Đổi mới xét tuyển đại học: “Bình cũ”, “rượu” càng cũ

Đổi mới xét tuyển đại học: “Bình cũ”, “rượu” càng cũ ảnh 1Thí sinh dự thi đại học năm 2013. (Ảnh: TTXVN)
Vẫn có điểm sàn

Theo công bố của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đối với kỳ thi ba chung do Bộ tổ chức, Bộ dự kiến sẽ có 3 đến 4 mức điểm xét tuyển (tính theo tổng điểm 3 môn thi không nhân hệ số) cho từng khối thi, trong đó có mức điểm tối thiểu xét tuyển vào đại học và mức điểm tối thiểu xét tuyển vào cao đẳng.

Trước ngày 20/5 hằng năm, nếu thấy cần thiết, các trường tự quyết định và công bố công khai một môn thi chính theo khối thi được nhân hệ số 2 đối với từng ngành của trường.

Tuy nhiên, theo tiến sỹ Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định này về bản chất không có gì thay đổi so với quy định điểm sàn mọi năm. Việc nhân hệ số với môn chính có trường cũng đã thực hiện, nhất là với các ngành thi năng khiếu.

“Điểm cơ bản tối thiểu thì vẫn là mức thấp nhất phải đạt được, đó chính là điểm sàn như quy định từ khi thực hiện thi ba chung, còn việc đưa các mức điểm khác cao hơn thì lâu nay nhiều trường vẫn thực hiện, chính là việc lấy điểm chuẩn vào trường cao hơn điểm sàn. Vi thế, tôi thấy không có gì mới mẻ,” ông Khuyến phân tích.

Đây cũng là nhận định của phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Nhã, Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Trãi (Hà Nội). Theo ông Nhã, việc Bộ phân ba, bốn mức điểm xét tuyển không có gì mới, thực chất các mức này cũng là các mức điểm trúng tuyển cao thấp hàng năm giữa các trường.

Cùng quan điểm này, giáo sư Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Đại học Dân lập Hải Phòng, cho rằng, về bản chất, quy định này của Bộ chỉ cụ thể hóa hơn cái đã có, nghĩa là bên cạnh điểm sàn còn có các mức điểm chuẩn khác cao hơn.

“Bộ đưa ra ba, bốn mức điểm, trong đó có mức điểm tối thiểu xét tuyển, các mức điểm cao hơn do các trường tự chọn. Điều này không có gì khác so với 12 năm qua là Bộ quy định điểm sàn là ngưỡng tối thiểu xét tuyển, các trường có điểm thi cao có thể lấy điểm chuẩn cao hơn,” ông Nghị nói.

Nhiều trường đại học thậm chí còn không quan tâm lắm đến dự thảo thay đổi này của Bộ.

Phó giáo sư, tiến sỹ Hoàng Minh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Quy định mới về điểm xét tuyển của Bộ hoàn toàn không ảnh hưởng tới phương án tuyển sinh của Đại học Bách khoa Hà Nội vì điểm chuẩn của trường bao giờ cũng cao hơn mức sàn này khá nhiều. Do vậy, trường cũng sẽ không cần thiết phải đưa ra việc xác định môn chính cho ngành nào.”

Phó giáo sư Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cũng từ chối nêu ý kiến về dự thảo của Bộ vì ông không nghiên cứu kỹ do không ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của trường.

Đổi mới xét tuyển đại học: “Bình cũ”, “rượu” càng cũ ảnh 2Thí sinh làm thủ tục dự thi năm 2013 tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. (Ảnh: Phạm Mai/TTXVN)
Theo phó giáo sư Lê Hữu Lập, Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, quy định xét tuyển của Bộ không hề ảnh hưởng gì đến các trường có điểm xét trúng tuyển hàng năm cao hơn sàn. Nó chỉ điều chỉnh cho các trường nhóm dưới, những trường lấy điểm trúng tuyển “chạm sàn.”

Tuy nhiên, điều các trường “chạm sàn” quan tâm nhất là cách tính điểm sàn lại không có gì mới. Theo dự thảo này, năm nay điểm sàn tối thiểu sẽ vẫn tính theo tổng điểm ba môn thi.  

Rối và thừa

Bộ Giáo dục và Đào tạo giải thích, việc công bố ba hoặc bốn mức điểm xét tuyển cơ bản đối với các trường đại học, cao đẳng nhằm đáp ứng tính đa dạng của các cơ sở giáo dục đại học, đồng thời từng bước thực hiện phân tầng cơ sở giáo dục đại học.

Tuy nhiên, lãnh đạo các trường cho rằng điều này là rối và thừa vì điểm chuẩn đầu vào hàng năm của các trường cũng chính là một dấu hiệu để phân tầng đại học . “Vì thế, việc Bộ quy định ba, bốn mức điểm không có giá trị gì khác hơn trong vấn đề phân loại trường,” phó giáo sư Nguyễn Văn Nhã nói.

Cũng bàn về vấn đề này, ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Đại học FPT cho rằng, quy định của Bộ vẫn chưa rõ ràng. Bộ đưa ba, bốn mức điểm, các mức này là điểm điều kiện để nhận hồ sơ xét tuyển hay các khung điểm để tuyển sinh? Liệu các trường đã lấy ở mức điểm cao nhưng không tuyển đủ thí sinh có được lấy xuống mức điểm thấp hơn không?

Theo đó, ông Tùng cho rằng nếu chỉ phân ba, bốn mức điểm như các ngưỡng để phân loại trường thì điều này không cần thiết vì thực tế, phân khúc điểm chuẩn của các trường hàng năm đã tự phân tầng trường nhóm trên, trường nhóm giữa và các trường nhóm dưới.

Đây cũng là chia sẻ của phó giáo sư Lê Hữu Lập. Theo ông Lập, việc đưa ra nhiều mức điểm cơ bản không giải quyết vấn đề phân tầng các trường. Nếu đây là các mức để nhận hồ sơ xét tuyển thì nhiều trường phải xét tuyển với số điểm thấp do số hồ sơ ảo khá lớn và mức điểm này có thể khác với mức điểm chuẩn trúng tuyển vào trường và mức điểm trúng tuyển mới là căn cứ phân loại. Như vậy, không thể dựa vào tiêu chí điểm công bố nhận hồ sơ để phân tầng được.

Bên cạnh đó, phó giáo sư Lập cũng cho rằng, hiện nhiều trường đã tuyển sinh riêng và theo lộ trình, đến năm 2017 Bộ bỏ thi 3 chung, nên việc lấy tiêu chí điểm đầu vào để phân tầng cũng sẽ nhanh lạc hậu.

"Việc phân tầng phải dựa trên các tiêu chí kiểm định chất lượng trường đại học," ông Lập nói./.
Theo Phạm Mai (Vietnam+)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm