Doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, ai trả nợ thay?

Chiều 3-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).

Trình bày báo cáo thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết  theo dự thảo Luật, các khoản DNNN vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh đã được tính trong phạm vi nợ công. Các khoản vay theo cơ chế tự vay, tự trả thuộc quyền tự chủ của doanh nghiệp, được điều chỉnh theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.

Trường hợp DNNN không đủ khả năng trả nợ thì thực hiện thủ tục phá sản, bảo đảm bình đẳng như các loại hình doanh nghiệp khác và tuân thủ nghiêm các quy định hiện hành về quản lý, sử dụng vốn tại doanh nghiệp. Nếu quy định nợ của DNNN thuộc phạm vi nợ công thì Nhà nước có nghĩa vụ phải trả nợ thay trong trường hợp DNNN không trả được nợ, làm gia tăng nợ công, ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia. Quy định nợ DNNN không thuộc phạm vi nợ công là phù hợp với thông lệ quốc tế.

ĐB Hứa Thị Hà (Tuyên Quang).

Tuy nhiên, ĐB Hứa Thị Hà (Tuyên Quang) băn khoăn, các khoản DNNN vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh đã được tính trong phạm vi nợ công, các khoản vay khác không tính nợ công. Thế nhưng trong trường hợp DNNN kinh doanh khó khăn, ai sẽ đứng ra trả thay? “Theo tôi, cuối cùng Nhà nước vẫn phải trả thay, vậy có xem là nợ công không?” - ĐB Hà đặt vấn đề.

Về đầu mối quản lý nợ công, nhiều ý kiến đề nghị thống nhất một đầu mối nhưng cân nhắc không nên thay đổi đầu mối đàm phán với các tổ chức quốc tế. Theo đó, hiện nay việc chủ trì đàm phán các ký kết vay nợ nước ngoài được giao cho cả ba Bộ Tài chính, KH&ĐT và Ngân hàng Nhà nước. Và trong dự thảo Luật lần này Chính phủ tiếp tục đề xuất giữ quan điểm phân công ba bộ, ngành này chủ trì ký kết các khoản vay.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội).

Cụ thể, Bộ KH&ĐT tiếp tục chủ trì vận động ODA và vay ưu đãi nước ngoài; chủ trì đàm phán, ký kết các hiệp định khung về vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài. NHNN chủ trì đàm phán, ký kết các thỏa thuận vay cụ thể với các tổ chức tài chính quốc tế. Bộ Tài chính chủ trì đàm phán, ký kết các hiệp định vay cụ thể, không bao gồm các hiệp định vay với các tổ chức tài chính quốc tế.

Tuy nhiên, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng chúng ta cần thống nhất chọn đầu mối đàm phán ký kết các hiệp định vay nợ. Bởi hiện nay việc quản lý nợ công còn phân tán, chồng chéo, không rõ trách nhiệm, không gắn kết giữa việc vay nợ với việc quản lý ngân sách nhà nước và trả nợ công. “Chính phủ cũng đã thừa nhận điều này nhưng tại sao vẫn giữ quan điểm ba bộ, ngành cùng đàm phán, ký kết vay nợ?” - bà Mai nói.

Theo bà Mai, nếu Chính phủ giữ nguyên quan điểm này không khác nào một việc mà có đến ba cơ quan làm. Trong khi đó, mỗi bộ lại có chức năng riêng, từ đó phát sinh bất cập, khó xác định trách nhiệm nợ công dẫn đến thiếu sự gắn kết trong huy động, sử dụng, giải ngân vốn không sát với dự toán được giao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm