Đèo Hải Vân sẽ có thêm hầm đường bộ, đường sắt

 Hầm đường bộ Hải Vân hiện tại đang được khai thác. Ảnh: LÊ PHI

Sáng 12-8, Bộ trưởng Đinh La Thăng cùng đoàn Bộ GTVT đã làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng về dự án mở rộng Cảng HKQT Đà Nẵng và dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Danh Huy (Vụ trưởng, Trưởng ban Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công-tư, Bộ GTVT) cho hay hiện nay đang nghiên cứu hai dự án gồm: Dự án hầm đường sắt qua đèo Hải Vân và dự án di dời ga đường sắt ra khỏi trung tâm TP Đà Nẵng. Tổng đầu tư dự án hầm đường sắt qua đèo Hải Vân với chiều dài 22km là khoảng 9.500 tỉ đồng và dự án di dời ga Đà Nẵng có tổng mức đầu tư khoảng 6.900 tỉ đồng.
Hiện nay dự án hầm đường sắt qua đèo Hải Vân được đưa vào khái toán 2016-2017 trong danh mục dự án ODA. Dự án di dời ga đường sắt ra khỏi trung tâm TP Đà Nẵng cũng đang có bốn nhà đầu tư quan tâm.
“Nhưng do quy hoạch tổng thể đầu mối đường sắt qua Đà Nẵng đang có nhiều vấn đề đặt ra nên các nhà đầu tư cũng rất lúng túng trong quá trình đề xuất dự án. Để đảm bảo tiến độ, kiến nghị giao cho Ban quản lý đường sắt triển khai ngay nghiên cứu hầm đường sắt qua Hải Vân. Nếu hai dự án được triển khai đồng thời đồng bộ thì có thể tiết kiệm được 8km với số tiền 1.600 tỉ đồng”, ông Huy nói.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn (Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) cho hay, TP đã chờ đợi dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng ra khỏi trung tâm quá lâu. “Chúng tôi rất mong các cơ quan của bộ phối hợp với TP để nhanh chóng đưa dự án này vào triển khai. Bây giờ xuất hiện tình huống là phải có hầm đường sắt qua đèo Hải Vân, chúng tôi cho rằng nếu làm đồng bộ được thì rất tốt. Tuy nhiên việc này rất khó khăn, cần rất nhiều tiền và việc xây dựng rất dài. Theo ý TP thì cần hỗ trợ di dời ga đường sắt trước”, ông Tuấn đề nghị.

Ngành đường sắt trình bày về việc dự án hầm đường sắt qua đèo Hải Vân có chiều dài 22km. Ảnh: LÊ PHI

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết nguồn lực đầu tư cho phát triển cho đường sắt là rất khó khăn. “Bộ đang giao các cơ quan liên quan coi đây là dự án trọng điểm để chỉ đạo triển khai thực hiện”, ông Thăng nói.

Theo Bộ trưởng Thăng, quan điểm của Bộ GTVT đối với phát triển đường sắt là chọn tuyến nào ngon lành, dễ và ít tiền nhất thì làm trước. Còn chỗ nào khó, tiền nhiều thì để lại. Bộ trưởng Thăng cũng yêu cầu các đơn vị làm phải nhanh, đúng quy hoạch, đúng quy định pháp luật. “Nhanh nhưng phải đúng quy định, còn nhanh mà sau này thanh kiểm tra vào là phức tạp lắm. Chúng ta không thể lấy thành tích ngày hôm nay để bù lấy cái sai được nên làm nhanh nhưng phải đúng quy định”, Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.  

Bộ trưởng Thăng cũng yêu cầu tách bạch chuyện làm hầm chui đường sắt qua đèo Hải Vân với dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng. “Thống nhất về vị trí, phương thức kết nối sau này. Nhưng phải tách ra, làm di dời ga trước không thể chờ, còn chờ làm cả hai thì không biết khi nào xong”, ông Thăng nói.

Trước đó, như đã thông tin, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả cũng đã lập dự án mở rộng đường hầm lánh nạn (dài 6,2 km) thêm 3,5 m với hai làn xe. Cùng đó, xây dựng đường dẫn phía bắc thuộc thị trấn Lăng Cô, Thừa Thiên-Huế (dài 2,1 km) và đường dẫn phía nam thuộc TP Đà Nẵng (dài 4,3 km).

Dự án thực hiện theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư hơn 6.200 tỉ đồng. 
Nếu được Bộ GTVT phê duyệt thì quý I-2016 sẽ khởi công dự án và hoàn thành vào quý I-2019. Để hoàn vốn, công ty kiến nghị tiếp tục sử dụng trạm thu phí phía nam hầm đường bộ Hải Vân ngay khi bắt đầu triển khai dự án.
Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản gửi các bộ ngành liên quan đồng ý về nguyên tắc việc đầu tư mở rộng hầm đường bộ Hải Vân với quy mô bốn làn xe và bổ sung vào dự án hầm đường bộ đèo Cả, tiếp tục giao Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả thực hiện. 
Như vậy, nếu không có gì thay đổi thì trong những năm tới tại khu vực đèo Hải Vân sẽ có thêm một hầm đường bộ với bốn làn xe chạy song song với hầm đang khai thác và một hầm đường sắt qua đèo Hải Vân. Tổng số tiền của hai dự án “đục đèo” làm hầm này khoảng 15.700 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm