ĐTM “múa” theo chủ đầu tư

ĐTM “múa” theo chủ đầu tư ảnh 1
GS-TSKH Lê Huy Bá (ảnh), Trưởng khoa Môi trường Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TP.HCM), đánh giá: “Hầu hết các bản báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hiện nay đều được cắt - dán và chạy chọt để thông qua. Điều đó làm mất đi tính khoa học nghiêm túc của ĐTM”.

Tư vấn theo ý chủ đầu tư

. Ông có thể khái quát vai trò của ĐTM? Thực tế việc lập ĐTM hiện nay ra sao?

+ ĐTM là một khoa học của ngành môi trường, có nhiệm vụ đánh giá các dự án sắp thực hiện sẽ tác động tích cực, tiêu cực gì tới môi trường (tự nhiên, xã hội…) và tài nguyên (thiên nhiên, nhân tạo…). ĐTM là một căn cứ quan trọng để nhà lãnh đạo cân nhắc lợi - hại mà ra quyết định có nên thực hiện dự án hay không. Nếu làm sẽ có biện pháp gì để hạn chế những tác động tiêu cực.

Tuy có vai trò quan trọng như vậy nhưng trên thực tế, hầu hết việc lập, thẩm định và phê duyệt ĐTM chẳng khác gì trò lừa bịp để ăn tiền. Hiện xuất hiện nhan nhản các đơn vị tư vấn lập ĐTM, họ tìm đủ cách cạnh tranh và hạ thấp giá để được làm ĐTM.

Cái gốc của vấn đề là chủ đầu tư các dự án chính là người thuê và trả tiền cho việc lập ĐTM. Các đơn vị tư vấn một khi đã nhận tiền thì khó lòng nói “dự án không thể thực hiện được”. Thế là họ phải tìm cách để ĐTM được suôn sẻ, thuận theo chủ đầu tư nhằm đảm bảo dự án được triển khai.

ĐTM “múa” theo chủ đầu tư ảnh 2

ĐTM của thủy điện Sông Tranh 2 khẳng định công trình không gây động đất kích thích. Nhưng thực tế đã chứng minh ngược lại. Ảnh: T.PHƯƠNG

. Đánh giá của ông về chất lượng các ĐTM hiện nay?

+ Nhiều ĐTM được lập bởi những đơn vị không có chuyên môn, theo kiểu cắt bên này rồi dán bên kia. Chính vì vậy, có hàng loạt điểm “bất ngờ” đã xuất hiện trong các bản ĐTM của thủy điện Sông Tranh 2, của dự án thủy điện 6 và 6A…

Nếu tôi không nói quá, hiện gần như tất cả các ĐTM đều có sai lầm và không dám ngược ý chủ đầu tư. Vì tiền, nhiều đơn vị và người lập ĐTM đã tự hạ thấp vai trò làm khoa học. Họ tự biến mình thành người làm dịch vụ thu tiền, từ đó cho ra những ĐTM biến tướng.

Nhà khoa học bị điều khiển

. Nhưng còn vai trò “gác cửa” của hội đồng thẩm định ĐTM thì sao?

+ Việc lựa chọn thành phần hội đồng thẩm định ĐTM hiện còn tùy ý cơ quan có thẩm quyền. Những nhà khoa học hay nói thẳng, nói thật thường bị gạt ra ngoài vì lo ngại “không điều khiển được”. Thế nên, rà đi rà lại trong các hội đồng thẩm định ĐTM, rất hiếm nhà khoa học nào có tên tuổi.

Bản thân nhiều nhà khoa học ngồi trong hội đồng thẩm định cũng không dám nói hết ý của mình. Ai cũng hiểu, họ được chọn vào hội đồng là để ủng hộ chứ không phải phản bác. Nói thẳng quá thì lần sau sẽ không được mời nữa! Trước lúc thẩm định nhiều người còn được rỉ tai: “Cái này nên cho qua”. Tôi cảm thấy rất xấu hổ khi các nhà khoa học bị điều khiển.

Phải khách quan khi thẩm định ĐTM

. Hệ quả của những bản ĐTM bị méo mó là gì, thưa ông?

+ Khi đã mất đi tính khoa học, ĐTM sẽ trở thành công cụ để “đánh” lại khoa học tự nhiên, khoa học xã hội… Các dự án lập ĐTM cẩu thả khi triển khai có thể gây nhiều hệ lụy khó lường, mà thủy điện Sông Tranh 2 là một dẫn chứng.

Tương tự, ĐTM của thủy điện 6 và 6A trên sông Đồng Nai đang được xem xét cũng không làm rõ có khả năng gây động đất hay không, dù nằm trên dãy đứt gãy. Rồi việc đất xếp lớp như thế nào để đánh giá khả năng trượt cũng không thấy nói tới. Ngoài ra, khi hai thủy điện nằm cạnh nhau trên một dòng sông, nếu xảy ra sự cố vỡ đập thì gây hậu quả nghiêm trọng gì đến Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương… cũng chưa được đề cập.

. Thưa ông, để cho ra những bản ĐTM khoa học, cần những biện pháp gì?

+ Trước hết, bản thân người làm quản lý, các nhà khoa học phải thay đổi tư duy, xem đây là khoa học thật sự chứ không phải là dịch vụ làm thuê lấy tiền. Ngoài ra, điều cơ bản là không để chủ đầu tư “điều khiển” lập và lobby quá trình thẩm định, phê duyệt ĐTM.

Nếu chúng ta cứ để cho chủ đầu tư trả tiền thuê lập ĐTM thì sẽ không có ĐTM nào khách quan được. Vì vậy, Nhà nước cần lập một quỹ thuê những đơn vị tư vấn có năng lực để thực hiện ĐTM. Ngoài ra, việc thẩm định, phê duyệt ĐTM phải theo quy trình nghiêm ngặt, trong đó các chuyên gia thẩm định phải hoàn toàn độc lập, không chịu bất kỳ sự tác động nào.

. Xin cám ơn giáo sư.

Đã có kịch bản sơ tán nếu vỡ đập Sông Tranh 2

(PL)- Ngày 2-10, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam đã công khai kịch bản sơ tán dân vùng hạ lưu thủy điện Sông Tranh 2 trong trường hợp vỡ đập. Theo đó, hàng chục ngàn hộ dân tại các xã Trà Đốc, Trà Tân, Trà Sơn, Trà Giang và thị trấn Trà My sẽ được sơ tán đến một số điểm cao gần nhất trong khu vực. Công tác hậu cần, y tế và tìm kiếm cứu nạn cũng rất được chú trọng.

Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, Phó Tư lệnh Quân khu 5, chỉ đạo: “Ngay từ bây giờ, chính quyền, ngành chức năng và các đơn vị quân đội phải triển khai kịch bản cho người dân để họ biết phải làm gì khi xảy ra sự cố”.

LÊ PHI

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm