Đề xuất tái xử hình sự người sử dụng ma túy

Hàng loạt vụ thảm án liên quan đến người sử dụng ma túy gây lo lắng trong cộng đồng và nhiều ý kiến cho là cần cân nhắc, hình sự hóa trở lại đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy hoặc có chế tài phù hợp.

“Tình hình đặc biệt thì có biện pháp đặc biệt”

Trả lời trước Quốc hội ngày 4-6, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng công an, cho biết ma túy là loại “tội phạm của các loại tội phạm” và ông thông tin: Mỗi bánh heroin lọt vào Việt Nam thì 10 gia đình có người đi tù, vi phạm pháp luật.

Bộ trưởng cho biết sẽ đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tội phạm ma túy, trong đó có việc cân nhắc khôi phục lại Điều 199 trong BLHS năm 1999 quy định về tội sử dụng trái phép chất ma túy. “Tội phạm muốn tiêu thụ ma túy thì phải tăng người nghiện, vì vậy công an phải bằng mọi cách giảm số người nghiện và hình sự hóa việc sử dụng ma túy là điều cần thiết” - ông nói.

Bộ trưởng cũng cho biết là công tác phòng, chống, ngăn chặn, xây dựng xã hội kỷ cương an toàn, cho người dân có môi trường an lành mới là mục tiêu của ngành công an; phải xử lý, ngăn chặn tội phạm nảy sinh từ cơ sở và cơ quan chức năng sẽ tăng cường tuyên truyền về tội phạm ma túy.

Về điều mà Bộ trưởng Tô Lâm định kiến nghị, một cựu lãnh đạo Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (V03, Bộ Công an), người từng trực tiếp tham gia xây dựng BLHS năm 1999, sửa đổi năm 2009, cũng cho rằng cần tái hình sự hóa đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

Ông cho hay trước đây chỉ có hai điều luật về tội phạm liên quan đến ma túy nhưng đến BLHS năm 1999 đã dành hẳn một chương, trong đó có Điều 199 quy định về tội sử dụng trái phép chất ma túy. Ngoài việc xử lý hình sự, người sử dụng trái phép chất ma túy cũng bị quản lý rất chặt.

Đến khi sửa đổi BLHS năm 1999, nhiều quan điểm xem người sử dụng ma túy là nạn nhân của loại tội phạm này và Điều 199 bị bãi bỏ, chỉ bị xử phạt hành chính, dù quan điểm của Bộ Công an là muốn giữ lại tội danh trên.

Sau đó, tình hình tội phạm ma túy phức tạp hơn rất nhiều… Những người bị đưa vào các cơ sở cai nghiện đa phần đều có tiền án, tiền sự, tình trạng người nghiện cùng phá trại đã xảy ra, hiệu quả cai nghiện cũng là vấn đề…

Vị này nhận định đấu tranh với tội phạm ma túy phải làm sao giảm cả cung và cầu, trấn áp mạnh thì tội phạm liên quan đến ma túy sẽ được kiềm chế.

Ông cũng cho là hình sự hóa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy nên phân hóa về số lần, tái phạm… “Trong tình hình đặc biệt thì phải có biện pháp đặc biệt, với tình trạng tội phạm liên quan đến ma túy như hiện nay, chúng ta cần cân nhắc đến việc áp dụng xử lý hình sự. Phải đặt lợi ích của cộng đồng, của số đông lên hàng đầu” - vị này nói.

Lực lượng công an bắt quả tang các đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy tại các quán karaoke. Ảnh: PV

Không nên coi người nghiện là bệnh nhân

Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học, Bộ Công an, cho là không hình sự hóa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy khiến tính răn đe không còn cao, không kiểm soát được người nghiện, kích thích hành vi mua bán, tàng trữ ma túy.

“Không kiểm soát chặt cầu sẽ kích thích nguồn cung, đây thực sự là điều bất cập, mặc dù quan điểm nhìn nhận người nghiện là bệnh nhân cũng có tính nhân văn, tuy nhiên trước những hiểm họa mà người nghiện đang gây ra thì có lẽ phải tội phạm hóa trở lại hành vi này...

Ông cũng cho là cần đơn giản hóa thủ tục để đưa người nghi vấn đi kiểm tra ma túy, cưỡng chế cai nghiện bắt buộc.

Chưa thực sự cần thiết?

Thiếu tướng Lê Văn Cương, cựu viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Công an, cho rằng trước hết phải xem xét đến thông lệ quốc tế về vấn đề trên nhưng trước hết là xử lý nghiêm, nhanh những kẻ buôn bán, tổ chức sử dụng ma túy.

“Nhà hàng, quán bar phải có trách nhiệm, không được để người sử dụng ma túy trong phạm vi mình quản lý” - Thiếu tướng Cương nêu quan điểm.

Ông cho là phải nêu cao vai trò của cấp ủy, chính quyền cơ sở chứ không giao hết trọng trách này lên ngành công an.

Trung tướng Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội khóa XIII, cho rằng việc tái hình sự hóa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là chưa thực sự cần thiết.

“Quốc hội từng cân nhắc rất nhiều và coi người nghiện là nạn nhân chứ không phải tội nhân, là một bệnh lý đặc biệt, rất khó bỏ. Người nghiện khi trong trạng thái nghiện sẽ có thể gây nguy hiểm cho xã hội, do vậy cần phải chữa trị” - ông Nhã nói.

Ông cho hay không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới cũng coi người nghiện là bệnh nhân, tìm cách giúp đỡ họ chữa trị. Hiện người nghiện sẽ phải cai nghiện tại cộng đồng hoặc vào các trại cai nghiện bắt buộc và có ý kiến cho là hiệu quả chưa cao, nên áp dụng hình phạt tù để cai nghiện tốt hơn, ngăn chặn các mối nguy hiểm cho xã hội. “Tuy nhiên, nếu phạt tù tất cả những người nghiện hiện nay thì không thể trại giam nào chứa hết được. Vấn đề thiết thực nhất hiện nay là phải tổ chức lại các trại cai nghiện bắt buộc để thực sự hiệu quả, ngăn được tình trạng tái nghiện…” - ông nói.

Áp dụng rồi bãi bỏ

Điều 199 BLHS năm 1999 quy định người nào sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, đã được giáo dục nhiều lần và đã bị xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc mà còn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy thì bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Nếu tái phạm thì bị phạt tù từ hai đến năm năm.

Quá trình xây dựng Luật Phòng, chống ma túy cũng như sửa đổi, bổ sung BLHS năm 1999 xác định những người sử dụng ma túy là nạn nhân của tệ nạn xã hội, là người mắc bệnh và đến năm 2009, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều BLHS năm 1999 đã chính thức bãi bỏ nội dung điều luật trên. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm