Dẹp chợ tự phát vì lợi ích của cộng đồng

Hiện đang có dư luận trái chiều về việc dẹp chợ tự phát trên đường số 6, khu phố 2, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức (TP.HCM). Người dân sống quanh khu vực chợ này thì hoan nghênh, ủng hộ mạnh mẽ trước sự quyết liệt dẹp chợ của chính quyền vì họ đã quá ngán ngẩm cảnh lộn xộn, kẹt xe, mất vệ sinh do chợ tự phát này gây ra. Trong khi đó, các tiểu thương buôn bán ở khu vực này lại không đồng tình về cách xử lý của chính quyền, nhất là những hộ có thuê đất dựng sạp buôn bán quanh khu vực này. Để rộng đường dư luận và làm rõ thực, hư về những thông tin liên quan đến sự vụ trên, chiều 8-4, phóng viên Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi trực tiếp với ông Trần Minh Tú, Chủ tịch UBND phường này.

“Tôi cũng nhức đầu lắm”

. Phóng viên: Là người chỉ đạo việc dẹp chợ, ông tiếp nhận những ý kiến phản đối như thế nào?

+ Ông Trần Minh Tú: Tôi cũng nhức đầu lắm! Mình làm việc nhà nước, vì lợi ích chung nhưng người ta lại nghĩ là chuyện cá nhân, như kiểu cường hào ác bá! Vì thế tinh thần của anh em mấy ngày nay cũng chùng xuống...

. Trên mạng Internet có lan truyền một đoạn clip ghi lại cảnh một người đàn ông bán rau quả góc đường nức nở vì bị tịch thu hết hàng. Ông nghĩ gì về hình ảnh này?

+ Tôi có xem đoạn clip này trên báo mạng. Nói thật thấy cũng mủi lòng lắm. Nhưng đọc những ý kiến comment (phản hồi) bên dưới, thấy nhiều người cũng không đồng tình với việc buôn bán lấn chiếm lòng lề đường. Điều đó giúp tôi vững tin hơn. Thật ra người đàn ông đó chưa bị tịch thu hàng. Ông ta dựng xe bán hàng ngay trên đường, anh em trong đoàn nhắc nhở đến ba lần nhưng vẫn không được. Anh em định tịch thu hàng thì ông ta bật khóc.

. Có thông tin cho rằng đoàn kiểm tra tịch thu hàng hóa của dân nhưng không lập biên bản?

+ Thông tin này không chính xác. Hầu hết người buôn bán trên đường đều mang theo hàng bỏ chạy, chỉ để sót lại một ít rau quả nên đoàn mới thu gom như dọn dẹp vệ sinh. Chúng tôi chỉ tịch thu thực phẩm của một tiểu thương và có lập biên bản đầy đủ. Chúng tôi còn đưa số thịt gà, thịt vịt không có giấy kiểm dịch cho lực lượng thú y đưa đi tiêu hủy vì đang trong đợt dịch cúm gia cầm. Tất cả quá trình thực hiện đều có biên bản xác nhận. Tuy nhiên, do tiểu thương không đồng tình nên họ không chịu ký vào biên bản.

 
Con đường số 6 đã được thông thoáng sau khi chính quyền quyết liệt dẹp chợ. Ảnh: TT

Đã tuyên truyền vận động trước khi dẹp

. Có bao nhiêu tiểu thương bị ảnh hưởng bởi việc dẹp chợ?

+ Có tất cả 154 tiểu thương buôn bán ở chợ tự phát này nhưng chỉ có những người buôn bán khu đất do bà Phạm Thị Ánh cho thuê phản đối việc dẹp chợ. Nguyên nhân là do bà Ánh và các tiểu thương ở đây ngộ nhận họ được buôn bán hợp pháp. Trong khi đó bà Ánh chỉ có giấy phép cho thuê mặt bằng và giấy phép xây nhà cho người lao động thuê. Đây không phải là giấy tờ về việc thành lập chợ. Theo quy hoạch của TP, khu đất của bà Ánh là đất phục vụ cho lĩnh vực giáo dục và công viên cây xanh chứ không phải là nơi được lập chợ.

. Vậy tại sao trước lúc dẹp chợ, UBND phường Hiệp Bình Chánh không giải thích cho người dân hiểu rõ?

+ Có chứ. Từ ngày 3-3 chúng tôi đã có thông báo, treo băng rôn, tuyên truyền qua loa phát thanh. Sau đó chúng tôi mời các tiểu thương lên giải thích cặn kẽ về việc dẹp chợ. Đến ngày 20 chúng tôi mới tiến hành làm. Nói chung là quá trình thực hiện được chuẩn bị đầy đủ các bước, đảm bảo không có sai sót nào về mặt pháp lý.

. Nhiều tiểu thương cho biết họ có hoàn cảnh rất khó khăn. Địa phương có phương án nào hỗ trợ cho họ không?

+ Chúng tôi đã rà soát và xác định không có tiểu thương nào là hộ nghèo của phường cả. Hầu hết họ từ các nơi khác đến. Do đó chúng tôi chỉ hướng dẫn cho họ đăng ký vào buôn bán ở chợ Bình Triệu hoặc chợ ở khu phố 5. Đây là những chợ hợp pháp.

“Họp lần nào dân cũng phản ánh, bức xúc”

. Trên địa bàn phường Hiệp Bình Chánh có rất nhiều chợ tự phát, nhiều nơi còn gây ô nhiễm, kẹt xe khủng khiếp hơn nhưng sao phường không dẹp?

+ Hiện nay toàn phường có ba chợ tự phát gây mất vệ sinh, mất mỹ quan và nhất là thường xuyên gây kẹt xe. Chúng tôi dẹp chợ ở đường số 6 trước vì nơi đây là tuyến đường gần như độc đạo, khi kẹt xe dân không biết đi đường nào. Tôi mới về nhận công tác ở phường từ tháng 8-2013 đến nay nhưng lần họp dân nào cũng nghe phản ánh bức xúc về chợ tự phát này. Do đó phường muốn dẹp chợ này trước để có kinh nghiệm dẹp các chợ còn lại. Nếu mình không dẹp được chợ tự phát thì không biết ăn nói thế nào với bà con ở những khu phố đó.

. Chợ ở đường số 6 đã hoạt động nhiều năm nay, tại sao lúc chợ mới tự phát, phường không dẹp ngay?

+ Tôi mới về công tác nên không rõ trước đây như thế nào. Nhưng công việc của chính quyền là phải thực hiện liên tục. Chợ này hoạt động rầm rộ từ năm 2012 đến nay nên phải cương quyết dẹp. Mình không làm, để càng lâu, tiểu thương buôn bán càng đông, hàng hóa càng nhiều, thiệt hại càng lớn. Lúc đó lại càng khó dẹp.

. Vậy trước những phản ứng vừa qua, chính quyền phường sẽ có những ứng xử và hành động nào tiếp theo?

+ Chúng tôi đang rà soát lại những cơ sở pháp lý để có cách làm hợp lý hơn. Theo đó, chúng tôi sẽ xử lý việc xây dựng các ki-ốt trái phép và không phép ở khu đất của bà Ánh trước rồi xử lý các hộ buôn bán trái phép sau. Đến ngày 11 tới, chúng tôi sẽ lại đồng loạt ra quân trở lại. Chúng tôi mong tiểu thương hiểu việc dẹp chợ tự phát là nhằm trả lại mỹ quan đô thị, nhất là dẹp được tình trạng kẹt xe ở khu vực này.

. Xin cảm ơn ông.

TRUNG THANH

Theo UBND phường Hiệp Bình Chánh, chợ trên đường số 6, khu phố 2 là chợ tự phát, hoạt động dọc tuyến đường này khoảng 300 m. Chợ vừa gây mất vệ sinh vừa gây kẹt xe ở khu vực này.

Pháp Luật TP.HCM sẽ tiếp tục tìm hiểu vụ việc để thông tin tiếp tục khách quan, đa chiều về vụ việc này.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.