Dịp tết, có thể triều cao bất thường

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, TP.HCM sẽ phải đối mặt với đợt triều cường khá cao trong các ngày mùng 2, mùng 3 tết (xấp xỉ 1,55-1,6 m). Trong trường hợp có gió mùa đông bắc, đỉnh triều sẽ còn cao hơn, gây ngập nhiều nơi.

Triều cao do gió mùa đông bắc?

Điều khiến dư luận thắc mắc là thời gian gần đây, tình trạng triều dâng cao phá vỡ nhiều bờ bao, gây ngập các các vùng ven TP liên tục xảy ra nhưng các đơn vị liên quan vẫn chưa xác định được nguyên nhân.

“Đỉnh triều tại Vũng Tàu tăng không đáng kể nhưng vì sao tại TP.HCM lại liên tục tăng cao? Đây là vấn đề cần phải được làm rõ chứ không thể nói chung chung là do biến đổi khí hậu (BĐKH)” - ông Trương Văn Hiếu, Trưởng phòng Thủy văn-tài nguyên nước, Phân viện Khí tượng thủy văn và môi trường phía Nam, đặt vấn đề.

Thống kê của Trung tâm Chống ngập TP cho thấy mực nước trên sông Sài Gòn có xu hướng tăng liên tục. Cụ thể, đỉnh triều tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) từ năm 1990 đến 2007 chỉ dao động dưới 1,5 m nhưng từ 2008 đến nay thường xuyên trên báo động III (1,5 m). Từ năm 2011 đến 2013 mực nước duy trì ở mức cao 1,6 m và chạm mức kỷ lục 1,68 m vào tháng 10-2013.

Trong năm 2013, TP.HCM liên tục bị ngập sâu do triều cường. Ảnh: M.QUÝ

“Nhiều năm qua đỉnh triều tại Vũng Tàu tăng không đáng kể nhưng tại TP.HCM thì liên tục tăng rất cao. Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy triều gia tăng do các yếu tố như mưa lớn trên diện rộng, hồ thượng nguồn xả lũ lớn và đóng góp của gió mùa đông bắc mạnh. Đợt triều đạt đỉnh 1,68 m mới đây tại TP.HCM là do gió đông bắc mạnh” - ông Nguyễn Minh Giám, Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, lý giải.

Nếu do gió mùa thì tại sao ở Vũng Tàu triều không tăng cao? Ông Giám phân tích: “Gió mùa có tác động lớn khi đi từ cửa biển vào địa bàn TP.HCM. Nếu gió đi đúng hướng, đúng chiều cộng hưởng với lúc triều lên thì mực nước trên sông Nhà Bè và sông Sài Gòn tăng rất cao. Những đợt đỉnh triều tại TP tăng cao, chúng tôi đều ghi nhận gió đông bắc đi cùng một hướng”.

Chưa có cơ sở, chớ đổ tội thiên nhiên

Ông Trương Văn Hiếu cho rằng các lý giải trên thiếu thuyết phục vì chưa làm rõ được vì sao gió mùa đông bắc không ảnh hưởng đến Vũng Tàu mà chỉ tác động đến TP.HCM. “Nếu gió làm nước biển dâng cao thì đỉnh triều ở Vũng Tàu phải dâng cao trước. Song trên thực tế, nhiều năm qua đỉnh triều tại Vũng Tàu tăng không đáng kể nhưng tại TP.HCM lại tăng đột biến. Điển hình là gần đây nhất khi đỉnh triều tại TP.HCM dâng cao 1,68 m thì tại Vũng Tàu triều chỉ đạt đỉnh 1,28 m. Chúng ta phải làm rõ vấn đề này chứ không nên vội “đổ thừa” do thiên nhiên” - ông Hiếu lập luận.

Ông Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và BĐKH (ĐH Quốc gia TP.HCM), xác định rõ: Đỉnh triều tại TP.HCM tăng cao chủ yếu là do tác động của con người chứ chưa phải do BĐKH. “Nguyên nhân là do tình trạng đô thị hóa quá nhanh, xây đê bao nhiều làm diện tích chứa nước giảm đi, nước sông liên tục dâng cao” - ông Phi giải thích.

Cũng theo ông Phi, tình trạng xây đê bao chống ngập ở TP đã góp phần làm đỉnh triều trên sông Sài Gòn tăng cao từ 10 đến 20 cm so với trước đây. “Trong tương lai, khi TP thực hiện hoàn thành các dự án đê bao chống ngập theo quy hoạch thì triều trên sông Sài Gòn sẽ đạt đỉnh 1,8 m. Sau đó, triều sẽ không tăng đột biến nữa mà tăng chậm theo mực nước biển dâng” - ông Phi nhận định.

TRUNG THANH

 

Triều tăng, tiền chống ngập tăng theo

Các chuyên gia chống ngập cho rằng với tình trạng đỉnh triều tăng liên tục tại TP.HCM, những dự án chống ngập trong thời gian tới cũng sẽ tăng chi phí đầu tư do phải nâng cao trình lên.

Theo tìm hiểu của Pháp Luật TP.HCM, với lý do “BĐKH phức tạp…”, mới đây chủ đầu tư dự án đê bao cừ nhựa chống ngập tại rạch Gò Dưa (phường Tam Bình, quận Thủ Đức) đã kiến nghị điều chỉnh cao trình từ 2 m lên 2,5 m. Theo đó, chi phí đầu tư cũng tăng lên nhiều tỉ đồng…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm