Đồng Nai phải thay đổi 'cách đánh' dịch trong 10 ngày tới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 6-9, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức cuộc họp bàn giải pháp khống chế dịch bệnh trong bối cảnh số ca nhiễm vẫn tăng cao, nhiều ổ dịch lây nhiễm phức tạp trong cộng đồng.

Phải quyết liệt như tỉnh Bắc Giang

Tại buổi họp, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ, cho biết tính đến sáng 6-9, Đồng Nai ghi nhận thêm 911 ca nhiễm COVID-19 trong ngày, nâng tổng số ca từ đợt dịch thứ 4 đến nay là 29.356 ca, trong đó có 12.512 ca khỏi bệnh, 224 ca tử vong.

“Trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh tiếp tục ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới tại các khu nhà trọ, trong vùng phong tỏa ở các địa phương có dịch phức tạp như huyện Nhơn Trạch, huyện Trảng Bom và TP Biên Hòa. Ngoài ra phát hiện thêm những ca nhiễm ở một số công ty hoạt động “3 tại chỗ” trong khu công nghiệp” -  ông Vũ nói thêm.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu cần thay đổi cách 'đánh' dịch trong 10 ngày tới hiệu quả tốt hơn. Ảnh: VH

Đánh giá về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho rằng, qua những đợt họp trực tuyến của Chính phủ thì thấy lực lượng phòng chống dịch chưa thật sự toàn tâm toàn ý trong việc lấy mẫu xét nghiệm, có những chỗ chạy theo số lượng mà chưa đánh giá chất lượng.

"So với cách phòng chống dịch của tỉnh Bắc Giang tôi thấy mình có trách nhiệm trong chỉ đạo ở đây. Theo tinh thần truy vết trên diện rộng, thần tốc nhưng nếu tính về thời gian so với Bắc Giang chúng ta quyết liệt mới bằng 1/2 của họ, Chúng ta mới làm ban ngày bỏ hẳn ban đêm thì tính thần tốc mất đi hẳn. Nếu làm thần tốc, bóc ngay F0 ra ngoài cộng đồng nhanh thì sẽ đỡ số ca nhiễm" - ông Dũng nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị cần xem lại, nghiên cứu kinh nghiệm của Bắc Giang, xây dựng kế hoạch làm ban đêm. "Biết rằng lực lượng y tế đi làm lấy mẫu ba tháng nay rất vất vả rồi, mệt rồi nhưng nếu không làm cả ban đêm thì không làm thần tốc được" - ông Dũng nói và cho biết đến nay TP.HCM, Bình Dương, Long An quyết liệt tiêm, còn Đồng Nai mới được hơn 30%.

Ông Dũng cũng yêu cầu các địa phương cần xem lại nguồn lực để tiến hành làm ngày làm đêm. UBND tỉnh trình HĐND xem xét nâng mức bồi dưỡng cao hơn cho những lực lượng tuyến đầu nói chung và lực lượng làm công việc này.

Đối với công tác xét nghiệm khẳng định RT-PCR, ông Dũng yêu cầu cần xem lại vòng xét nghiệm này đã chạy hết công suất chưa, có xảy ra tình trạng nơi thì quá tải, nơi ngồi chơi hay không.

“Chiến dịch thần tốc mà tới 3 - 5 ngày mới có kết quả thì ít nhất đã có hai chu kỳ lây nhiễm. Do vậy yêu cầu công tác chuyển mẫu, điều phối mẫu phải nhanh hơn nữa, trong vòng 24 giờ là phải chuyển mẫu và có kết quả” - ông Dũng nói.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu Sở Y tế ban hành ngay văn bản cho phép người dân được tự test, tự lấy mẫu xét nghiệm. Ông cũng yêu cầu quầy thuốc được bán que test để phát hiện kịp thời các ca F0 trong cộng đồng. Khi người dân tự test, phát hiện mình dương tính và thông báo ca nhiễm, lúc này lực lượng y tế khoanh vùng dập dịch, đồng thời hướng dẫn, phát thuốc điều trị cho người dân.

Về tiêm vaccine, ông Dũng yêu cầu các đội tiêm phải đẩy nhanh tốc độ, phấn đấu tiêm bình quân mỗi ngày ít nhất 100.000 mũi. Hiện nay khoảng 70.000 - 80.000 liều/ngày là rất chậm, trong khi Đồng Nai còn 980.000 liều chưa tiêm. 

Một số huyện thị đem hết lực lượng của mình ra, làm thêm giờ, làm cả ban đêm mới đáp ứng được yêu cầu. Bởi đến thời điểm này toàn tỉnh mới có 418 đội tiêm, có khả năng phải thành lập 700 đội tiêm. Tinh thần của Bộ Y tế phải hoàn thành trước ngày 15-9.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị toàn lực lượng phải quyết liệt hơn nữa, thần tốc hơn nữa như tỉnh Bắc Giang để kiểm soát dịch. Ảnh: VH

Thay đổi chiến thuật 'đánh' dịch 10 ngày tới

Chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng hiện ông tạm thời yên tâm về việc điều trị, số bệnh nhân tử vong thấp và an ninh trật tự, công tác tuyên truyền cũng rất nỗ lực và an sinh xã hội.

Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy lo ngại về công tác xét nghiệm tầm soát F0 và công tác tiêm chủng vaccine trong 10 ngày tới.

Ban đầu đưa ra mục tiêu là đến ngày 31-8 giảm F0 nhưng không làm nổi, đến ngày 5-9 giảm F0 cũng chưa được. Mỗi ngày có vài trăm bệnh nhân xuất viện nhưng có cả 1.000 ca F0 thì sẽ dẫn tới quá tải, không thể chịu nổi.

"Người dân, lãnh đạo hỏi tôi kiểm soát mà không làm giảm được F0 thì sao trở lại bình thường nổi. Trong 10 ngày tới nếu tình trạng cứ tiếp tục như hiện nay thì các cơ sở, tầng điều trị sẽ quá tải dẫn đến tử vong tăng cao, điều này sẽ dẫn tới việc lực lượng y tế rơi vào khủng hoảng.

Mỗi ngày cứ cao mà không thấy giảm thì làm sao chúng ta tự tin để tầm soát được. Chúng ta phải thay đổi cách làm chứ không làm như trước. Tất cả mặt trận phải nỗ lực hơn nữa, làm cả ban đêm, đánh ổ nào phải dứt điểm ổ đó” - ông Lĩnh yêu cầu. 

Người đứng đầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Đồng Nai đề nghị 40/170 xã, phường thuộc vùng đỏ trong toàn tỉnh cần phải được xử lý dứt điểm, từng xã một.

Các xã còn lại không phải vùng đỏ thì dồn lực cho xã vùng đỏ, phải bàn lại cách “đánh” các vùng đỏ. Để F0 tăng lên thì không điều trị nổi nên phải chặn ngày từ đầu, đuổi theo dịch thì cách làm này không thành công. Tỉnh ta có nguồn lực, đội ngũ y bác sĩ và quyết tâm cao nhưng cách làm không đúng thì sẽ thất bại.

Về vấn đề tiêm chủng vaccine, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá hiện vẫn còn chậm và yêu cầu các đội tiêm chủng cần tăng tốc hơn nữa để phấn đấu đến 15-9, Đồng Nai cơ bản phủ được vaccine mũi 1 cho hơn 2,2 triệu dân.

Theo Bí thư tỉnh, sắp tới sẽ phải thực hiện công dân vaccine, công dân nào tiêm đủ vaccine thì ra đường, dân được tiêm càng nhiều thì xã hội nhanh trở lại trạng thái bình thường mới. Mỗi một ngày chậm tiêm vaccine, kinh tế xã hội không vận hành, địa phương thiệt hại cả ngàn tỉ đồng.

"Trong 10 ngày nữa nếu chúng ta không phủ được vaccine thì sẽ mất thời cơ. Chuẩn bị cho một xã hội được tiêm vaccine và công dân được tự do đi lại thì chúng ta phải đẩy mạnh tiêm ít nhất 100.000 mũi/ngày, trong 10 ngày tới phải hoàn thành cho được 1 triệu mũi vaccine cho dân. Nếu không làm được hai vấn đề này chúng ta sẽ mất thêm 15 ngày nữa để giãn cách xã hội, như vậy sẽ tốn kém nhiều hơn, mất đi cơ hội" - ông Lĩnh nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm