Đề xuất lập Tổ hợp tín dụng 300.000 tỉ phát triển kinh tế số

Ngày 30-10, UBND TP.HCM và Bộ Ngoại giao đã tổ chức hội nghị kiều bào đóng góp hiến kế về chuyển đổi số và khắc phục tác động của dịch COVID-19 để phát triển kinh tế Việt Nam.
Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo TP.HCM, Bộ Ngoại giao và hơn 250 kiều bào tham dự trực tiếp, cùng 200 kiều bào kết nối trực tuyến với hội nghị từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PHƯƠNG THÙY

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Đặng Minh Khôi, cho biết trong năm qua, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với hơn 5,3 triệu người tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng đóng góp cho sự phát triển đất nước.

Đáng chú ý, trong dịch COVID-19, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã đóng góp hàng chục tỉ đồng, trong đó có 34 tỉ được đóng góp thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để hỗ trợ công tác phòng chống dịch trong nước. Hiện nay, các kiều bài tiếp tục đóng góp, giúp đỡ đồng bào miền Trung khắc phục thiên tai, lũ lụt.
Trân trọng những đóng góp của kiều bào, ông Đặng Minh Khôi mong muốn cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục đồng hành và đóng góp về trí tuệ và vật lực để đất nước phát triển hơn nữa.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết dưới tác động của dịch, lần đầu tiên kinh tế TP tăng trưởng dưới 1,2%. Cũng là lần đầu tiên, TP có trên 29.000 doanh nghiệp (DN) giải thể và tạm ngưng hoạt động với số vốn đăng ký kinh doanh giảm hơn 149.000 tỉ đồng, làm giảm đi doanh số hoạt động sản xuất kinh doanh hơn 25.000 tỉ đồng.
Trong đó, du lịch là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, hơn 1.300 doanh nghiệp lữ hành bị sụt giảm số lượng hành khách lẫn doanh thu, kéo theo hàng loạt những tác động xã hội khác, nhất là tình trạng thất nghiệp.
Do đó, ông Phong mong muốn các chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào thảo luận sâu hơn các giải pháp phát triển TP trong trạng thái bình thường mới. Ông tin tưởng, có sự đồng hành của kiều bào và với sự gắn kết, tình cảm của các chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào, TP sẽ sớm trở thành thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại và nghĩa tình.

TS Nguyễn Trí Hiếu đề xuất lập Tổ hợp tín dụng 300.000 tỉ đồng. Ảnh: PHƯƠNG THÙY

Góp ý tại hội nghị, TS Nguyễn Trí Hiếu - kiều bào Mỹ, chuyên gia tài chính ngân hàng, đề xuất thành lập một “Tổ hợp tín dụng’’ (loan syndication) với mục đích cung cấp nguồn vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và vốn để thực hiện quá trình chuyển đổi số cho DN.

Theo đó, tất cả các ngân hàng đều phải tham dự vào tổ hợp này, với tỉ lệ tham gia tương đương 3-3,5%/tổng dư nợ của mỗi ngân hàng. Tổng dư nợ của nền kinh tế hiện nay là 8,7 triệu tỉ đồng, nếu tham gia với tỉ lệ 3-3,5%, hệ thống ngân hàng sẽ có một Tổ hợp tín dụng khoảng 300.000 tỉ đồng.

“Dùng tổ hợp này để cho các DN đang khó khăn vì dịch bệnh vay. DN có thể vay tối đa một số tiền không vượt quá 3 lần giá trị thực dương của vốn điều lệ. Điều kiện vay phải là vay tín chấp, DN phải được vay tín chấp, chứ còn đòi hỏi thế chấp thì không thể nào cho vay được. DN đang rất khó khăn” – ông Hiếu nói.
GS Hà Tôn Vinh - kiều bào Mỹ, chuyên gia tư vấn tài chính cơ sở hạ tầng, cho rằng trong ngắn hạn, với đa số các DN thuộc nhóm DN nhỏ và vừa, Việt Nam sẽ dễ dàng thích ứng với nhu cầu đòi hỏi của thị trường và dịch chuyển để tồn tại và phát triển.
"Nếu Chính phủ quyết tâm đẩy nhanh các dự án đầu tư công và giải ngân các dự án có vốn đầu tư nước ngoài hiện đang bị chậm trễ hay tạm dừng, kinh tế Việt Nam sẽ bớt bị động và giảm tác động tiêu cực của COVID-19" - ông Vinh nói.
Ông Vinh cũng cho rằng, Việt Nam có thể tính đến việc vay từ các tổ chức tài trợ với lãi suất ưu đãi như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… để hỗ trợ việc phục hồi kinh tế trong nước.
Còn về dài hạn, Chính phủ và doanh nghiệp nhất thiết phải tính đến chuyện chuyển hướng nền kinh tế tiêu thụ truyền thống sang nền kinh tế số và nền kinh tế tuần hoàn.
Nền kinh tế tuần hoàn là một mô hình hợp tác công tư hoàn hảo. Chính phủ không bị thêm nhiều áp lực tìm và mua tài nguyên quý hiếm, đắt đỏ từ thị trường quốc tế. Chính phủ có thể hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp với các chính sách tài trợ việc nghiên cứu các sản phẩm và dịch vụ kinh tế tuần hoàn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm