‘Đồng phục’ biển hiệu: Do quan hay do dân?

Chính quyền quận Thanh Xuân, Hà Nội đang nhận nhiều búa rìu dư luận khi xây dựng con đường kiểu mẫu với “đồng phục” biển hiệu có cùng độ cao, cùng kích cỡ, chỉ có hai màu nền xanh và đỏ.

Có lẽ câu chuyện đồng phục đã không tệ đến mức như thế nếu trên tuyến đường này có thêm một cửa hàng McDonald, một tiệm Món Huế hay bất cứ thương hiệu mạnh nào.

Không phải mạnh về tiềm lực kinh tế, mạnh là mạnh về hiểu biết cũng như thực tế về quảng cáo và làm thương hiệu.

Gần 160 biển hiệu đồng phục xuất hiện trên con đường 1,5 km Lê Trọng Tấn này. Trong đó đếm sơ qua có khoảng 20 biển hiệu hoàn toàn không có “thương hiệu”. Điều dễ hiểu vì trong số đó chỉ có vài tổ chức doanh nghiệp trong số gần 160 nhà, còn lại hơn 150 hộ kinh doanh gia đình.

Bún đậu, Điện dân dụng, Thời trang xuất khẩu, Đồ bơi, Made in vietnam, Vịt quay, Thời trang nam nữ xuất khẩu, Sửa chữa bảo dưỡng xe ga xe số, Cửa hàng tạp hóa, Rèm vải, Đại lý bánh kẹo, Kính mát - đồng hồ, Văn phòng phẩm - đồ dùng học sinh, Xoa bóp - Tẩm quất, Đồ uống - đồ ăn nhanh,... Những biển hiệu này không có lấy một cái tên riêng nào đi kèm. Biển hiệu là để viết tên và địa chỉ nhưng hóa ra các biển này là không tên.

Hằng ngày tôi vẫn thấy bên đường những biển hiệu sơ sài, bằng giấy, bằng xốp hoặc một bảng gỗ, trên đó vẽ rối lên vài ba chữ để người ta biết ở đó có bán thứ gì. Có người xác định thương hiệu rõ ràng, kiểu như “phá lấu Cô Huệ”, “bún bò chính gốc Bà Hoa” nhưng thường thì chẳng có thương hiệu gì, đều theo một kiểu như “Xôi vò nhận đặt”, “Bánh tráng trộn” hay “Gà ta cúng”, “Cà phê Wi-Fi miễn phí” hay “Nước mía ly chà bá”.

Những biển hiệu ở phố Lê Trọng Tấn trông tươm tất hơn hẳn, sạch sẽ hơn hẳn, mà đặc biệt là không vướng víu, lấn chiếm không gian của ai khác. Dựng được một cái biển như thế phải mất vài triệu bạc. Số tiền không nhỏ so với tầm một hộ kinh doanh. Tôi tin những người bán bún đậu hay đồ bơi ở phố đấy họ có lợi ích khi được nhận một cái biển hiệu “đồng phục”.

Việc áp một kiểu trình bày biển hiệu, đặc biệt là màu nền xanh, đỏ bị phê phán dữ dội vì thui chột sáng tạo.

Lẽ ra chính quyền quận Thanh Xuân nên đi hỏi ý kiến chuyên gia khi làm “đồng phục”. Khi triển khai thì nên làm cho chu đáo và chăm chút, vì làm “mẫu” mà làm không tốt thì sao thuyết phục được! Con số khoảng 160 biển hiệu là không nhiều, mà không tổ chức tư vấn kỹ lưỡng từng cửa hàng, từng chủ hộ về cách trình bày biển hiệu, ghi thông tin trên biển hiệu, đến nỗi một thương hiệu quốc gia như Vietnam Airlines mà cũng rớt mất chữ “s” khi lên biển!

Ngay cả khi sử dụng một màu nền xanh đồng phục, cửa hàng Biti’s rõ ràng vẫn có thể giữ bản sắc của thương hiệu này, từ co chữ đậm đến cách trình bày. Đương nhiên là họ có thể làm hấp dẫn hơn nếu không bị cái màu nền xanh bắt buộc. Một cửa hàng quần áo khác là fashion Nứt, chọn một kiểu chữ in nghiêng, còn fashion Thu Hương có kiểu chữ thẳng và hẹp. Cửa hàng bán chăn nệm Everon có chữ màu xanh lá cây (màu đặc trưng của thương hiệu này).

Nếu quận Thanh Xuân và nhà tài trợ làm tốt việc tư vấn (hoặc thuê tư vấn), giúp các hộ kinh doanh trình bày biển hiệu của mình tốt hơn trên kích cỡ biển chung thay vì đồng phục từ hình thức (kích cỡ, vị trí đặt, màu nền) đến nội dung (tên, cách trình bày, kiểu chữ...), có lẽ công chúng đã được xem một phố kiểu mẫu với hình hài hấp dẫn hơn, không phải vô hồn, vô nghĩa như biển hiệu phố Lê Trọng Tấn. Đương nhiên là chính quyền và nhà tài trợ cũng nhận ít “gạch đá” hơn, biết đâu còn được khen tới tấp.

Và nếu hơn 150 hộ kinh doanh trên phố kiểu mẫu đó chủ động hơn, góp ý hay phản biện nhiều hơn có lẽ họ đã không phải mặc “đồng phục” nếu họ không thích. Hoặc lẽ ra họ đã có những bộ “đồng phục” nhưng đẹp hơn, cá tính hơn, hấp dẫn hơn, thay vì bị chê bai như vừa qua.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm