“Đột phá trong hòa giải dân tộc”

Hai tháng nay, có những thông tin và sự kiện có thể nói là mang tính đột phá nhằm giải tỏa nỗi niềm và tạo những cầu nối thực sự trong sứ mệnh bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa.

Ngày 11-3-2014, ông Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, công bố thư kêu gọi ủng hộ chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa - Trường Sa”, với những lời lẽ sâu sắc: “Máu của những người con đất Việt dù trong những hoàn cảnh lịch sử khác nhau đã đổ xuống để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam yêu dấu. Ghi nhận công ơn to lớn đó, chia sẻ nỗi đau của những người mẹ, người vợ, người con có người thân đã hy sinh bảo vệ Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988) là việc làm rất cần thiết của cả cộng đồng và xã hội”… Có thể nói, chương trình này trước hết làm cho “vong linh các anh sẽ ấm áp”. Đây là các chiến sĩ của quân đội nhân dân Việt Nam đã hy sinh để bảo vệ Trường Sa trong sự kiện Gạc Ma năm 1988 và các anh lính Việt Nam Cộng hòa đã bỏ mình để bảo vệ Hoàng Sa trong trận hải chiến năm 1974. Điều ấy đả giải tỏa được tâm lý nặng nề, vì từ trước đến nay vấn đề hy sinh bảo vệ Hoàng Sa được xem là vấn đề nhạy cảm rất ít được nói đến. Chương trình này cũng làm bao nhiêu người nức lòng, nhất là thân nhân các chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong hai sự kiện đó.

Đầu tháng 4-2014, theo tôi đã có “một biến cố lịch sử” trọng đại xảy ra khi Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn nói: “Lấy chân thành xóa hố sâu thù hận”. Ông nói rõ hơn: “Hố sâu hận thù sẽ ngăn cách mãi nếu không có những giải pháp đột phá, nếu không có những con người tiên phong dám ngồi lại với nhau, không có những cầu nối chân thành. Trong tinh thần cởi mở như vậy, ông Sơn cho biết sẽ tiến hành lễ cầu siêu ở vùng biển Trường Sa của Viêt Nam cho tất cả anh hùng liệt sĩ quân đội nhân dân Việt Nam, đến chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa đã tử trận để bảo vệ Hoàng Sa và các thuyền nhân tử nạn.

Từ trước đến nay ta thường chỉ nói đến đoàn kết mà ít nói đến hòa giải dân tộc. Đoàn kết có thể bao hàm ý nghĩa một chiều, còn hòa giải dân tộc thì rộng rãi hơn và phải có phần tích cực từ nhiều phía, đặc biệt từ phía chính quyền. Dư luận thấy rất quan tâm và hào hứng khi thấy Thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn mạnh dạn đưa ra những tư tưởng mới mẻ và thực chất như “lấy chân thành xóa hố sâu thù hận” hay “đột phá trong hòa giải dân tộc” để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Thực tình chưa ai biết “hố sâu thù hận” là gồm những mối thù nào và “hòa giải dân tộc” bao hàm những thái độ và hành động gì. Nhưng dù sao đây là những tư tưởng và thái độ cởi mở, mang tính chân thành xây dựng.

Hy vọng những giải pháp như “lấy chân thành xóa hố sâu thù hận” và “đột phá trong hòa giải dân tộc” sẽ đem lại một sinh khí mới, tạo thành những kết nối thật sự đối với những ai có tấm lòng thành trong việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa. Chắc chắn một điều rằng không ai có thể làm ngơ khi một phần đất nước bị xâm phạm!

Nhà nghiên cứu NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm