Dọn ‘rừng’ văn bản để dân dễ tiếp cận

Trong nhiều năm qua, TP.HCM đã tích cực tổ chức công tác kiểm tra nhằm thu gọn số lượng và đảm bảo tính pháp lý của các văn bản đã ban hành. Từ chỗ có hơn 4.000 văn bản, nay cấp TP chỉ còn khoảng 800 văn bản, cấp quận, huyện chỉ còn 30 văn bản.

Minh bạch thông tin, giải tỏa bức xúc

Theo ông Nguyễn Triều Lưu, Trưởng phòng Kiểm tra văn bản Sở Tư pháp TP.HCM, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của TP ngày càng hoàn thiện, đảm bảo tính khả thi, minh bạch, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quản lý nhà nước trên địa bàn. Năm 2008, có hơn 4.000 văn bản đã được Sở Tư pháp rà soát, số hóa và đăng trên trang thông tin điện tử của TP, UBND quận, huyện để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin.

Tuy nhiên, ông Lưu cũng cho biết cũng có những văn bản được ban hành không phù hợp dẫn đến bức xúc cho người dân và gây khó khăn cho cán bộ áp dụng. Điển hình là năm 2007, UBND TP.HCM ra Quyết định 54 quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (gọi tắt là GCN) có nhiều quy định gây khó khăn cho người dân. Cụ thể là việc cấp GCN phải có các loại giấy tờ sau: “Biên bản nghiệm thu công trình xây dựng hoàn thành để đưa vào sử dụng… Biên bản nghiệm thu hoàn thành đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật…” và bàn giao cho UBND quận, huyện hoặc đơn vị liên quan. Điều đáng nói là Luật Đất đai, các nghị định của Chính phủ về cấp GCN không quy định có các loại giấy tờ này. Sau một thời gian thực hiện Quyết định 54, Sở Tư pháp tiếp nhận nhiều phản ánh, bức xúc của người dân về việc địa phương tự đặt ra thêm loại giấy tờ trên là trái quy định của trung ương.

Khi đó, tại TP còn hơn 200 dự án phân lô, dự án nhà ở cho cán bộ, công nhân viên... với gần 35.000 nền đất. Không chỉ tại các dự án phân lô hộ lẻ do người dân tự làm mà tại các dự án phân lô của doanh nghiệp... nhưng chưa làm xong hạ tầng (chưa kể một số công ty làm dự án đã giải thể hoặc khó có khả năng làm tiếp hạ tầng), rất nhiều người dân đã không được cấp GCN. Năm 2011, Sở Tư pháp TP đã kiến nghị, tham mưu cho UBND TP hủy bỏ một phần (hai loại giấy tờ biên bản sai quy định nêu trên) của Quyết định 54. Và ngày 19-5-2011, UBND TP ký Quyết định 29 chấp thuận đề xuất của Sở.

Người dân đang tìm hiểu các văn bản tại UBND xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP.HCM. Ảnh: HTD

Thống nhất hệ thống văn bản

Mới đây, TP.HCM đã có báo cáo về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật tại Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 trên địa bàn TP.HCM tại buổi tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị. Từ năm 2005 đến 2015, HĐND, UBND các cấp từ TP đến quận, huyện, phường, xã đã ban hành trên 12.000 văn bản.

Trong báo cáo của phòng Kiểm tra văn bản về việc thực hiện Nghị quyết 48 có đánh giá việc tồn tại song song hai luật cùng điều chỉnh hoạt động xây dựng và ban hành văn bản QPPL là chưa phù hợp, có thể dẫn đến sự trùng lắp, chồng chéo giữa hai luật trong hoạt động này. Đơn cử, khi ban hành văn bản QPPL thì các cơ quan ở trung ương chịu sự điều chỉnh của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2008, còn ở chính quyền địa phương thì chịu sự điều chỉnh của Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND năm 2004. Về cơ bản, hai luật này gần giống nhau nhưng cũng có một số nội dung không tương thích. Vì vậy, Sở Tư pháp TP đã đề nghị cơ quan trung ương nghiên cứu kiến nghị Quốc hội sớm ban hành Luật Ban hành văn bản QPPL (áp dụng cho cả trung ương và địa phương) để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống văn bản.

Mang pháp luật đến tận tay người dân

Với chức năng tư vấn pháp lý miễn phí cho người dân và đại diện, bào chữa cho người nghèo, các đối tượng chính sách theo quy định, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước TP.HCM (gọi tắt là trung tâm) đang là địa chỉ đáng tin cậy cho đông đảo người dân tìm đến nhờ giúp đỡ về pháp lý.

Dọn ‘rừng’ văn bản để dân dễ tiếp cận ảnh 3

Các trợ giúp viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước TP.HCM đang trợ giúp pháp lý cho người dân. Ảnh: NH

Ông Nguyễn Minh Chánh, Giám đốc trung tâm, thông tin: Hoạt động chính của trung tâm là tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng. Với phương châm chủ động tìm đến với người được trợ giúp pháp lý, bên cạnh những hoạt động chính, trung tâm còn phối hợp với Phòng Tư pháp 24 quận, huyện thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động đến tận các ấp, khu phố, tổ dân phố thuộc các quận vùng ven, các huyện ngoại thành như quận 12, Bình Tân, huyện Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh,… trung bình 3-4 buổi/tháng, nhiều buổi thực hiện vào ban đêm hoặc thứ Bảy, Chủ nhật. Đây là một trong những mô hình tuyên truyền pháp luật có hiệu quả nhằm mang đến những kiến thức pháp luật cho người dân.

Ngoài ra, trung tâm còn thực hiện trợ giúp pháp lý ở một số cơ sở như các trung tâm bảo trợ trẻ em, Trung tâm Giáo dục và Dạy nghề thiếu niên, Trung tâm Dạy nghề người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM, Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi Linh Xuân…

Ông Chánh cho biết thêm tại cuộc họp thường niên, Hội đồng liên ngành về trợ giúp pháp lý TP.HCM đã nêu ra ý tưởng đặt bàn tư vấn pháp luật tại TAND TP.HCM nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý nhanh, gọn, không tốn kém. Hiện trung tâm đang phối hợp với TAND TP.HCM để thông qua quy chế và sẽ thực hiện việc này trong thời gian tới.

Nguyễn Hiền

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm