Đồng bằng sông Cửu Long không còn là miền đất trù phú

Đồng bằng sông Cửu Long không còn là miền đất trù phú ảnh 1
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị.

Ngày 26-9, tại Cà Mau, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ - chủ trì hội nghị về thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và quản lý tổng hợp tài nguyên nước vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Theo báo cáo của Bộ TN&MT, vài năm qua, vùng ĐBSCL đang bị đe dọa bởi BĐKH, tình trạng xâm thực đê biển và mặn hóa ngày càng sâu vào nội đồng, bên cạnh đó là các hoạt động khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn - nhất là hoạt động khai thác thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông - đã làm ảnh hưởng đến dòng chảy, làm chuyển nước sang lưu vực sông khác, làm trầm trọng thêm nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ở vùng ĐBSCL.
Đặc biệt cuối năm 2015 và đầu năm 2016, vùng ĐBSCL chịu đợt khô hạn và xâm nhập mặn lớn nhất từ trước tới nay, khiến cho tốc độ tăng trưởng, năng suất, diện tích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản đều giảm, ước thiệt hại trong 6 tháng đầu năm là gần 4.700 tỉ đồng.
Theo dự báo của Bộ KH&ĐT, 45% diện tích toàn vùng có thể bị nhiễm mặn nếu các đập thủy điện đầu nguồn sông Mekong tích nước, không cung cấp đủ nước để đẩy mặn ra biển. Ảnh hưởng tiêu cực của BĐKH đối với tự nhiên và sinh kế của người dân trong vùng là một trong những thách thức rất lớn đối với Chính phủ, chính quyền địa phương và trực tiếp là hơn 20 triệu dân đang sinh sống tại đây.

Hạn mặn khốc liệt mùa khô 2016 khiến kênh dẫn nước tưới tiêu ở Sóc Trăng trơ đáy, nứt nẻ.

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, trước tác động của BĐKH, hiện ĐBSCL không còn là miền đất trù phú mang lại sinh kế lâu dài, thuận lợi cho người dân như bao đời nay, do đó cần thay đổi tư duy phát triển.
“Chúng ta không thể dựa vào sự ưu đãi của thiên nhiên ban tặng mà cần dựa vào trí tuệ, tri thức và công nghệ để phát triển bền vững, biến thách thức do BĐKH để ĐBSCL phát triển lâu dài”- Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá hiện tượng cực đoan thời tiết năm 2016 rất bất thường trong vòng 100 năm qua, lũ lớn khả năng sẽ không có nhiều, lũ nhỏ sẽ gắn với hạn mặn, sẽ xuất hiện xả nước ở thượng nguồn và cực đoan thời tiết…
Phó Thủ tướng cũng cho rằng có 2 giải pháp chính đã và đang được triển khai gồm giải pháp phi công trình và công trình. Thời gian qua cũng có nhiều giải pháp được triển khai nhưng nhìn chung các giải pháp khá dàn trải, chưa nhận diện được trọng tâm, do vậy cần nhận diện rõ tình hình BĐKH, bàn bạc kỹ đi sâu vào tình hình thực tế của vùng để đưa ra các giải pháp trọng tâm phù hợp với tình hình…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm