Đồng Nai: Chậm trễ, ngăn chặn hỗ trợ người lao động là có tội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đó là nhận định của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo nghị quyết 68 của Chính phủ tại cuộc họp với Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh vào chiều 25-9.

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho biết, theo đánh giá mới nhất của Sở Y tế Đồng Nai, nếu tính theo quy mô, xã phường, toàn tỉnh có 112 vùng xanh, 58 vùng đỏ, cam vàng. Nếu tính theo ấp, khu phố thì Đồng Nai có 708 vùng xanh, 115 vùng vàng, 62 vùng cam và 44 vùng đỏ.

Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: "Chúng ta không được phép ngăn chặn, không được phép chậm trễ. Nếu chậm trễ, ngăn chặn là có tội". Ảnh: VŨ HỘI. 

Đề xuất trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện vùng xanh tăng lên, các địa phương thực hiện tốt công tác xét nghiệm tầm soát diện rộng, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tỉ lệ người dân được tiêm vaccine cơ bản đáp ứng. Vì vậy, nới lỏng giản cách, mở rộng vùng xanh, từng bước phục hồi kinh tế. Xem xét quyết định thực hiện việc xác định vùng xanh theo nguyên tắc nhỏ nhất có thể.

“Tỉnh kiến nghị cập nhật kịp thời kết quả tiêm chủng trên ứng dụng sổ sức khỏe điện tử, đảm bảo việc tiêm tới đâu, nhập thông tin dữ liệu đến đó để tiến tới việc áp dụng chính sách giấy thông hành vắc xin và công dân vắc xin trên địa bàn”- bà Nguyễn Thị Hoàng nói thêm.

Về chủ trương nâng cao Trạm Y tế xã phường, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng là hết sức quan trọng vì sẽ giúp người dân điều trị những bệnh thông thường mà không cần đến bệnh viện, giúp người dân có triệu chứng dương tính COVID-19. Đề nghị UBND tỉnh báo cáo Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh về nhân lực, thiết bị cơ sở vậy chất. Ông Lĩnh yêu cầu Sở Y tế và HĐND giám sát chủ trương nâng cao Trạm Y tế xã phường. 

"Trạm Y tế xã phường là do cấp ủy chính quyền phải chịu trách nhiệm, phải lo, trạm y tế xã phường không đạt yêu cầu thì Bí thư, Chủ tịch xã phường phải chịu trách nhiệm với cấp trên, tiếp theo là Bí thư, Chủ tịch cấp huyện, thành phố. Nếu Bí thư huyện, thành phố lo không nổi thì kêu lên Bí thư, Chủ tịch tỉnh lo. Cả hệ thông cùng lo việc này một cách nhanh nhất"- ông Lĩnh nhấn mạnh.  

Về việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, toàn tỉnh có 3,2 triệu, trong đó có 1,2 triệu người là công nhân. Tuy nhiên đến nay, Đồng Nai mới hỗ trợ cho 260.000 công nhân, người lao động theo nghị quyết 68.

"Dịch giã cả xã hội ngừng trệ mà chúng ta mới giúp 260.000 người, trong khi chúng ta có 1,2 triệu công nhân lao động, chưa nói lao động tự do, lao động nông nghiệp thì con số này là quá ít" - ông Lĩnh nói.

Ông Lĩnh cho rằng còn gần 1 triệu lao động chưa được hỗ trợ là con số quá lớn và không phải ngẫu nhiên mà có rất nhiều người kêu vẫn chưa được hưởng chính sách dù đúng đối tượng. Thậm chí có người phản ánh nộp đơn từ lâu nhưng chưa được xem xét cũng như chưa được trả lời. Do đó, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị lãnh đạo các cấp suy nghĩ, tăng cường xem xét, xét duyệt đối tượng được hưởng chế độ theo quy định.

"Người ta đúng đối tượng phải được hưởng, chúng ta phải thực hiện đúng quy định Nhà nước cho người ta hưởng, không được phép ngăn chặn, không được phép chậm trễ. Nếu chậm trễ, ngăn chặn là có tội. Từng xã phường phải quán triệt tinh thần này để chúng ta xem xét một cách hết sức trách nhiệm, các đồng chí lên nhớ..." - ông Lĩnh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh cũng yêu cầu các xã, phường chuẩn bị ngay kế hoạch xây dựng ấp xanh, khu phố xanh. Vì dự kiến đến 30-9 này tỉnh sẽ xác định vùng xanh theo mức độ nhỏ hơn, có thể xuống ấp, khu phố nên cần có sự chuẩn bị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm