Doanh nghiệp than khổ, Thủ tướng xin lỗi

Với 300 câu hỏi đặt ra, nhiều vị đại diện nhóm doanh nghiệp (DN) đã nói lên những băn khoăn, lo lắng của mình về một môi trường kinh doanh đang còn nhiều khó khăn, trắc trở tại Hội nghị “Thủ tướng Chính phủ với DN năm 2014”, ngày 28-4. Đáp lại, các bộ như Tài chính, Công Thương đã giải đáp phần nào thắc mắc của DN, liên quan đến phạm vi quản lý của ngành mình. Nhưng tất cả dường như chưa đủ…

Trên tháo gỡ, dưới không làm: DN khổ

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế, nhận xét quyết tâm đổi mới, cải cách vẫn ở đâu đó trên cao mà chưa lan tỏa tới cán bộ cơ sở. “Hai năm qua, tôi biết ngành thuế, hải quan có nhiều cải tiến thủ tục hành chính nhưng dường như các chính sách, đổi mới đó mới chỉ gửi về các cục địa phương, mà không tới được DN. Ở trên, các đồng chí có quyết tâm, nhiệt huyết tháo gỡ khó khăn cho DN nhưng xuống dưới cán bộ cơ sở lại không muốn làm. Ngay trong nội bộ ngành thuế, có những quy định mà mỗi nơi lại hiểu khác nhau” - từng lâu năm giữ cương vị tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, bà Cúc bày tỏ.

Đi vào cuộc sống, sát cánh với DN, những người như bà Cúc thấy rất rõ những rào cản cải cách. Chẳng hạn, ngành thuế mấy năm qua đầu tư rất lớn vào ứng dụng công nghệ thông tin. Đã có phần mềm tốt, hệ thống tốt nhưng hạ tầng lại thiếu đồng bộ. Thành ra đến kỳ kê khai thuế, DN khai báo trực tuyến gửi sớm nhưng dữ liệu trên mạng lại bị ùn tắc, thành ra DN lại bị quy lỗi sai hạn. Đấy là chưa kể tình trạng DN bị thanh tra quá nhiều và xu hướng đoàn kiểm tra nào cũng muốn “bới lông tìm vết”, bắt lỗi để phạt tiền, truy thu... khiến DN phải phân tán, không tập trung vào cạnh tranh trên thị trường được.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các đại biểu. Ảnh: TTXVN 

Đi vào chuyện cụ thể, ông Haland Kenny, từ Diễn đàn DN Việt Nam kể lại khó khăn của chính mình khi phát triển hệ thống nhà hàng Pizza Hut: Chuỗi 30 điểm bán hàng ban đầu, thủ tục hành chính chỉ mất có hai tuần. Những tưởng mọi việc tốt đẹp, nào ngờ đến khi mở ba điểm kinh doanh tiếp theo tại Hà Nội thì bị tắc. “Chính quyền yêu cầu cung cấp rất nhiều loại giấy tờ, chúng tôi đáp ứng cả. Nhưng rồi họ lại bảo phải xin ý kiến các bộ nữa. Thế là kéo dài mất 14 tháng...” - ông Kenny phản ánh.

Dành cơ hội hiếm hoi gặp người đứng đầu Chính phủ, mà phải kể những chuyện như thế, ông Kenny nói “rất tiếc”. Nhưng cũng phải chỉ ra những ví dụ như vậy, mới thấy việc làm ăn của DN - “những cỗ máy tạo nên tăng trưởng” như lời Thủ tướng - còn bị nhiều cản trở lắm.

Thủ tướng: “Rất sốt ruột”

Chia sẻ với khó khăn của cộng đồng DN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thừa nhận bản thân ông cũng “rất sốt ruột”. “Người ta muốn nộp thuế mà làm thủ tục còn khó khăn thì tôi thực sự xin lỗi. Là người đứng đầu Chính phủ, tôi xin lỗi nhân dân” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho biết nhiều kiến nghị của DN trùng hợp với mong muốn của Chính phủ trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế và sẽ có giải pháp cụ thể. “Như ý kiến về phiền hà trong thanh tra, kiểm tra, hiện đang rà soát lại, làm sao đúng luật nhưng phải giảm phiền hà. Như báo cáo của Chính phủ tới Hội nghị Trung ương tới đây, tinh thần là không hình sự hóa quan hệ kinh tế” - Thủ tướng cho biết.

Cuộc gặp của Thủ tướng với đại diện cộng đồng DN kéo dài từ đầu giờ sáng phải kéo dài tới tận 1 giờ chiều nhưng nhiều vấn đề DN nêu ra chưa thể giải đáp được hết. Thủ tướng cam kết tất cả kiến nghị cụ thể sẽ được tổng hợp, chuyển tới các bộ trưởng trả lời. Ngoài ra, trên cơ sở kết quả hội nghị, trong những ngày tới, Thủ tướng sẽ có chỉ thị yêu cầu tất cả bộ ngành, địa phương tham gia tháo gỡ khó khăn để cộng đồng DN tiếp tục phát triển.

NGHĨA NHÂN

 

1. Đề nghị Quốc hội ban hành Luật DN nhỏ và vừa

Trong hơn 500.000 DN đăng ký thì thực tế chỉ khoảng 400.000 là hoạt động thực tế. Trong số này, chỉ 4% là DN cỡ lớn và vừa; số còn lại 95% là DN nhỏ. Nhưng nhỏ ở đây thực ra là siêu nhỏ, có tới 66% DN ở quy mô sử dụng dưới 10 lao động. Với thực tế ấy, đề nghị Quốc hội ban hành Luật DN nhỏ và vừa, đồng thời Chính phủ có các chương trình hỗ trợ cho khu vực này, để các DN nhỏ có khả năng mở rộng, phát triển lớn hơn, sức cạnh tranh cao hơn.

Chủ tịch VCCI VŨ TIẾN LỘC

2. Xem xét giãn tiến độ tăng lương tối thiểu do khó khăn

Đề nghị của giới DN, mong giãn tiến độ tăng lương tối thiểu, chúng tôi cho là thỏa đáng trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay. Vấn đề này sẽ được Hội đồng lương quốc gia lắng nghe, xem xét tham mưu cho Thủ tướng quyết định cho năm 2015-2016 tới.

Về kiến nghị tăng mức thời gian làm thêm giờ từ 200 giờ/năm hiện nay lên 300 giờ, chúng tôi hiểu là xuất phát từ hai phía, cả DN và người lao động, vì làm thêm thì có thêm thu nhập. Nhưng vấn đề này đã bị khống chế bởi Bộ luật Lao động nên muốn thay đổi thì phải báo cáo Quốc hội. Chỉ còn cách Chính phủ ra nghị định nới thời gian làm thêm cho một số ngành nghề.

Chúng tôi mong rằng DN không chỉ nghĩ cho lợi ích của mình mà cần quan tâm nhiều hơn tới người lao động. Việc đóng phí BHXH không nên lách bằng cách chỉ đóng theo mức lương tối thiểu mà phải theo lương thực tế, gồm lương, phụ cấp lương và các khoản khác. Còn như lâu nay, người lao động khi nghỉ hưu, hay hưởng chế độ bảo hiểm rất thiệt thòi.

Bộ trưởng LĐ-TB&XH PHẠM THỊ HẢI CHUYỀN

3. Việt Nam đang có 35 tỉ USD dự trữ ngoại hối

Thông điệp tôi muốn gửi tới cộng đồng DN là việc điều hành kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ sẽ ổn định cả năm nay và kể cả các năm tới. Cố gắng cả năm mặt bằng lãi suất sẽ giảm 1,5%-2%. Về tỉ giá, đầu năm dự kiến điều hành trong khoảng 2% nhưng với kết quả năm tháng qua thì từ giờ đến cuối năm chỉ dao động trong khoảng 1%.

Chúng tôi đã dự phòng vốn để khi kinh tế khởi sắc là có nguồn cung ứng mà không ảnh hưởng tới lạm phát. Hiện dự trữ ngoại hối đã lên mức cao nhất từ trước tới nay với 35 tỉ USD, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu trong nước, tạo vị thế đối ngoại vững chắc hơn của nền kinh tế nước ta với thế giới.

Thống đốc NHNN NGUYỄN VĂN BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm