Dự án cấp nước chi sai nhiều tỉ đồng

Ngày 3-4, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) cho biết đang thực hiện theo các yêu cầu của cơ quan kiểm toán về dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho huyện Cần Giờ, TP.HCM (do Sawaco làm chủ đầu tư mà đại diện là Ban Quản lý dự án Cấp nước Cần Giờ).

Công trình gồm đường ống dẫn nước sạch dài gần 42 km trực tiếp từ Nhà máy nước BOO Thủ Đức đấu nối vào hệ thống Cần Giờ (đã được đưa vào khai thác - PV). Trong đó, hai tuyến ống qua sông Soài Rạp và sông Chà dài hơn 2,6 km được đặt sâu hơn 30 m dưới đáy sông.

Phát hiện nhiều sai phạm

Vào thời điểm thực hiện (năm 2009), tuyến ống trên thuộc loại dài nhất Việt Nam. Công trình còn những điểm nhấn khác như có đến ba trạm bơm tăng áp loại lớn và lần đầu tiên sử dụng hệ thống bể chứa đặt nổi lắp ghép bằng thép thủy tinh đặc biệt. Tổng mức đầu tư của dự án gần 822 tỉ đồng từ ngân sách TP. Năm 2012, dự án hoàn thành đúng tiến độ, giúp chấm dứt cảnh người dân phải mua nước sạch với giá cao trong nhiều năm liền, đồng thời giúp tiết kiệm ngân sách do giảm trợ giá hằng năm.

Thi công tuyến ống qua sông Soài Rạp trong dự án cấp nước cho huyện Cần Giờ. Ảnh: CTV

Tuy nhiên, những ý nghĩa quan trọng trên sẽ trọn vẹn hơn nếu như không có các sai phạm vừa được cơ quan kiểm toán nhà nước chỉ rõ. Theo nhận định của Kiểm toán Nhà nước khu vực IV, dự án đầu tư được đơn vị có chức năng lập, được thẩm định và phê duyệt đúng trình tự song tổng mức đầu tư lại sai sót. Đơn cử, chỉ riêng phần áp sai cấp đất (dẫn đến quyết định đào đất, đóng cọc…), xác định chi phí nhân công làm đêm không đúng đã đẩy tổng mức đầu tư (TMĐT) dự án tăng không hợp lý gần 34 tỉ đồng. Ngoài ra, giá của nhiều loại vật tư trong gói thầu cung cấp hàng hóa trọn gói có sự chênh lệch lớn so với giá trúng thầu (như một số bơm ly tâm có giá dự thầu chỉ trên dưới 500 triệu nhưng giá khái toán lại lên tới hơn 800 triệu đồng/cái…).

Hô “biến” cây bụi thành gỗ to

Cũng theo báo cáo kiểm toán, chất lượng tư vấn và việc thẩm định, phê duyệt dự án chưa tốt, qua đó không phát hiện, xử lý kịp thời các sai sót của tổng mức đầu tư. Nguyên nhân có thể là việc áp dụng hình thức tổng thầu EPC (thiết kế, cung ứng thiết bị, công nghệ và xây lắp) và đơn vị tham gia vừa là liên danh trong tư vấn lập dự án lại là liên danh của nhà thầu, trong khi năng lực quản lý của chủ đầu tư chưa đạt yêu cầu. Trong khi thực hiện, một số hạng mục được tách ra thành gói thầu riêng với cách tính nhập nhằng, tính trùng nhiều chi phí làm tăng giá bất hợp lý gần 39 tỉ đồng. Ngoài ra, dự án đi qua khu vực có dừa nước, bần, đước và cây bụi nhưng chúng bị… biến thành những cây gỗ to (đường kính trên 60 cm) với đơn giá cao gấp năm lần mức phê duyệt của TP và gấp 23 lần giá khái toán.

Cơ quan kiểm toán còn phát hiện chủ đầu tư đã quyết toán sai khối lượng thực tế hoàn công ở nhiều gói thầu. Từ đó, yêu cầu Sawaco thu hồi nộp lại ngân sách hơn 4,7 tỉ đồng và giảm thanh toán gần 500 triệu đồng.

Yêu cầu Sở GTVT, Sawaco rút kinh nghiệm

Từ kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước khu vực IV, UBND TP.HCM đã yêu cầu giám đốc Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Sawaco rút kinh nghiệm trong việc lập, trình thẩm định và phê duyệt tổng mức đầu tư, xây dựng các gói thầu xây lắp, việc quyết toán chưa chính xác theo khối lượng thực tế và chưa thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định. Ngoài ra, Sawaco phải thực hiện theo các kiến nghị của kiểm toán như việc thu hồi nộp ngân sách, giảm thanh toán, có biện pháp chấn chỉnh các sai sót, nâng cao chất lượng quản lý dự án…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm