Đồng Nai - Bình Thuận lại phối hợp xử lý vụ cá chết trên sông Giêng

Ngày 23-7, tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, ông Phan Văn Đăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ký văn bản gởi Công an tỉnh; Sở TN&MT; UBND huyện Hàm Tân và Tánh Linh về việc phối hợp xử lý tình hình cá chết trên sông Giêng tại khu vực giáp ranh hai tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận xảy ra vào tháng 6-2021.

Cụ thể, theo báo cáo và đề nghị của Công an Bình Thuận, UBND tỉnh giao Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động phối hợp với các đơn vị thuộc Công an tỉnh Đồng Nai thực hiện các biện pháp nghiệp vụ và tăng cường trinh sát nhằm phát hiện các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường, xả nước thải.

Các đơn vị đặc biệt lưu ý về các đường ống ngầm xả nước thải (nếu có) của các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. Nếu cần thiết chủ động xin hỗ trợ các biện pháp nghiệp vụ từ Bộ Công an.

Nước xả tràn cả ra đường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trước đây

Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, UBND huyện Hàm Tân, Tánh Linh và các đơn vị liên quan chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai trong việc thanh, kiểm tra, xử lý tình hình ô nhiễm môi trường tại khu vực giáp ranh tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận đã được UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo.

Tháng 6-2021, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản gởi giám đốc Công an tỉnh; Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai và UBND huyện Xuân Lộc, yêu cầu các đơn vị này phối hợp với tỉnh Bình Thuận thanh tra toàn diện việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh có nguồn nước thải sau xử lý đổ vào sông Ui, sông Giêng tại khu vực giáp ranh tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận.

Tình trạng ô nhiễm trên Giêng đã kéo dài hơn chục năm nay nhưng đến nay cả 2 tỉnh Đồng Nai-Bình Thuận vẫn chưa kiểm soát được.

Các nhà máy, cơ sở gây ra ô nhiễm nằm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nhưng hậu quả thì người dân Bình Thuận phải gánh chịu hết năm này đến năm khác.

Từ tháng 4-2013, Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh một nhà máy cồn nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận chôn một ống mềm màu xanh khoảng nửa cây số được dẫn từ nhà máy ra và được chôn ngầm dưới con lộ đất đỏ cặp bên hông nhà máy.

Trong khi đó phía bên trái cổng nhà máy, một hệ thống xả thải khác được dẫn theo đường máng bê tông xả công khai hằng ngày đã biến một con mương nhỏ thành sông!

Nhà máy này dùng tới 6.000 m3 nước mỗi ngày, lấy từ sông Giêng.

Ảnh PV PLO chụp năm 2014, ống mềm dài hơn nửa km bên hông nhà máy Cồn Tùng Lâm

Sau khi nhà máy này đi vào hoạt động, cá trên sông Giêng chảy qua huyện Hàm Tân, Bình Thuận bỗng dưng chết trắng sông; người dân tắm bằng nước sông thì bị ngứa ngáy, ghẻ lở. Nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục ngàn người dân do đây là nguồn nước chính dẫn về Nhà máy nước thị xã La Gi (Bình Thuận).

Đầu năm 2012, Thanh tra Bộ TN&MT phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận đã kiểm tra, phát hiện một ống nhựa loại lớn chôn dưới đáy sông, được lắp xuyên qua chân đập cạnh Nhà máy cồn Tùng Lâm và đã huy động máy xúc phá dỡ đường ống.

Một góc Nhà máy Cồn Tùng Lâm

Do sản xuất ở Đồng Nai nhưng việc xả thải lại gây hậu quả ở Bình Thuận nên UBND hai tỉnh này cùng Bộ TN&MT, Cục Cảnh sát môi trường (C49) đã vào cuộc.

Theo kết luận thanh tra của Bộ TN&MT, công ty này đã có các vi phạm như không niêm yết công khai bản tóm tắt báo cáo đánh giá tác động môi trường; xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải; phân loại chất thải nguy hại chưa triệt để, kho chứa chất thải nguy hại nhỏ chưa đảm bảo an toàn; một số thời điểm nước thải có một số thông số ô nhiễm đặc trưng vượt ngưỡng cho phép 2,1-2,4 lần; có nhiều đường ống nước cấp, nước thải dẫn đi và về được đặt trên cùng một tuyến đường rất khó phân biệt, đặc biệt có một số đoạn nổi và chìm dưới mặt đất rất khó kiểm soát…

Sau khi bị xử phạt về hành vi xả trộm chất thải, công ty này đã xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải. Qua kiểm tra cho thấy công ty này có cố gắng trong khắc phục sai sót, một số chỉ số chất thải đã đạt theo quy định nhưng các chỉ số khác vẫn còn rất cao…

Trên thượng nguồn sông Giêng, nhiều đơn vị có nguồn xả thải đổ ra lưu vực sông. 

Theo kết quả quan trắc của Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai, từ năm 2014 đến 2017, nguồn nước mặt trên sông Giêng ở các vị trí quan trắc đều bị ô nhiễm với các chỉ tiêu đặc trưng liên quan đến ô nhiễm hữu cơ, ô nhiễm các chất nitrit, nitrat và vi sinh…

Các báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai cho thấy từ khi đi vào hoạt động, đến nay tất cả đơn vị trên đều từng bị xử phạt vì vi phạm nhiều quy định liên quan đến công tác bảo vệ môi trường và đều bị xử phạt tiền rất nặng.

Tuy nhiên, hơn chục năm nay, ‘điệp khúc” xả thải-ô nhiễm-cá chết-kiểm tra-xử phạt cứ lặp đi, lặp lại và Đồng Nai, Bình Thuận cứ trao đổi công văn cho nhau, lập hết đoàn kiểm tra này đến đoàn kiểm tra khác nhưng cá vẫn cứ chết và người dân vẫn kêu trời vì ô nhiễm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm