DN sẽ kiện nhưng kiểm toán lại không chịu trách nhiệm gì.

“Kết luận kiểu gì mà hai lần lại chênh lệch như vậy? Ý kiến các bộ, ngành khác nhau từ năm 2017, chúng tôi chấp hành nhưng theo kết luận của kiểm toán thì cơ quan Kiểm toán Nhà nước cũng phải có trách nhiệm cuối cùng” - ông Dũng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm