Đề xuất sửa Nghị định 34 về phạt giao thông

Bộ GTVT vừa có dự thảo tờ trình Chính phủ chỉnh sửa, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (có hiệu lực thi hành từ 20-5-2010).

Vừa khó phạt, vừa thiếu răn đe

Theo Bộ GTVT, sau gần bảy tháng thực hiện, Nghị định 34 cơ bản đã đáp ứng yêu cầu của việc thực thi Luật Giao thông đường bộ 2008 nhưng có một số nội dung, điều, khoản, điểm chưa tạo thuận lợi tối đa cho một số đối tượng tham gia giao thông.

Chẳng hạn, một số quy định mới cần có thời gian chuẩn bị, triển khai trước khi áp dụng xử phạt, như bằng lái FC, gắn “hộp đen” trên xe khách, xe container… Cạnh đó, Bộ GTVT cũng cho rằng một số hành vi cần phải có chế tài mạnh hơn để đảm bảo ngăn ngừa các hành vi vi phạm đang trở nên phổ biến như tự lắp còi hơi, không tuân thủ quy định về bảo đảm trang thiết bị an toàn gắn trên xe.

Nghị định 34 còn một số bất cập như lực lượng CSGT rất khó xử phạt người đi bộ qua đường không đúng nơi quy định. Đối với các trường hợp đua xe, Nghị định 34 chỉ nâng mức phạt tiền mà bỏ hình thức xử phạt bổ sung là tạm giữ phương tiện (ngoại trừ trường hợp tái phạm hay chống người thi hành công vụ) nên không mang tính răn đe cao. Cả quy định xử phạt 100.000-200.000 đồng đối với người điều khiển xe máy chở trẻ em trên sáu tuổi không đội mũ bảo hiểm cũng gặp vướng mắc vì thiếu căn cứ để xác định tuổi trẻ em, giấy khai sinh không dán ảnh nên rất khó đối chiếu để xác minh tuổi của trẻ và rất ít người mang theo giấy khai sinh khi ra đường...

Đề xuất sửa Nghị định 34 về phạt giao thông ảnh 1

Cần nâng mức xử phạt hành vi gắn và sử dụng còi hơi thay vì chỉ 400.000 đồng như hiện nay. Ảnh: LƯU ĐỨC

Cũng theo Bộ GTVT, cần phạt nặng các “quái xế”. Nghị định 34 quy định các hành vi chạy xe bốc đầu, buông cả hai tay, nằm trên yên xe, dùng tay vào số, dùng chân điều khiển xe, thay người điều khiển khi xe đang chạy, lạng lách hoặc đánh võng trên đường bị phạt tiền 5-7 triệu đồng. Mức phạt này tương đương Nghị định 146/2007. Tuy nhiên, về thời hạn tước bằng lái thì Nghị định 34 quy định chỉ 60 ngày trong khi Nghị định 146/2007 là 90 ngày. Ngoài ra, Nghị định 34 chỉ phạt cảnh cáo người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi điều khiển xe môtô, xe máy, trong khi hiện có không ít đối tượng tham gia đua xe dưới 14 tuổi. Do đó, hình thức xử lý và mức phạt với đối tượng này cần được nghiên cứu, bổ sung.

Sửa cả thông tư hướng dẫn

Song song với việc đưa ra dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 34, hiện Bộ GTVT cũng đang lấy ý kiến góp ý cho việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 14/2010 về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải bằng ôtô; xây dựng các thông tư về tiêu chuẩn và đăng kiểm “hộp đen”…

Nhiều ý kiến cho rằng Thông tư 14 sửa đổi, bổ sung cần đưa ngay quy định về việc xe kinh doanh vận chuyển hành khách phải gắn “hộp đen”. Đây là cơ sở cần thiết cho các khâu tiền kiểm và hậu kiểm về hoạt động kinh doanh từ các cơ quan quản lý Nhà nước thay vì chỉ “khoán” việc kiểm tra và xử phạt cho các lực lượng làm nhiệm vụ trên đường với các xe đang lưu thông. Tương tự, quy định về việc xe không được gắn còi hơi cần coi như điều kiện để cấp phép kinh doanh chứ không phải đợi người lái sử dụng còi hơi thì mới xử phạt. Cũng từ nội dung kiểm tra hai loại thiết bị trên sẽ nâng tầm hoạt động, tự kiểm tra, giám sát của bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông ở các doanh nghiệp mà Thông tư 14 đã quy định.

Về “hộp đen”, đến nay Bộ GTVT vẫn còn trong giai đoạn lấy ý kiến góp ý. Nhiều ý kiến cho rằng Bộ GTVT cần sớm hoàn chỉnh và ban hành hai thông tư về tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình đăng kiểm thiết bị này. Đặc biệt, hai thông tư này cần ban hành đồng bộ, có cùng thời điểm hiệu lực thi hành với Nghị định 34 sửa đổi, bổ sung.

LƯU ĐỨC - HOÀNG LONG

Tại sao phải phạt một số hành vi ?

- Điều khiển ôtô không có dụng cụ thoát hiểm, thiết bị chữa cháy (nhất là với xe chở khách). Mức phạt là 300.000-500.000 đồng. Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm, nhất là sau khi xảy ra vụ xe khách bị nước lũ cuốn trôi ở Hà Tĩnh khiến 20 người chết và mất tích.

- Tăng mức xử phạt người lái ôtô lắp còi có âm lượng vượt quá quy định (đặc biệt với xe tải, xe khách đường dài) từ 400.000 đồng lên 2-3 triệu đồng. Lý do, thời gian qua nhiều vụ tai nạn giao thông chết người xảy ra do người đi bộ, đi xe máy bị giật mình vì loại còi trên.

- Ôtô chở hàng vượt quá khổ giới hạn của cầu, đường nhưng không có giấy phép lưu hành hoặc chở hàng vượt khổ giới hạn của cầu, đường, ghi trong giấy phép lái xe. Mức phạt đề nghị là 3-5 triệu đồng.

- Kể từ ngày 1-7-2012, người điều khiển ôtô đầu kéo sơmi rơmoóc không có giấy phép lái xe hạng FC và trên xe đầu kéo, xe khách không gắn thiết bị giám sát hành trình hoặc thiết bị không hoạt động theo quy định thì sẽ bị xử phạt. Hai lỗi vi phạm này có cùng mức phạt là 2-3 triệu đồng. Mức phạt cao là do Thủ tướng đã cho lùi thời hạn người lái phải có bằng FC và xe phải gắn thiết bị.

(Theo Báo cáo đánh giá tác động của Nghị định 34 của Bộ GTVT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm