Dời nhà máy thép: Quảng Nam trấn an dân

“Do nhu cầu phát triển đô thị của thị xã Điện Bàn và từ phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm, tỉnh Quảng Nam có chủ trương cho phép nghiên cứu di dời Nhà máy thép Việt Pháp từ khu công nghiệp (KCN) Thương Tín 1, thị xã Điện Bàn lên thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang”. bà Lê Thị Tuyết Hạnh, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, nói tại buổi họp báo ngày 13-10.

Video bà Võ Thị Ngọc, Chủ tịch HĐQT công ty thép Việt Pháp giải trình về dự án thép Việt Pháp.

Không dùng than cốc để luyện thép

Ông Đinh Phú Tân, đại diện Nhà máy thép Việt Pháp, cho biết nhà máy thép dự kiến đặt cách thượng nguồn sông Vu Gia 5 km. Nhà máy có công suất 100.000 tấn phôi thép/năm và 80.000 tấn thép thành phẩm/năm. Nhà máy đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) gửi Sở TN&MT thẩm định.

Theo bà Hạnh, ngày 28-9 Sở TN&MT đã mời một số chuyên gia giàu kinh nghiệm tham gia thẩm định ĐTM di dời nhà máy lên huyện Nam Giang. Hầu hết chuyên gia đều đồng ý với ĐTM này nhưng yêu cầu chủ đầu tư cần chỉnh sửa, bổ sung một số chi tiết.

Ông Tân cho biết thêm nguyên liệu của nhà máy chủ yếu là sắt thép phế liệu đã qua sử dụng của Nhật Bản, Mỹ được nhập về theo tiêu chuẩn nhập khẩu của Việt Nam, được xử lý bằng phương pháp cắt gọt để đưa vào lò nấu thép cảm ứng điện. Quy trình này tiêu hao điện năng thấp, lượng xỉ nhỏ, ít gây tiếng ồn.

Trước lo ngại nhà máy thép sẽ gây ô nhiễm môi trường, TS Huỳnh Ngọc Thạnh, thành viên hội đồng thẩm định ĐTM của Nhà máy thép Việt Pháp, cho hay vấn đề đáng quan tâm nhất khi nhà máy hoạt động là bụi và phế thải. Tuy nhiên, Nhà máy thép Việt Pháp không dùng than cốc để luyện thép như Formosa mà dùng điện với công nghệ lò nấu nên không phát thải nước thải.

“Ở nhiều nơi khác, dùng công nghệ lò nấu điện sẽ đảm bảo có thể sản xuất lâu dài. Riêng dự án thép Việt Pháp tại thị xã Điện Bàn vừa qua bị người dân phản đối tức là có ảnh hưởng đến môi trường nhưng ảnh hưởng thế nào thì cần phải xem xét thêm” - TS Thạnh phân tích.

Bà Võ Thị Ngọc, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Việt Pháp (đứng), luôn khẳng định nhà máy sản xuất đảm bảo an toàn môi trường. Ảnh: HUY TRƯỜNG

Nhiều nhà máy sẽ dời lên thôn Hoa

Các PV đặt câu hỏi, có phải di dời Nhà máy thép Việt Pháp lên Nam Giang để nhằm khai thác hai mỏ quặng tại xã La Êê và Chaval. Ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam, khẳng định đến bây giờ chưa có chủ trương cho khai thác quặng tại đây. Nhà máy này không sử dụng quặng nên thông tin đó không chính xác.

Ông Quang thừa nhận trước đây huyện Điện Bàn quy hoạch KCN Thương Tín quá gần khu dân cư. “Khi sản xuất vào ban đêm thì có ảnh hưởng đến người dân. Do đó, tỉnh xem xét phương án di dời nhà máy thép nói trên” - ông Quang nói. Thời gian tới, theo quy hoạch thì thôn Hoa sẽ hình thành cụm công nghiệp dệt, may mặc, giày da để vực dậy kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho huyện miền núi này.

 Ông A Viết Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, thiết tha xin được đưa Nhà máy thép Việt Pháp lên huyện này. “Chính quyền đã tổ chức họp dân ở khu vực liên quan. Người dân chỉ quan tâm đến vấn đề giải tỏa, bồi thường như thế nào, tái định cư có ổn định hay không” - ông Sơn cho hay.

Kết thúc cuộc họp báo, nhiều câu hỏi về vấn đề thu thuế đối với Nhà máy thép Việt Pháp và mối lo ngại sông Vu Gia sẽ bị đầu độc sau khi tại thôn Hoa hình thành cụm công nghiệp vẫn chưa được giải đáp thỏa đáng.

Chúng tôi muốn di dời lên Nam Giang để tránh xa khu dân cư. Chúng tôi sản xuất từ sắt phế liệu chứ không phải quặng với quy trình sản xuất khép kín. Lò nấu của nhà máy được sản xuất tại Trung Quốc nhưng theo tiêu chuẩn Thụy Sĩ.

VÕ THỊ NGỌC, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Việt Pháp

Nhà máy nhập trang thiết bị từ Trung Quốc, công nghệ ở mức trung bình khá. Muốn tiên tiến nữa thì phải tăng mức đầu tư.

TS HUỲNH NGỌC THẠNH,
thành viên hội đồng thẩm định ĐTM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm