Dịch vụ đòi nợ thuê: Nên giữ nhưng sửa quy định

Liên quan đến đề xuất cấm hoặc sửa các quy định về loại hình dịch vụ thu hồi nợ vì phát sinh nhiều biến tướng, gây bất ổn xã hội, nhiều chuyên gia cho là không nên cấm vì nó là xu thế tất yếu của xã hội.

PLO trích đăng một số ý kiến về việc này.

Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam: 

 Nếu cấm thì… cấm tất

Không phủ nhận dịch vụ đòi nợ thuê đang phát sinh nhiều yếu tố tiêu cực nhưng ngành nghề kinh doanh nào cũng có những mặt trái. Ví dụ như karaoke, massage, vũ trường… cũng có mại dâm trá hình, sử dụng ma túy. Cầm đồ thì có thể tiêu thụ tài sản phạm pháp, lãi suất cũng có vi phạm. Nếu nói phức tạp, tiêu cực mà cấm thì rất nhiều ngành nghề tới đây cũng phải cấm. Cái gì cuộc sống cần thì phải để nó phát triển.

Một vụ đòi nợ gây náo loạn khu dân cư ở quận 3.

Vấn đề cơ quan quản lý phải “để mắt” đến hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ, được gọi là đòi nợ thuê hay thu hồi nợ, xử lý nợ… Cần phải phát hiện, xử lý kịp thời những biến tướng, sai phạm mang tính chất côn đồ như tạt sơn, mắm tôm, đe dọa tính mạng, tài sản, uy hiếp tinh thần, xâm phạm chỗ ở hợp pháp…

Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ có thể sẽ làm cho chủ nợ cảm thấy không được bảo vệ trong khi các thiết chế khác thì chưa thật thuận lợi. Đơn cử như một vụ việc kiện ra tòa để đòi nợ có khi mất vài năm. Báo cáo của VCCI nói trung bình một vụ kiện tranh chấp hợp đồng đã lên tới hơn 400 ngày. Đấy là chưa kể án phí, phí thi hành án…

Tôi cho rằng bên cạnh việc sửa đổi các quy định theo hướng chặt chẽ hơn thì cần phải xử lý nghiêm những hành vi xâm phạm đến an toàn, tính mạng, tài sản của người dân một cách kịp thời với chế tài thật nặng. Bởi quản lý thực chất là quản lý hành vi chứ không phải cứ “không quản được thì cấm”.

Ông ĐẬU ANH TUẤN, Trưởng ban Pháp chế VCCI, phát biểu trong hội thảo năm 2018 về cải cách môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp: 

 Doanh nghiệp vẫn phải dùng “xã hội đen” đòi nợ

Tỉ lệ doanh nghiệp khởi kiện khi có tranh chấp với đối tác đang giảm dần theo từng năm và cũng là thể hiện tình trạng doanh nghiệp chưa đủ niềm tin vào hệ thống tư pháp.

Doanh nghiệp “ngại” kiện ra tòa là bởi thời gian kéo dài, chi phí cao, tình trạng “chạy án” còn diễn ra phổ biến. Trong trường hợp không khởi kiện, các doanh nghiệp buộc phải sử dụng các biện pháp giải quyết tranh chấp khác trọng tài thương mại, nhờ cán bộ nhà nước tác động, đưa ra báo chí, thậm chí là sử dụng “xã hội đen”.

Tỉ lệ doanh nghiệp sử dụng các nhóm biện pháp phi chính thức, thậm chí các băng, nhóm “xã hội đen” chỉ khoảng 3,2% và 19% sử dụng các phương thức khác không chính thức bên ngoài xã hội.

Tuy nhiên, phương thức thực thi bên ngoài xã hội này thường gây tốn kém rất lớn cho doanh nghiệp. 

Luật sư TẠ MINH TRÌNH, Đoàn Luật sư TP.HCM: 

 Cần tăng nặng mức xử phạt

Đến nay chưa có đánh giá cụ thể để so sánh về tính hiệu quả trong hoạt động thu hồi nợ theo biện pháp tố tụng tại tòa và thu hồi nợ thông qua dịch vụ đòi nợ thuê.

Một vụ tranh chấp nợ tại tòa thường kéo dài hằng năm, chưa kể là nếu con nợ am hiểu pháp luật, cố tình chây ì, trì hoãn việc trả nợ nhằm chiếm dụng vốn thì không biết đến khi nào mới xong.

Thực tế có những vụ sau khi có bản án, quyết định của tòa thì con nợ không còn khả năng trả. Muốn thu hồi nợ nhanh thì dịch vụ đòi nợ thuê là giải pháp được các chủ nợ lựa chọn.

Pháp luật hiện hành quy định tương đối rõ ràng về loại hình dịch vụ này, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới (Nghị định 104/2007, Thông tư 110/2007).

Để hạn chế những hành vi biến tướng từ dịch vụ đòi nợ thuê, cần xem lại tiêu chí người đại diện theo pháp luật, phạm vi và trình tự thực hiện dịch vụ đòi nợ thuê (cấm thị uy, đe dọa hoặc hành vi khác uy hiếp con nợ…); tăng mức chế tài với công ty và người đứng đầu nếu vi phạm…

ThS TRẦN THANH THẢOgiảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM:

Nên bỏ tư duy không quản lý được thì cấm

Ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng thực tiễn hoạt động đã phát sinh một số hạn chế nhất định như nhân viên đòi nợ giam giữ trái pháp luật khách nợ, đe dọa, uy hiếp tinh thần khách nợ… bộc lộ một số hạn chế nhưng không thể vì một số trường hợp cá biệt như trên mà đề xuất cấm ngành nghề này vì cần thiết cho xã hội. Do đó, cần xóa bỏ tư duy không quản lý được thì cấm.

Hiện quy định về dịch vụ đòi nợ cơ bản hoàn chỉnh nhưng để hoạt động này được thực hiện hiệu quả hơn, hạn chế những tiêu cực phát sinh thì nên quy định chi tiết, rõ như cấm thực hiện hoạt động đòi nợ tại nơi làm việc, nơi công cộng; không được thực hiện vào ngày nghỉ lễ hay dịp tết. Đồng thời cần quy định số lượng cuộc gọi, thời lượng… trong một ngày, nơi gặp mặt, tiếp xúc… nhằm không gây ảnh hưởng khách nợ, người thân và trật tự xã hội.

Cạnh đó, cần nâng cao năng lực quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan trực tiếp xử lý vụ việc khi có hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động dịch vụ đòi nợ xảy ra. Việc giải quyết phải trên tinh thần đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe, uy tín, danh dự, nhân phẩm cũng như bảo vệ quyền sở hữu tài sản của người dân.

ThS TỪ THANH THẢO, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM:

Cần sửa nhiều quy định

Hành lang pháp lý về dịch vụ đòi nợ tương đối đầy đủ nhưng đang phát sinh nhiều biến tướng và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp mới nhất bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.

Tuy nhiên, tôi cho rằng không nên quy định cấm kinh doanh loại hình dịch vụ này. Bởi lẽ dịch vụ đòi nợ thuê thực chất là một quan hệ chuyển giao quyền trong pháp luật dân sự. Do đó, nếu luật hóa việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ sẽ dẫn đến triệt tiêu quyền chuyển quyền yêu cầu vốn được thừa nhận rộng rãi và từ lâu đời với tư cách là một chế định của pháp luật dân sự.

Cạnh đó, các lý do đưa ra đề xuất cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ chủ yếu xuất phát từ yêu cầu quản lý nhà nước do tính chấp phức tạp của dịch vụ này đối với an ninh, trật tự xã hội... là không hợp lý. Không thể vì năng lực quản lý có hạn của chủ thể công quyền mà hạn chế quyền tự do khế ước, tự do kinh doanh của xã hội. Nếu luật hóa việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ vô hình trung đã xóa bỏ một phương thức đòi nợ đã vận hành từ lâu trong xã hội, hạn chế việc đa dạng hóa các cách thức thu hồi nợ và sự lựa chọn của các chủ nợ.     

Theo tôi, điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ còn nhiều bất cập, mới chỉ quy định chặt chẽ về điều kiện thành lập và cấp phép hoạt động mà chưa có nhiều quy định cụ thể về cách thức thực hiện dịch vụ này trên thực tế. Do vậy, cần quy định cụ thể và chặt chẽ hơn như nhân viên công ty đòi nợ phải mặc trang phục, đeo thẻ nhân viên và xuất trình giấy giới thiệu của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhằm tạo cơ sở thuận lợi cho hoạt động nhận diện, giám sát và xử lý khi các đối tượng này có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện công việc.

Cạnh đó, pháp luật cần quy định số lượng tối đa người lao động của doanh nghiệp khi tham gia đòi nợ đối với một khách nợ nhằm tránh tình trạng tụ tập đông người, đe dọa tinh thần khách nợ và gây mất an ninh trật tự. Pháp luật cần quy định nghiêm cấm doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi đòi nợ tiến hành đòi nợ đối với người thân, người có quan hệ họ hàng với khách nợ hoặc bất kỳ bên thứ ba nào ngoài khách nợ.

Về mặt quản lý, Nghị định 104/2007 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ chưa quy định về trách nhiệm Bộ Công an trong việc quản lý và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Do vậy cần quy định cụ thể hơn thẩm quyền của lực lượng công an về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đòi nợ, đồng thời quy định mức xử phạt thật sự nghiêm khắc cùng các biện pháp xử phạt bổ sung khi doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thực hiện các hành vi bị cấm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm