Đề xuất thí điểm hợp nhất 3 văn phòng từ đầu năm 2019

Chiều 18-9, tiếp tục phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã cho ý kiến về việc xây dựng đề án thực hiện thí điểm hợp nhất văn phòng đoàn đại biểu (ĐB) QH, văn phòng HĐND và văn phòng UBND cấp tỉnh.

Đề xuất thí điểm ở 10 tỉnh, thành

Trình bày tờ trình, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc kiến nghị Ủy ban Thường vụ QH ban hành nghị quyết thí điểm hợp nhất ba văn phòng thành văn phòng giúp việc chung. Việc thí điểm dự kiến thực hiện ở 10 tỉnh, TP gồm: Bắc Kạn, Đà Nẵng, Hà Giang, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Thái Bình, TP.HCM, Tây Ninh, Tiền Giang. Ngoài các địa phương trên, khuyến khích các tỉnh, TP còn lại tiếp tục tham gia thực hiện theo mô hình thí điểm hợp nhất văn phòng đoàn ĐBQH, HĐND và UBND.

Thời gian thực hiện thí điểm dự kiến từ ngày 1-1-2019 đến hết 31-12-2019.

Sau khi hết thời gian thực hiện thí điểm, các địa phương chủ động báo cáo tổng kết đánh giá việc thực hiện thí điểm hợp nhất ba văn phòng để làm cơ sở báo cáo QH xem xét, sửa đổi, bổ sung ba luật (Luật Tổ chức QH, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương) và chính thức thực hiện mô hình văn phòng thống nhất trên toàn quốc vào nhiệm kỳ 2021-2026.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đang trao đổi ý kiến với các đại biểu tại phiên họp. Ảnh: QH

Hợp nhất để thu gọn bộ máy

Theo đề xuất của Văn phòng QH, sau khi hợp nhất, văn phòng mới có tên gọi là Văn phòng đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương. Đây là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, có chức năng tham mưu tổng hợp, phục vụ hoạt động của đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh tại địa phương. Văn phòng là cơ quan tương đương cấp sở tại địa phương, trực thuộc UBND nhưng không phải là cơ quan chuyên môn.

Văn phòng chung có chánh văn phòng, các phó chánh văn phòng và các đơn vị trực thuộc. Trong thời gian thực hiện thí điểm, số lượng phó chánh văn phòng không vượt quá số lượng cấp phó hiện có của văn phòng đoàn ĐBQH, văn phòng HĐND, văn phòng UBND cấp tỉnh trước khi hợp nhất.

Kể từ năm 2020, số lượng phó chánh văn phòng tại các tỉnh, TP trực thuộc trung ương không quá bốn người; đối với Hà Nội và TP.HCM không quá năm người.

Trình bày ý kiến của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết ủy ban cơ bản tán thành với các đề xuất của Văn phòng QH. Tuy nhiên, đa số thành viên Ủy ban Pháp luật cho rằng việc đề án và dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH quy định “cứng” số lượng cấp phó kể từ năm 2020 là chưa thật sự hợp lý. Dự thảo nghị quyết chỉ nên xác định số lượng cấp phó của văn phòng sau khi hợp nhất không vượt quá số lượng cấp phó hiện có và giao cho địa phương xây dựng lộ trình để đến năm 2020 có số lượng phó chánh văn phòng theo quy định chung.

“Nên bảo lưu số lượng cấp phó”?

Một số ý kiến băn khoăn việc hợp nhất sẽ khiến không ít lãnh đạo cơ quan, cấp phòng bị dôi dư, cần phải bố trí, sắp xếp lại hợp lý và không tránh khỏi khiến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng về tâm lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu băn khoăn về việc sắp xếp nhân sự chánh văn phòng như thế nào cho “êm thấm” khi ba ông trưởng sau hợp nhất còn lại một ông. Ông Giàu đề nghị số lượng cấp phó nên bảo lưu như cũ chứ không nên hạn chế, bởi đây là do sắp xếp bộ máy chứ không phải do họ. Ông cũng cho rằng chính sách nhân sự nên công bằng và xem xét thận trọng vì đụng đến con người, “nếu làm không khéo sẽ gặp một làn sóng phản ứng”.

Về sắp xếp số lượng cấp phó, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết cơ bản thực hiện theo kết luận của Bộ Chính trị. Trước mắt, hợp nhất cộng các cấp phó của ba văn phòng vào, sau đó từ năm 2020 trở đi mới theo đúng số lượng cấp phó quy định.

Lo lắng về kiểm soát quyền lực

Một vấn đề khiến nhiều ĐB băn khoăn là việc hợp nhất sẽ đối diện với bất cập khi văn phòng phải tham mưu xây dựng, thi hành chính sách cho ba cơ quan có chức năng, nhiệm vụ khác nhau.

Theo đề án, chánh văn phòng sẽ điều hành toàn bộ công việc của văn phòng và chịu trách nhiệm trước trưởng đoàn, phó trưởng đoàn ĐBQH; thường trực HĐND; chủ tịch, phó chủ tịch UBND và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của văn phòng. Một chánh văn phòng sẽ phải thực hiện ba vai, vừa tham mưu kế hoạch giám sát cho HĐND, tham mưu cho UBND nội dung báo cáo HĐND tỉnh và cuối cùng cũng chính chánh văn phòng tham mưu HĐND báo cáo kết quả giám sát…

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Phan Thanh Bình thì băn khoăn về vấn đề kiểm soát quyền lực sau khi hợp nhất, bởi kiểm tra cũng văn phòng này, giám sát cũng văn phòng này...

Phát biểu sau đó, ông Nguyễn Hạnh Phúc thừa nhận đây là vấn đề khó. “Bởi ba con một cha thì dễ, chứ ba cha một con thì khó lắm” - ông ví von và cho biết trong phương án có quy định về mối quan hệ sau này, khi đi vào hoạt động sẽ có quy chế.

Ông Phúc cho hay vị trí trưởng thì có thể ba chọn một, có thể không chọn, tùy lựa chọn quyết định của địa phương, giao cho bí thư tỉnh ủy. “Việc chọn một chánh văn phòng có vai trò thủ trưởng, làm được cả ba việc là không phải dễ” - ông Phúc nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm