Doanh nghiệp chây ỳ đóng bảo hiểm sẽ bị hệ thống cảnh báo

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH), cuối năm 2015 số nợ đọng các khoản bảo hiểm là 9.920 tỉ đồng (chiếm 4,88% số phải thu), đến cuối năm 2016, giảm xuống còn 7.435 tỉ đồng.

BHXH đã thực hiện nhiều buổi tập huấn để tăng cường công tác thu hồi nợ đọng. Ảnh: V.LONG

Đặc biệt, đến cuối năm 2018, với việc ngành BHXH thực hiện đồng bộ các biện pháp quyết liệt, số nợ BHXH đã giảm còn 5.715 tỉ đồng, (tương đương 1,7% số phải thu).

Theo BHXH Việt Nam đây là mức thấp nhất từ trước đến nay, nhưng tình trạng này vẫn còn ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng trăm ngàn người lao động (NLĐ).

Để tiếp tục giảm số nợ BHXH đến mức thấp nhất, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tập trung khai thác triệt để dữ liệu từ cơ quan Thuế, hướng dẫn cán bộ khai thác tốt dữ liệu để đưa ra các giải pháp quản lý tối ưu. Hằng tháng phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế rà soát kiểm tra số DN chưa tham gia BHXH trên địa bàn.

Trên cơ sở đó, cơ quan BHXH phối hợp với các ban, ngành liên quan tiến hành làm việc, lập biên bản kiểm tra,thanh tra yêu cầu DN tham gia và đóng BHXH, BHYT và BH thất nghiệp đầy đủ cho NLĐ.

Cùng với đó, BHXH các địa phương tiến hành xác định nguyên nhân nợ đối với từng đơn vị để có giải pháp phù hợp. Yêu cầu cán bộ bám sát, đôn đốc các đơn vị đóng đầy đủ. Thực hiện việc thanh tra đột xuất tất cả các đơn vị nợ BHXH, BHYT từ 3 tháng trở lên. Các đợt thanh tra phải có quyết định xử lý và gửi kết quả xử lý đến cơ quan chức năng để điều tra, khởi tố. Giao chỉ tiêu giảm nợ đến từng cán bộ chuyên quản, hàng tháng, quý đánh giá tỉ lệ giảm nợ…

BHXH xây dựng hệ thống cảnh báo doanh nghiệp nợ các khoản bảo hiểm quá ba tháng. Ảnh: V.LONG

Đặc biệt, hệ thống phần mềm dữ liệu tập trung của ngành BHXH sẽ tự động cảnh báo các đơn vị nợ BHXH, BHYT từ 3 tháng để cơ quan BHXH tiến hành thanh, kiểm tra chuyên ngành nhằm đôn đốc thu hồi nợ. Ngoài ra, cơ quan BHXH còn công khai danh sách các đơn vị nợ BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng, để tạo “sức ép” từ dư luận xã hội…

Đối với những trường hợp đơn vị cố tình trốn đóng, nợ đọng, BHXH kiến nghị cơ quan công an điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự vi phạm trong việc đóng phí với cơ quan Công an để xử lý theo trình tự quy định của pháp luật.

Theo Báo cáo số 1387 ngày 2-5-2019 của BHXH Việt Nam gửi Bộ LĐ-TB&XH, đến tháng 12-2018, cả nước có 23.784 DN phá sản, giải thể, có chủ là người nước ngoài bỏ trốn, mất tích, doanh nghiệp chờ phá sản, không còn khả năng giao dịch, với tổng số tiền hơn 2.900 tỉ đồng đồng và có 76.253 lao động ảnh hưởng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm