Vụ học viên cai nghiện gây rối:

Đến năm 2020, sẽ giảm còn 6% người cai nghiện bắt buộc

Ông Đàm nhận định thời gian vừa qua, công tác cai nghiện bắt buộc bộc lộ nhiều bất cập như việc tư vấn tâm lý chưa tốt, cơ sở vật chất không đảm bảo... dẫn đến các vụ gây rối bỏ trốn ở Đồng Nai, Vũng Tàu và một số nơi. Người nghiện không chịu chấp hành nghiêm túc bởi chưa hiểu đó là sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm nhận định: "Không phải cứ đưa càng nhiều người nghiện vào cơ sở bắt buộc là tốt". 

Theo ông Đàm, thực tế chứng minh không có giải pháp tuyệt đối điều trị nghiện. Trước đây, khi chỉ có phương thức cai nghiện bắt buộc là đưa vào các trung tâm 06 (Trung tâm Giáo dục - Lao động - Xã hội) thì con số tái nghiện lên đến 95 hay thậm chí 100%.

“Chúng ta phải nhận thức và xác định đây là bệnh lệ thuộc vào ma túy và là bệnh mạn tính, phải hỗ trợ điều trị trường kỳ, đừng nghĩ cắt cơn cho họ xong là hết nghiện. Cai bắt buộc bây giờ vẫn tái nghiện cao nhưng vớt vát tỉ lệ nhất định nếu gia đình, xã hội có sự quan tâm, giúp đỡ thiết thực. Mặt khác, các phương pháp cai tự nguyện hiện nay được mở rộng như dùng các thuốc thay thế là điều đáng kỳ vọng bởi người đang điều trị vẫn đi học, đi làm bình thường được”.

Ông Đàm cho biết theo đề án đổi mới cai nghiện của Chính phủ đẩy mạnh việc cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng thì đến năm 2020 sẽ giảm chỉ còn 6% người cai nghiện bắt buộc.

Một số học viên trốn trại ngày 9-11 tại Bà Rịa-Vũng Tàu đã được đưa về lại trại. Ảnh: TRÙNG KHÁNH

Ông lưu ý: “Các địa phương khi lập hồ sơ cần phân loại thật cần thiết mới đưa vào trung tâm cai nghiện bắt buộc hoặc cho điều trị tại cộng đồng chứ không nên có tư tưởng là phải đưa càng nhiều vào trung tâm. Còn ai gây rối phạm pháp thì xử lý theo pháp luật. Đồng ý mục tiêu đảm bảo trật tự an toàn cộng đồng nhưng phải bằng nhiều biện pháp như quản lý địa bàn, quản lý đối tượng, tăng cường vận động quần chúng để cùng làm chứ không phải cứ đưa càng nhiều vào trung tâm cai nghiện bắt buộc sẽ là tốt”. 

Tính đến tháng 10-2016 có 53/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức thực hiện và đã áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với 14.437 người nghiện ma túy. Một số tỉnh, thành phố có số người được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cao như TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ninh, Nghệ An... 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm