Đón dân về: TP.HCM ​tích cực phối hợp, các nơi tính sao?

Tại hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19, chiều 16-8, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết Chính phủ và cả nước “sốt ruột” về việc người dân các tỉnh muốn rời bỏ TP.HCM về quê.

TP.HCM: Lo cho người ở lại, phối hợp tổ chức cho dân về

“Cứ 24 giờ trôi qua, TP trung bình có khoảng 240 người tử vong do dịch COVID-19, có hàng trăm người bệnh nặng phải thở ôxy, hàng ngàn ca nặng phải hồi sức và hàng trăm ngàn người đang muốn rời TP vì nhiều lý do như sức chịu đựng có hạn, cuộc sống thiếu thốn trăm bề, không biết tương lai như thế nào nên họ muốn về quê” - ông Nên trăn trở.

Các địa phương miền Trung lo ngại dịch bùng phát và không còn chỗ để cách ly nên tạm dừng đón người về. Ảnh: BÙI TOÀN

Do vậy, ông Nên đề nghị chính quyền TP, các quận, huyện, TP Thủ Đức và các cơ quan liên quan phải tổ chức, phối hợp, hỗ trợ để bà con yên tâm trở về quê, tổ chức đàng hoàng với điều kiện đã chuẩn bị trước như tiêm vaccine, có xe đưa đón, phối hợp với địa phương về quê như thế nào cho an toàn.

Đối với những người dân đã trả nhà trọ rồi, đang trên đường rời TP.HCM về quê, bí thư Thành ủy lưu ý các quận, huyện phải mời người dân ở lại TP, nếu không có chỗ ở thì phải tính đến chỗ ở tạm cho bà con.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức tại cuộc họp sáng cùng ngày cho biết với những người đang sinh sống và làm việc trên địa bàn TP thì sẽ được tạo điều kiện hỗ trợ để người dân yên tâm ở lại TP. Còn nếu các địa phương có kế hoạch cụ thể, TP.HCM sẽ tích cực phối hợp để tổ chức cho người dân được trở về quê qua các kênh chính thức một cách chu đáo.

Chủ trương ở các tỉnh, thành khác thì sao?

Tại Đà Nẵng, ông Dương Đình Liễu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng, cho biết trong tháng 7, TP đã tổ chức ba chuyến bay để đón gần 600 người về. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh của TP diễn biến phức tạp, các chuỗi lây nhiễm lây lan nhanh, nhiều ca phát hiện mới trong cộng đồng. Hiện tại, toàn TP đang phải phong tỏa cứng “ai ở đâu thì ở đó” nên tạm ngừng việc đón bà con đồng hương từ TP.HCM về.

TP Đà Nẵng đã chi 500 triệu đồng để giúp cho bà con Đà Nẵng khó khăn ở TP.HCM.

Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị sau khi tổ chức hai lượt đón những người dân thuộc diện yếu thế về quê, hiện vẫn chưa có kế hoạch cụ thể về việc tiếp tục đón công dân đang sinh sống, học tập tại TP.HCM và các tỉnh có dịch về quê.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho hay vừa qua tỉnh đón lượng lớn công dân về tỉnh, có nhiều trường hợp F0, đó là một áp lực rất lớn đối với tỉnh.

“Tỉnh sẽ có giải pháp hỗ trợ người dân làm việc, sinh sống tại TP.HCM và các vùng có dịch. Khi tình hình ổn định, tỉnh sẽ xem xét tiếp tục đón công dân về” - ông Bình nói.

Tại Quảng Trị, UBND tỉnh này cũng đang tiến hành hỗ trợ cho người dân địa phương đi làm ăn, sinh sống ở các tỉnh phía Nam do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Mỗi người sẽ được nhận 1 triệu đồng bằng hình thức chuyển khoản hoặc qua hội đồng hương.

Tại Quảng Nam, ông Trần Ngọc Đính, Phó Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM, cho biết hội đồng hương đã đứng ra kết nối, đưa hơn 5.000 người có hoàn cảnh khó khăn về quê tránh dịch.  

Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, cho biết: “Tỉnh sẽ tạm dừng đón bà con về quê chứ không ngừng hẳn. Rất mong bà con chia sẻ khó khăn với tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn này”.

Theo ông Cường, hiện nay Quảng Nam xuất hiện nhiều ổ dịch mới, tỉnh đang tập trung dập dịch, điều trị cho hơn 130 người nhiễm COVID-19, đồng thời phải trả trường cho học sinh chuẩn bị bước vào năm học mới. Tới đây, những nơi có thể trưng dụng làm khu cách ly sẽ được tỉnh sẽ sắp xếp, làm việc với nơi bà con ở để đón về quê.

Tổ chức đưa đón người dân cần thiết về quê an toàn, chu đáo

Liên quan đến việc người dân về quê, Công điện 1081 của Thủ tướng về phòng chống dịch COVID-19 ban hành hôm 16-8 yêu cầu các tỉnh, TP trực thuộc trung ương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 không để người dân tự ý rời tỉnh, TP nơi đang thực hiện giãn cách về quê.

Trường hợp cá biệt có người tự ý về quê, đã qua địa bàn tỉnh khác thì các tỉnh phải thống nhất việc tiếp nhận, quản lý đảm bảo an toàn. Nếu chưa đưa đón về quê được thì giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo tiếp nhận đưa vào các cơ sở cách ly do quân đội quản lý.

Thống nhất với các địa phương liên quan tổ chức đưa đón người dân cần thiết phải về quê thật an toàn, chu đáo. Đặc biệt lưu ý ưu tiên đưa đón phụ nữ mang thai gần kỳ sinh nở, phụ nữ nuôi con nhỏ. 

GÓC NHÌN

PGS-TS NGUYỄN ĐỨC LỘC,Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội:

Giải 2 “bài toán” để các tỉnh đón bà con về từ TP.HCM

Nếu quyết tâm đưa người dân ở TP.HCM về quê, các tỉnh cần giải quyết hai vấn đề cốt lõi nhất, là khâu tổ chức đưa - đón, cách ly an toàn và truyền thông để người được đưa về lẫn người dân địa phương đều cảm thấy an tâm, chia sẻ, ấm áp.

Thứ nhất, khi ước tính có hàng trăm ngàn đến hàng triệu người muốn rời TP thì cần có lộ trình phù hợp. Việc tổ chức bài bản nhằm mục đích tối thượng là an toàn cho mọi người, vừa cho người trở về vừa cho người ở quê nhà. Chúng ta hoàn toàn lấy lại kinh nghiệm đón công dân đi lao động, học tập ở nước ngoài về trong các đợt dịch trước. Tôi nghĩ cần ưu tiên cho phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ; trẻ vị thành niên; nhóm người già, bệnh tật cần người chăm sóc; sau đó đến các nhóm còn lại.

Người dân trước khi về quê được kiểm tra âm tính, thậm chí nếu được thì cần tiêm vaccine cho họ, nhất là người có nguy cơ. Khi về đến quê hương cần được cách ly tập trung bảy ngày và sau đó để họ về tự cách ly tại nhà. Trường hợp nào nhà có phòng riêng và đảm bảo an toàn thì nên cho họ tự cách ly ở nhà với các cam kết, trong đó có vấn đề chế tài nghiêm những ai không tuân thủ quy định phòng dịch, làm lây lan dịch bệnh.

Một số địa phương lo sẽ thiếu hạ tầng, cơ sở cách ly thì tôi cho rằng nên tính toán các khu dã chiến. Ở đó có các đội phản ứng nhanh để xử trí kịp thời các trường hợp ngoài dự tính (như phát hiện dương tính). Năng lực được bao nhiêu thì tổ chức cho bấy nhiêu người về, rồi mở rộng dần dần. Người người thay phiên nhau về, cách ly rồi lần lượt được đoàn tụ gia đình. Làm có lớp có lang thì không lo quá tải hoặc lây lan dịch bệnh.

Thứ hai, để tránh trường hợp người chưa được ưu tiên về quê phản ứng, phá rào, chúng ta cần “truyền thông đi trước”, tức giải thích, trấn an cho người dân để họ hiểu quê hương luôn chào đón họ nhưng vì an toàn chung nên ai yếu thế được về trước, còn ai ở lại về sau thì sẽ được hỗ trợ tiền trọ, tiền ăn, tiền điện nước…

Mặt khác, cần truyền thông nâng cao nhận thức người dân địa phương (ví dụ hàng xóm láng giềng) để họ hiểu việc đón công dân về là rất an toàn, rất nhân văn, từ đó không phát sinh tâm lý lo lắng theo kiểu “người về từ vùng dịch”. Đó cũng là niềm an ủi, động viên những người con xa quê trở về, đồng thời không làm ảnh hưởng đời sống, chuyện làm ăn của gia đình, người thân ở quê. Khi có sự cảm thông, thấu hiểu thì chính người dân địa phương sẽ góp công, góp của để cùng chính quyền đón người dân của họ hồi hương.

Về lâu dài, tôi nghĩ mỗi người dân nên có một mã số an sinh xã hội (có thể tích hợp căn cước công dân). Dù họ đi đến đâu hay làm việc gì thì họ cũng dễ dàng được phân nhóm và nhận sự hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước. Trong đó, việc đưa đón họ về từ vùng dịch cũng dễ dàng hơn ở khâu tổ chức và quản lý. ĐẠI THẮNG ghi

 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.